Từ nguồn “vốn mồi” thuộc chương trình khuyến công đã giúp cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đặc biệt là các làng nghề trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vượt qua khó khăn, tạo động lực trong việc đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Là một trong những mô hình công nghiệp nông thôn được thụ hưởng 50 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công cấp huyện năm 2023, mô hình xưởng may công nghiệp của chị Lê Thị Minh Huệ, ở thôn Đông Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng hiện đang hoạt động hiệu quả và đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Vốn là người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm nghề may mặc, chị Huệ luôn mong muốn phát triển kinh tế gia đình gắn với hỗ trợ lao động địa phương có thêm thu nhập ngay tại quê hương.
Do đó, sau khi tìm hiểu thị trường, từ năm 2019, chị Huệ đã đầu tư gần 100 triệu đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị rồi nhận sản phẩm may mặc của một số công ty may trong và ngoài tỉnh về may gia công. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị Huệ nhận gia công từ 1.000 - 2.000 sản phẩm may mặc. Thời gian cao điểm, cơ sở sản xuất gần 4.000 sản phẩm/tháng.
Chị Huệ cho biết: “Để hoàn thành một sản phẩm may mặc cần phải qua nhiều công đoạn, như: cắt vải, se lai, vắt sổ, may... nên cần nhiều lao động. Người lao động không biết may chỉ cần học khoảng 1 tháng là đã có thể may được. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ.
Nếu cố gắng, trung bình mỗi người có thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng”. Sau hơn 5 năm phát triển, cơ sở may mặc của chị Huệ đã có rất nhiều đơn hàng từ khắp nơi trên cả nước, quy mô sản xuất cũng tăng hơn 2,5 lần so với thời gian đầu.
Do đó, yêu cầu đặt ra là phải đầu tư thêm máy móc để tăng năng suất, tăng khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành sản phẩm.
Trong bối cảnh nguồn kinh phí hạn hẹp, được hỗ trợ nguồn kinh phí 50 triệu đồng từ chương trình khuyến công cấp huyện, cùng nguồn đối ứng của gia đình đã giúp chị Huệ hiện thực hóa được mục tiêu đầu tư.
Hiện tại, cơ sở may công nghiệp của chị Huệ đang tạo việc làm cho hơn 40 lao động, với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/lao động/tháng. Doanh thu bình quân của cơ sở đạt từ 150 triệu đồng/tháng trở lên.
Chị Huệ chia sẻ: “Nhờ được “tiếp sức” từ nguồn vốn khuyến công mà tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm các loại máy móc như máy cắt chỉ, máy làm nút, máy đóng bao bì... để hiện đại hóa quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường may mặc. Từ đó có thêm nhiều đơn hàng để tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn, nhất là lao động nữ”.
Cũng từ nguồn kinh phí khuyến công cấp huyện, vợ chồng anh Hồ Minh Thạnh và chị Nguyễn Thị Huệ, ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng đã có thêm động lực để gắn bó, gìn giữ và ngày càng phát triển nghề làm bánh bột lọc truyền thống của địa phương.
Trong gian nhà nhỏ thơm nức mùi bột, mùi nhân, cả mùi lá chuối quen thuộc của gia đình, chị Huệ tự hào giới thiệu rằng đây là món bánh đặc sản của quê hương và phải dựa trên kinh nghiệm nhiều năm mới làm ra chiếc bánh đúng vị. Mỗi ngày, gia đình chị Huệ làm và bán khoảng 2.000 - 3.000 chiếc bánh.
Ngoài những thành viên trong gia đình, vào những đợt cao điểm, vợ chồng anh chị phải thuê thêm 5, 6 người làm phụ. “Trước đây, gia đình chúng tôi làm bánh bột lọc chủ yếu là làm thủ công. Từ năm 2022, chúng tôi được thụ hưởng 45 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công của huyện, cùng với số vốn tích góp của gia đình nên đã mạnh dạn đầu tư một số loại máy móc để đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm thời gian, công sức như: máy hấp, máy hút chân không, máy đánh bột, máy nghiền bột, nồi hấp công nghiệp...
Nhờ vậy, năng suất và chất lượng của sản phẩm ngày một tăng lên, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đặt hàng liên tục. Năm 2022, sản phẩm bánh bột lọc do gia đình chúng tôi sản xuất đã đoạt giải Nhất khi tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2022 và là 1 trong 22 sản phẩm/bộ sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh năm 2022”, chị Huệ cho biết.
Theo Ban Quản lý dự án, phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Hải Lăng, công tác khuyến công năm 2023 và quý 1/2024 vẫn duy trì được nhịp độ và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ. Cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đã có bước phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng; trình độ quản lý và tay nghề của người lao động cũng được nâng lên đáng kể.
Việc tổ chức thực hiện các đề án khuyến công luôn gắn với nhu cầu thực tế của các cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo cho người dân có những nhìn nhận mới về sự hỗ trợ của Nhà nước trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Ngoài hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hằng năm, đơn vị còn giới thiệu, kết nối các cơ sở, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên website, sàn giao dịch thương mại điện tử; tham gia hội nghị, hội thảo kết nối cung - cầu; tham gia triển lãm sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, tạo cơ hội cho các cơ sở, doanh nghiệp giao lưu học hỏi, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
Phó Giám đốc Ban quản lý dự án, phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Hải Lăng Trần Đức Hiền thông tin: “Nhằm tiếp sức, tạo “đòn bẩy” để các cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước phát triển bền vững, thời gian tới, Ban Quản lý dự án, phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình khuyến công huyện giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 62/NQ-HĐND ngày 12/10/2021 của HĐND huyện về hỗ trợ hoạt động khuyến công trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025.
Tư vấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn mở rộng quy mô sản xuất và kết nối tìm kiếm thị trường đầu vào, đầu ra cho các đơn vị. Từ đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)