Thức cùng những giấc mơ

Quang Hiệp |

Đối với Nguyễn Như Hải Hòa, giấc mơ không đơn thuần chỉ hiện diện trong những đêm nồng yên ả. Nó chính là thứ mà đã, đang và sẽ không cho phép Hải Hòa ngủ say. Nhờ thức cùng những giấc mơ, Hòa đã gặt hái nhiều thành tựu dẫu xuất phát điểm chỉ là một cô bé quê, sinh ra, lớn lên trong gian khó.


Mở lối cho chính mình

Không chỉ người thân, thông tin Nguyễn Như Hải Hòa (sinh năm 2000) tốt nghiệp thủ khoa và thuận lợi tìm được một công việc phù hợp với năng lực, sở trường tại TP. Hồ Chí Minh khiến nhiều người dân xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), rất vui mừng. Hải Hòa không có nhiều thời gian ở quê. Từ lúc 10 tuổi, Hòa đã rời nhà để theo đuổi những giấc mơ lớn của đời mình. Vậy mà, trong tâm trí nhiều người dân xã Hải Chánh vẫn in đậm hình ảnh một cô bé nhỏ nhắn, có đôi mắt thẳm sâu như chứa đầy ắp những dự định, hoài bão...

Một thời, ở xã Hải Chánh, nhắc đến gia đình Hải Hòa, người ta liên tưởng ngay đến sự khó khăn, thiếu thốn. Ba mẹ Hòa là những người nông dân chân chất, mộc mạc. Để lo cho 7 người con, ông bà phải vất vả với việc bán buôn nhưng vẫn không thể gánh gồng hết những lo toan thường nhật. Sinh ra, lớn lên trong cảnh khó, Hải Hòa sớm quen với cái khổ. Ngay những bữa cơm của gia đình cô cũng hiếm khi đầy đủ thành viên. Nhiều hôm về nhà, ba mẹ Hải Hòa chỉ kịp ăn vội bát cơm, rồi đặt lưng xuống ngủ. Chiếc áo đẫm ướt mồ hôi của ba mẹ là hình ảnh thân thuộc nhưng lại làm Hòa nhói lòng mỗi khi nhớ đến.

Hải Hòa chụp ảnh với gia đình trong ngày lễ tốt nghiệp đầy ý nghĩa - Ảnh: NVCC
Hải Hòa chụp ảnh với gia đình trong ngày lễ tốt nghiệp đầy ý nghĩa - Ảnh: NVCC

Nghĩ khó thay đổi cuộc sống nếu chỉ quẩn quanh ở miền quê nghèo, các anh chị của Hải Hòa sớm rời lũy tre làng. Năm 10 tuổi, Hòa nối bước con đường của anh chị. Sau 3 năm học tập tại Huế, cô bé người Quảng Trị lên chuyến tàu vào TP. Hồ Chí Minh để viết tiếp những giấc mơ.

“Em vào mảnh đất phương Nam xa xôi với chiếc ba lô chứa đầy hoài bão. Thế nhưng, bản thân chưa biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu... Lúc ấy và mãi đến bây giờ, chị gái Như Hải Yến, giảng viên Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh là chỗ dựa đầy tin tưởng đối với em. Không chỉ lo liệu cho việc sinh hoạt, học tập, chị còn định hướng cho em con đường phía trước”, Hòa chia sẻ.

Hải Hòa chụp ảnh lưu niệm tại chương trình “Vinh danh thủ khoa” năm 2023 - Ảnh: NVCC
Hải Hòa chụp ảnh lưu niệm tại chương trình “Vinh danh thủ khoa” năm 2023 - Ảnh: NVCC


Sự định hướng mà Hải Hòa nhắc đến khởi điểm bằng lời động viên cô học múa. Thực ra, từ nhỏ, Hòa đã yêu thích bộ môn này. Theo thời gian, những lo toan của cuộc sống đã vùi lấp tình yêu ấy. Vì vậy, khi đến với múa, Hòa có cảm giác như đang sống trong mơ.

Tuy nhiên, buổi đầu, đó không phải là giấc mơ đẹp. Cô gái người Quảng Trị phải học cùng các bé chỉ 4, 5 tuổi. So với học viên khác, cơ thể Hải Hòa cứng hơn nhiều. Không ít lần, Hòa ứa nước mắt vì muốn chinh phục một động tác khó nhưng không thể. Dẫu vậy, trong đầu cô chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc. Ngược lại, Hòa khổ luyện nhiều hơn, dần lột xác, rồi tự tin thi và đỗ vào Trường Trung cấp Múa TP. Hồ Chí Minh.

Lấy giấc mơ nhỏ nuôi giấc mơ lớn

Từ ngày bước chân vào ngôi trường mơ ước, Hải Hòa như tìm thấy chính mình. Những áp lực vì vừa phải hoàn thành chương trình múa, vừa học văn hóa trở nên bé nhỏ đối với cô. Hải Hòa cũng dần làm quen với những bài tập khó, buổi tập luyện cường độ cao và cả... chấn thương. Khi mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, Hòa gây bất ngờ vì xin bảo lưu kết quả học tập.

Nói về quyết định này, Hải Hòa bộc bạch: “Múa là giấc mơ và là đam mê lớn của em. Thế nhưng, đây không phải là giấc mơ duy nhất và lớn nhất. Trong điều kiện còn khó khăn, em nghĩ mình cần tạm gác những giấc mơ nhỏ để nuôi một giấc mơ lớn hơn”.

Giấc mơ lớn mà Hải Hòa chia sẻ ở đây chính là trở thành sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Trong tháng ngày học múa, Hòa vẫn luôn mong muốn khai phá, hoàn thiện bản thân để sau này có nhiều cơ hội cống hiến hơn. Đó là một trong những lý do thôi thúc Hải Hòa chọn ngành Quản lý văn hóa. Ngày thi vào trường, Hòa dùng điệu múa kết tinh từ giấc mơ thời thơ bé và những giọt mồ hôi khổ luyện để chinh phục hội đồng tuyển sinh và giành được tấm vé bước tiếp.

Mở ra cánh cửa để có thể thực hiện song hành hai giấc mơ, dẫu còn nhiều vất vả nhưng con đường phía trước của Hải Hòa đã trở nên thuận lợi, thênh thang hơn. Vậy mà, cô gái giàu nghị lực lại tự làm “khó” mình bằng quyết định sống tự lập.

Đó là năm Hòa mới 18 tuổi. Sau khi đỗ đại học, cô xin phép chị gái ra riêng, tự lo liệu cuộc sống và việc học tập. Quyết định của Hòa khiến chị Như Hải Yến không khỏi lo lắng. Lâu nay, trong mắt chị, Hòa vẫn luôn là cô em gái bé nhỏ, cần được bảo vệ, chở che. Thế nhưng, từ những trải nghiệm bản thân, chị Yến biết đây là dấu mốc khởi đầu, vô cùng cần thiết cho sự trưởng thành của em gái.

Đối với một cô sinh viên hiền lành, cuộc sống tự lập ở thành phố lớn đầy rẫy những thử thách. Với 3 triệu đồng mỗi tháng, Hải Hòa phải tự tìm tòi và học cách quản lý tài chính. Hằng ngày, ngoài giờ đến trường, cô tất bật đi dạy múa và chạy show để có thu nhập. Tháng nào số tiền làm ra nhiều hơn khoản chi tiêu, Hòa chấp nhận sống cảnh “thắt lưng, buộc bụng”. Nhiều khi mệt mỏi, áp lực đè nặng đến mất ngủ nhưng cô không cầu viện bất cứ ai và chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình. Theo thời gian, mọi việc ổn dần. Hải Hòa tốt nghiệp Trường Trung cấp Múa TP. Hồ Chí Minh, xếp loại giỏi và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.

Áp lực tạo kim cương

Không chỉ thúc giục mưu sinh, những áp lực trong cuộc sống tự lập còn thôi thúc Hải Hòa lao vào đèn sách. Trân quý số tiền mình bỏ ra để hoàn thành các khoản thu nộp, Hòa luôn học hành đến nơi, đến chốn. Đối với cô, mỗi ngày đến trường là một ngày “thu hồi” số tiền mồ hôi, công sức đã bỏ ra. Kết quả, không chỉ làm tốt việc “thu hồi vốn”, Hòa còn liên tục “săn” được học bổng. Trong 4 năm sinh viên, học kỳ nào cô cũng giành được học bổng. Khoản tiền ấy được Hòa dành để đầu tư lại cho mình.

Tình yêu đối với bộ môn múa đã giúp Hải Hòa nuôi nấng, thực hiện một giấc mơ lớn khác của đời mình - Ảnh: NVCC
Tình yêu đối với bộ môn múa đã giúp Hải Hòa nuôi nấng, thực hiện một giấc mơ lớn khác của đời mình - Ảnh: NVCC

Không dừng lại ở những suất học bổng, Hải Hòa còn vươn lên, gặt hái nhiều thành tựu khi còn là sinh viên. Trên ghế giảng đường, Hòa từng được trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen... ghi nhận những thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện. Cô cũng là nhân tố tích cực trong các hoạt động xã hội, dự án tình nguyện, chương trình nghệ thuật. Chính những nỗ lực không ngừng đã giúp Hải Hòa vinh dự được kết nạp Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt, cô đã hoàn thành một cách rực rỡ giấc mơ của mình là trở thành thủ khoa tốt nghiệp của Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh với điểm GPA 3.76/4.

Nói về điều ít dám chia sẻ với ai suốt 4 năm về trước, Hải Hòa kể, khi còn là sinh viên năm nhất, cô từng nghe những lời phát biểu rất ấn tượng từ một thủ khoa của trường trong buổi lễ tốt nghiệp. Bấy giờ, Hòa cảm thấy ngưỡng mộ và đặt mục tiêu sẽ trở thành người tiếp bước. Mục tiêu ấy cuối cùng đã trở thành hiện thực.

“Ngày tốt nghiệp, em rất vui khi làm được một việc mà mình ấp ủ từ lâu là “tài trợ” cho ba mẹ và các thành viên trong gia đình một chuyến vào TP. Hồ Chí Minh. Sau nhiều năm, gia đình em mới lại có một tấm ảnh chung, đủ đầy, khác xa hình ảnh những bữa cơm thiếu vắng bóng hình ba mẹ, anh chị thời nhỏ”, Hòa xúc động chia sẻ.

Hiện tại, Hải Hòa đang theo học thạc sĩ ngành Quản lý văn hóa tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Hòa luôn mong muốn được tiếp tục học tập, nghiên cứu và làm việc để sớm trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Hải Hòa biết, đó là một giấc mơ lớn, không dễ thực hiện. Dẫu vậy, cô luôn tin rằng, trong khó khăn, thử thách, vẫn và sẽ luôn có một lối mở để những người trẻ thực hiện giấc mơ dù nó có cao vời, tưởng chừng không thể thực hiện...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Việt Nam được đề cử ở nhiều hạng mục của Giải thưởng Du lịch thế giới 2024

Thanh Giang |

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 11/5 thông tin: Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) lần thứ 31 khu vực châu Á và châu Đại Dương đang mở cổng bình chọn tại địa chỉ www.worldtravelawards.com. Thời hạn bình chọn đến hết ngày 23/7/2024.

Kết nối Đông Hà - Cửa Việt, nâng tầm phát triển kinh tế đô thị

Hồ Nguyên Kha |

Khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị có vị trí đặc biệt quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội bao gồm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và tuyến dịch vụ-du lịch ven biển tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó là hệ thống giao thông thuận lợi từ Quốc lộ 9 nối cảng Cửa Việt với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quốc lộ 9D nối các điểm du lịch-dịch vụ Cửa Việt-Cửa Tùng-Vịnh Mốc, Quốc lộ 49C nối với trung tâm Khu kinh tế Đông Nam đi Cửa khẩu quốc tế La Lay...

Gần 100 cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ và bộ đội giúp dân di dời nhà cửa, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ

Anh Vũ |

Theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ tỉnh, trước ngày 30/4/2024, các địa phương phải hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch cho dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ. Đến thời điểm này, huyện Cam Lộ đã bàn giao mặt bằng tuyến chính 6,584/6,584 km, đạt 100%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ ở xã Cam Hiếu chưa kịp di dời nhà cửa, đồ đạc để bàn giao mặt bằng sạch. Vì vậy, những ngày qua, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tình nguyện hỗ trợ người dân tháo dở nhà cửa, vận chuyển đồ đạc đến nơi ở mới với tinh thần khẩn trương nhất.