Liên Hợp Quốc đã lựa chọn chủ đề cho Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 là “Be part of the Plan”-“Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”. Đây là lời kêu gọi các bên liên quan hãy cùng đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”.
Thông điệp này cũng nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về Khung GBF và hội nghị các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP16) sẽ diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 1/11/2024 tại thành phố Cali, Colombia.
Để hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo, phối hợp tổ chức, tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình giáo dục, đồng thời thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên.
Tăng cường các hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, bảo vệ và tôn trọng các phong tục, tập quán bền vững của người dân địa phương sống tại các khu vực dễ bị tổn thương như các khu bảo tồn, vườn quốc gia và các khu vực được công nhận di sản thiên nhiên.
Đồng thời ngăn chặn, giảm thiểu sự xuất hiện và tác động của các loài ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học thông qua các biện pháp kiểm soát, tăng cường quản lý sự du nhập hoặc diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại.
Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp giảm ô nhiễm và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học thông qua các giải pháp như giảm thiểu phát thải, ngăn chặn và giảm rác thải nhựa, quản lý chặt chẽ thuốc trừ sâu và hóa chất dùng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, quản lý dịch bệnh, thâm canh bền vững...
Đồng thời, lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo sự công bằng, toàn diện và đồng bộ trong quá trình ra quyết định có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu và tăng cường năng lực về điều tra, kiểm kê, quan trắc, giám sát các thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học.
Áp dụng các giải pháp tiên tiến về khoa học công nghệ trong giám sát đa dạng sinh học, phát triển các giải pháp đổi mới nhằm cải thiện việc bảo tồn cũng như sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Thúc đẩy và thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm vận động sự ủng hộ, hỗ trợ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Quảng Trị là địa phương có nhiều hệ sinh cảnh khác nhau từ rừng phòng hộ ven biển, rạn san hô, rừng trên đất bùn...là nơi cư ngụ của nhiều động vật đặc hữu quý hiếm. Để bảo tồn đa dạng sinh học về loài và gen quý, tỉnh Quảng Trị đã thành lập hai khu bảo tồn tự nhiên là Đakrông, Bắc Hướng Hóa và một khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.
Theo ghi nhận tại các khu bảo tồn ở Quảng Trị đều đa dạng về thực vật và động vật. Các khu bảo tồn Đakrông, Bắc Hướng Hóa có hệ động vật phong phú với gần 500 loài, có 26 loài thú bị đe dọa ở cấp độ quốc gia và quốc tế như chà vá chân nâu, vượn Trung Bộ, mang lớn, bò tót, thỏ vằn...; 43 họ chim có số lượng loài lớn; có 1.452 loài thực vật bậc cao trong đó có 1.052 loài có ích. Rạn san hô ở đảo Cồn Cỏ được đánh giá là khá tốt và còn tương đối nguyên vẹn và có mức độ đa dạng loài cao trong khu vực vịnh Bắc Bộ...
Tuy nhiên, tại đây công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng gặp khó khăn do tình trạng săn bắt, mua bán và sử dụng động vật hoang dã ngày càng gia tăng nên nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, từ năm 2020 đến tháng 9/2023, trên địa bàn tỉnh có 31 vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã với tổng số tiền phạt 208 triệu đồng. Hàng trăm cá thể động vật hoang dã đã được giải cứu là tang vật của các vụ mua bán và vận chuyển động vật hoang dã đang diễn ra trên địa bàn.
Nhằm ngăn chặn nạn săn bắt, mua bán động vật hoang dã, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống tội phạm về đa dạng sinh học. Trong đó, tập trung tuyên truyền, tuần tra, truy quét và kết hợp với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững song song với bảo vệ rừng, môi trường rừng và công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.
UBND tỉnh phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam) tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời tổ chức ký cam kết với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong tỉnh không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền cho người dân về vai trò của bảo tồn đa dạng sinh học, các quy định chính sách về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Phối hợp với trường học trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh nhận thức đầy đủ về lợi ích, tầm quan trọng của rừng và các loài động vật, thực vật hoang dã đối với môi trường, cuộc sống của con người, đặc biệt là nâng cao ý thức bảo vệ các loài động vật hoang dã đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các tổ bảo vệ rừng cộng đồng tuần tra và phát hiện nhanh các trường hợp xâm hại rừng. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật trong bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)