Thôn Prin Thành giữ lấy rừng xanh

Trần Tuyền |

Hàng chục năm nay, người dân thôn Prin Thành, xã A Dơi, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) cùng nhau gìn giữ, bảo vệ những cánh rừng trên địa bàn. Từ cánh rừng tự nhiên sản xuất rộng hàng chục héc ta đến khu “rừng ma” với những cây gỗ trắc quý hiếm luôn được dân làng bảo vệ nghiêm ngặt. Với họ, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là giữ lấy rừng xanh.

Cánh rừng tự nhiên sản xuất 54 ha

Một ngày đầu tháng 2, Trưởng thôn Prin Thành Hồ Văn Chín (30 tuổi) dẫn chúng tôi thăm cánh rừng tự nhiên sản xuất rộng 54 ha đang được dân làng bảo vệ. Để vào rừng, chúng tôi phải băng qua vùng đất sản xuất của người dân, men theo tuyến đường mòn độc đạo ngoằn nghèo, đèo dốc bằng xe máy. Vừa đến mép rừng, chúng tôi gặp ông Hồ Phức (47 tuổi) từ trong rừng đi ra với bó đót buộc sau yên xe. Ông Phức nói: “Tuần vài lần, tôi và một số người khác trong thôn vào rừng để kiểm tra xem có gì thay đổi không. Thời gian này đang là mùa đót nên ngoài việc tuần tra, bảo vệ rừng, tôi hái đót về bán, cải thiện thu nhập cho gia đình”.

Dẫn chúng tôi cuốc bộ vào rừng, Trưởng thôn Hồ Văn Chín kể, năm 2019, thôn Prin C và thôn Hợp Thành sáp nhập thành thôn Prin Thành với 120 hộ, 570 nhân khẩu. Nơi đây, người đồng bào Pa Kô chiếm trên 90%.

Cánh rừng tự nhiên rộng 54 ha được người dân thôn Prin Thành bảo vệ từ nhiều năm qua - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Cánh rừng tự nhiên rộng 54 ha được người dân thôn Prin Thành bảo vệ từ nhiều năm qua - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Từ nhiều năm trước, cánh rừng tự nhiên nằm đầu nguồn con suối A Rờ Lao đã được nhà nước giao cho thôn Prin C bảo vệ, gìn giữ. “Trước đây, trong thôn Prin C có 8 hộ được giao rừng để bảo vệ.

Sau này, phong trào bảo vệ rừng được lan tỏa và hiện nay người dân toàn thôn cùng chung tay bảo vệ rừng. Việc bảo vệ rừng được người dân tự nguyện làm chứ không được nhận được bất kỳ kinh phí hỗ trợ nào”, anh Chín nói.

Vài năm trước, có 2 người ở thôn khác vào rừng, chuẩn bị chặt cây thì người dân trong thôn phát hiện được đã ngăn cản không cho 2 người này chặt cây rừng. Từ đó đến nay, không xảy ra trường hợp phá rừng nào nữa.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện có trường hợp phá rừng, người dân trong thôn sẽ tuyên truyền và nhắc nhở. Nếu họ không dừng lại mà vẫn tiếp tục phá rừng thì người dân thôn Prin Thành sẽ báo với lực lượng công an, kiểm lâm và lãnh đạo xã để có phương án xử lý.

Anh Chín nói thêm: “Trong thôn có một số hộ ban đầu không chịu đi tuần tra bảo vệ rừng vì không được nhà nước hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, chúng tôi ra sức vận động, tuyên truyền để họ hiểu rằng bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống cho con cháu của mình.

Sau đó, tất cả người dân trong thôn đều chung tay bảo vệ rừng. Hiện trong cánh rừng này có nhiều loại cây gỗ lớn, có đường kính 2 người ôm và hệ sinh thái rừng phong phú, nhiều loại động vật sinh sống như: khỉ, nai, lợn rừng...”.

Anh Trương Thanh Minh, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã A Dơi, thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho hay: “Người dân thôn Prin Thành có ý thức bảo vệ rừng rất tốt. Đơn vị thường xuyên tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tuần tra bảo vệ rừng và cách xử lý khi có trường hợp phá rừng cho người dân trong thôn. Nhiều năm nay, trên địa bàn thôn Prin Thành và xã A Dơi không xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy nữa”.

Bảo vệ rừng gỗ trắc

Cách cánh rừng tự nhiên không xa là khu vực “rừng ma” của 10 dòng họ sinh sống trên địa bàn thôn Prin Thành. Khu rừng gỗ trắc hiện có hàng chục cây, nhiều cây cao lớn, thân cây khoảng 1 người ôm.

Xen kẽ giữa các gốc cây là vô số ngôi mộ của 10 dòng họ trong thôn. Trên bảng phân loại gỗ Việt Nam, cây trắc được xếp vào nhóm gỗ quý loại I. Mặc dù biết đây là loại gỗ có giá trị kinh tế rất cao nhưng người dân trong thôn không ai dám đụng đến vì được 10 dòng họ bảo vệ nghiêm ngặt bằng hương ước.

“Khu “rừng ma” này đã tồn tại trên 50 năm và đến nay đang được bảo vệ rất tốt. Theo phong tục địa phương, khu rừng này là nơi bất khả xâm phạm, không ai được phép tự ý xâm phạm, đốn hạ cây rừng hoặc tác động đến mồ mả.

Nếu ai chặt phá cây sẽ bị 10 dòng họ xử phạt cúng dê, lợn, gà. Nếu làm ảnh hưởng đến mồ mả thì bị phạt cúng 1 con bò. Khu “rừng ma” này được người dân trong thôn chăm sóc, dọn dẹp và phát quang thường xuyên. Mỗi khi trong 10 dòng họ có người mất thì được đưa đến đây để mai táng”, anh Chín nói.

Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi, huyện Hướng Hóa Hoàng Khánh Hòa cho biết, đây là khu “rừng ma” hiếm có vì tồn tại loại gỗ trắc quý hiếm, hàng chục năm nay. Thời gian qua, cùng với sự chung tay bảo vệ của người dân, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục quản lý, gìn giữ và bảo tồn khu rừng quý này.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

'Khám phá rừng Lim - Ngôi nhà của Kong' tại Quảng Bình

PV |

Ngày 18/2, tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa), Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với Công ty Du lịch Chua me đất (Oxalis Adventure) tổ chức khai trương khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge và sản phẩm du lịch mới tour lái xe địa hình khám phá rừng lim Tân Hóa.

Giám sát công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông

Nhơn Bốn |

Ngày 14/2, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến làm trưởng đoàn làm việc với Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông để giám sát công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng nhằm triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2022.

Thống nhất đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện 4 dự án

Hải An |

Sáng 14/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ trình phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Phóng sự ảnh: Lợi ích từ rừng bần chua ở Bắc Phước

Nhơn Bốn |

Cù lao Bắc Phước là một vùng đất nằm về phía Bắc của xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), được bao quanh bởi hai nhánh sông Hiếu, Thạch Hãn, có tổng diện tích khoảng 4 km2, với hơn 340 hộ dân, trên 1.400 nhân khẩu. Đây là vùng đất thường xuyên chịu sự tác động của thiên tai như: bão, lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở đê, sương muối... Để giúp người dân ổn định sản xuất nông nghiệp, an tâm sinh sống, năm 2006, Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng tuyến đê biển dài 7,6 km và kết hợp trồng rừng bần chua vào năm 2010 bao quanh cù lao. Sau 13 năm, rừng bần chua đã phát huy tác dụng chắn sóng, chống triều cường, bảo vệ tuyến đê biển tránh bị xói lở, cải thiện môi trường, làm đa dạng hệ sinh thái và giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Rừng bần chua còn thu hút đàn cò trắng hàng nghìn con về trú ngụ, sinh sôi và tạo ra cảnh quan tuyệt đẹp với nhiều tiềm năng du lịch sinh thái ...