Thay đổi phương thức hỗ trợ để giảm nghèo bền vững

Mai Lâm |

Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới so với các giai đoạn trước, đặc biệt việc áp dụng đánh giá theo tiêu chuẩn đa chiều có thể khiến số lượng hộ nghèo, cận nghèo các địa phương tăng lên. Áp lực về nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo cũng vì thế mà tăng theo. Trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, việc hỗ trợ gì cho người nghèo, cách thức hỗ trợ thế nào để thật sự hiệu quả là vấn đề cần được quan tâm.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị, đầu năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh là 10,44%, tỉ lệ hộ cận nghèo là 5,57%. Đến giữa năm 2022, thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo Thông tư 02/2022/TTBLĐTBXH ngày 30/3/2022, toàn tỉnh phát sinh thêm 187 hộ nghèo, 149 hộ cận nghèo, nâng tổng số hộ nghèo toàn tỉnh lên 18.904 hộ, chiếm tỉ lệ 10,55% (tăng 0,11%); 10.133 hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 5,65% (tăng 0,08%). Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, Quảng Trị có thêm 336 hộ nghèo, cận nghèo do ảnh hưởng thiên tai và COVID-19.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, có người do hoạn nạn, ốm đau, thiên tai, dịch bệnh, già cả neo đơn không còn sức lao động; có người thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, chưa biết cách tính toán nên đầu tư sản xuất thua lỗ, mất cả vốn, đặc biệt vẫn còn một bộ phận có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài nên không muốn thoát nghèo. Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, khả năng của mỗi người khác nhau nên cần có sự hỗ trợ khác nhau.

 

Điểm mới nổi bật của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo. Nếu trước đây, việc hỗ trợ cho người nghèo là riêng lẻ theo từng hộ gia đình thì nay sẽ tập trung vào hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình.

Vì thế, cần có khảo sát, nắm tình hình, nhu cầu, đồng thời đối thoại trực tiếp với người nghèo để xây dựng phương án giúp đỡ hiệu quả. Thời gian này, tỉnh Quảng Trị đang gấp rút thực hiện kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025 nhằm đánh giá kết quả thực hiện năm 2022, làm cơ sở xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và phát triển KT - XH giai đoạn 2022 - 2025.

Trao “cần câu” hay trao “xâu cá” - thay đổi phương thức hỗ trợ cho người nghèo là vấn đề được bàn luận nhiều trong thời gian qua. Tại Quảng Trị, đã có một số địa phương triển khai mô hình hỗ trợ thoát nghèo bước đầu mang lại hiệu quả như mô hình thí điểm hỗ trợ 30 hộ dân người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở 3 xã Mò Ó, A Ngo, Hướng Hiệp của huyện Đakrông thoát nghèo bền vững vào năm 2012. Việc ràng buộc, hỗ trợ có điều kiện bằng cam kết thoát nghèo của đối tượng thụ hưởng đã hạn chế phần nào tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đồng thời phát huy tính chủ động vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiệu quả của cách làm này được khẳng định khi các hộ được hỗ trợ đều đã thoát nghèo. Tuy nhiên, đến nay mô hình này vẫn chưa được nhân rộng do thiếu kinh phí thực hiện. Cũng thực hiện chính sách giảm nghèo, tại 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà của huyện Vĩnh Linh, sau nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo không mang lại hiệu quả, huyện chuyển sang hình thức hỗ trợ theo nhu cầu của hộ dân. Việc lựa chọn hộ để hỗ trợ không chỉ dành cho người nghèo như trước mà vẫn dành một số mô hình hỗ trợ cho hộ có nhu cầu, tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện.

Ngoài hộ nghèo, cận nghèo còn có cán bộ xã, thôn, bản hoặc hộ có điều kiện được lựa chọn tham gia xây dựng mô hình điểm. Việc tự mình lựa chọn xây dựng mô hình mang tính tiên phong trong chuyển dịch kinh tế, không phụ thuộc quá nhiều vào Nhà nước để chủ động sản xuất sẽ truyền cho những người khác khát vọng, ý chí vươn lên. Đây là cách làm mới rất cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm để nhân rộng.

Dù có nhiều phương thức hỗ trợ nhưng để phát huy hiệu quả bền vững cần tìm hiểu cụ thể từng hoàn cảnh, nhu cầu, khả năng của đối tượng thụ hưởng. Để làm tốt điều này, cần phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể ở địa phương bởi họ gần dân, sát dân, hiểu điều kiện của từng hoàn cảnh cụ thể nên sẽ hỗ trợ đúng địa chỉ, đúng nhu cầu và hướng dẫn, đôn đốc, giám sát quá trình thoát nghèo một cách hiệu quả nhất. Việc đầu tư các dự án xóa đói, giảm nghèo cần hình thành cơ chế hỗ trợ vốn theo hướng kịp thời hỗ trợ cho địa phương làm tốt, cắt giảm đối với địa phương làm chưa tốt để khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh sự hỗ trợ về vốn cần bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm sản xuất cũng như cách sử dụng, quản lý vốn vay hoặc số tiền thu được từ mô hình đã đầu tư một cách phù hợp, bền vững nhằm tránh nguy cơ tái nghèo. Cần có chính sách khuyến khích người nghèo vươn lên phát triển kinh tế; xây dựng các mô hình hợp tác xã, tăng cường liên kết hộ nghèo với doanh nghiệp...

Vì thế, bên cạnh việc hỗ trợ, nhân rộng các mô hình sinh kế đơn lẻ của từng hộ gia đình, cần cân nhắc mở rộng phạm vi hỗ trợ các nhóm hộ liên kết cùng sản xuất một sản phẩm với quy mô lớn hơn, có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, sạch cung cấp cho thị trường mang đến hiệu quả bền vững, lâu dài.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Việt Nam cùng ASEAN cam kết xóa đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực

PV |

Ngày 12/10/, Ủy ban về các vấn đề kinh tế và tài chính của Khóa 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành phiên thảo luận chung về xóa nghèo, phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực. Tại đây, đại diện cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam cam kết xóa đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

Khởi công xây dựng 2 nhà mái ấm cho người nghèo nơi biên giới

Đình Tiến |

Đồn Biên phòng Hướng Lập (Quảng Trị) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Đồn Biên phòng Hướng Phùng, Công ty Đại Thanh Hải JSC, Công ty 19/12 Bắc Hà- Hà Nội, chính quyền địa phương và nhà hảo tâm tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn 2 xã Hướng Lập, xã Hướng Phùng.

Rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình năm 2022

Mai Lâm |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm xác định, lập danh sách, tổng hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp có mức sống trung bình cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh, từ đó làm cơ sở xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn 2022 – 2025 và năm 2023.

Hướng Hóa: Khởi công 2 mái ấm cho người nghèo nơi biên giới

Lê Trường |

Ngày 4/10, thông tin từ Đồn Biên phòng Hướng Lập (Hướng Hoá, Quảng Trị) cho biết, đơn vị vừa phối hợp chính quyền địa phương khởi công xây dựng 2 mái ấm cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.