Ước mong về những cây cầu vượt lũ

Quang Hiệp |

Hễ mưa lớn lại xảy ra chia cắt. Đó là thực trạng thường xuyên diễn ra tại các xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện miền núi Hướng Hoá (Quảng Trị) vào mùa mưa lũ. Thực trạng trên cũng chính là nỗi âu lo, trăn trở của người dân địa phương. Ước mong về những cầu tránh lũ trong lòng bà con chưa bao giờ lớn đến thế.


Nỗi niềm người dân vùng bị chia cắt

Mới đầu mùa mưa lũ nhưng nhiều xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện miền núi Hướng Hóa đã ít nhất 2 lần bị cô lập, chia cắt bởi dòng nước dữ. Sự chia cắt xảy ra không chỉ giữa xã này với xã khác mà còn giữa các bản làng với nhau. Đôi khi, chỉ chậm chân 10, 15 phút nhưng nhiều người đã không thể về nhà hay đến cơ quan, đơn vị... Nhìn dòng nước cuồn cuộn đổ từ thượng nguồn về, nhấn chìm các cầu tràn, những người qua lại khu vực này đều cảm thấy bất lực.

Vào mùa mưa lũ, con đường vốn đã hư hỏng, xuống cấp dẫn vào khu vực trung tâm xã Xy càng trở nên “đau khổ” hơn. Nhìn mọi người, đặc biệt là các em học sinh vất vả vượt sình lầy, Chủ tịch UBND xã Xy Hồ Văn Lâng thở dài. Đã nhiều năm nay, cán bộ, người dân địa phương mong muốn có một con đường rải nhựa rộng rãi, bằng phẳng dẫn vào trung tâm xã. Ước mơ lớn hơn là trên tuyến đường đó có một cây cầu vượt lũ. Theo ông Hồ Văn Lâng, chỉ cần mưa lớn tầm 1 - 2 tiếng, cầu tràn nằm trên tuyến đường độc đạo vào trung tâm xã lại ngập chìm trong nước. Nhiều hôm mưa lớn đột ngột xảy ra, cán bộ, người dân trên địa bàn chỉ biết đứng ở hai bờ chia cắt mà nhìn dòng nước.

Người dân ở tuyến Lìa chỉ có thể qua khu vực cầu tràn khi nước rút - Ảnh: Q.H
Người dân ở tuyến Lìa chỉ có thể qua khu vực cầu tràn khi nước rút - Ảnh: Q.H

“Toàn xã Xy có 3 thôn với 459 hộ, 2.532 nhân khẩu. Vào mùa mưa bão, bà con ngại ra trung tâm huyện lắm vì sợ không thể trở về nhà. Chỉ cần mưa lớn kéo dài tầm 1 - 2 tiếng là nước từ thượng nguồn lại dồn về các cầu tràn nằm trên tuyến đường Lìa. Để trở về nhà, bà con phải vượt qua ít nhất 5 điểm chia cắt”, ông Lâng nói.

Tại xã Hướng Sơn, chuyện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” không hề xa lạ với cán bộ, người dân địa phương. Không chỉ bị chia cắt với xã khác, địa bàn xã Hướng Sơn còn xảy ra tình trạng “chia cắt nội bộ” giữa bản này với bản kia.

Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn Lê Trọng Tường cho biết: “Năm 2020, khi trận thiên tai lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh, một số người dân ở xã Hướng Sơn đã bị nước lũ cuốn trôi khi đang đi qua cầu tràn để nhận hàng cứu trợ. May mắn là một người đàn ông trong xã đã kịp thời cứu được bà con gặp nạn. Vì thế, mỗi lần mưa lớn hay nghe đài báo bão, cán bộ xã lại phải cắt cử nhau đến từng thôn để tuyên truyền, vận động người dân thận trọng khi qua lại ở khu vực cầu tràn”.

Tình trạng chia cắt tại các cầu tràn ở huyện Hướng Hóa làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và việc làm ăn của người dân địa phương. Đơn cử như trong đợt mưa bão xảy ra hồi tháng 10 năm nay, hàng trăm héc ta sắn của người dân ở các xã: Hướng Sơn, Xy, Lìa, Thanh, A Dơi, Ba Tầng, Hướng Lộc… đứng trước nguy cơ bị mất trắng.

Do mưa lớn kéo dài, nước ở các cầu tràn dâng cao nên nhiều hộ dân không thể lên rẫy nương để thu hoạch mùa vụ như dự định. Các gia đình kịp thu hoạch mùa vụ sớm cũng đành để sắn chất đống ở nhà vì xe thu mua không vào được tận nơi. Ông Hồ Văn Nam, trú tại xã Hướng Sơn cho biết: “Bị chia cắt riết thành… nỗi sợ. Nhiều lúc, chúng tôi phải chấp nhận thu hoạch mùa vụ sớm. Nếu kéo dài thời gian, có khi bà con mất trắng. Tuy nhiên, chuyện thu hoạch sớm đôi khi cũng gặp rủi ro”.

Cần sự quan tâm

Theo khảo sát của UBND huyện Hướng Hóa, hiện nay, trên địa bàn có 30 vị trí thường xuyên bị chia cắt. Các vị trí này trước đây đã được xây dựng cống, tràn, cầu tràn… nhưng chưa phát huy hiệu quả. Một số vị trí bị ngập lụt nặng, gây chia cắt thường xuyên là cầu tràn Km10+200 đường Hướng Phùng - Hướng Sơn; cầu tràn Km0+650 đường Hướng Phùng - Hướng Sơn; cầu tràn Km0+500 đường A Túc - Xy; cầu tràn Km2+600 đường Khe Sanh - Hướng Tân; cầu tràn Km1+200 đường Cửa khẩu Tà Rùng, xã Hướng Việt…

Được biết, trước đây, hệ thống công trình thoát nước ngang của các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Hướng Hóa được đầu tư xây dựng theo phương án: cống, tràn, cầu tràn… Phương án xây dựng này được đánh giá là có nhiều ưu điểm.

Tuy nhiên, điều đáng nói là vào mùa mưa lũ, các vị trí xây dựng cống, tràn, cầu tràn… đều bị ngập nước. Mực nước ngập sâu trung bình 1 - 2 m, có nơi lên đến 5 - 7 m, gây chia cắt trong thời gian dài. Chính thực tế này đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, đời sống dân sinh và công tác cứu hộ, cứu nạn.

Biết rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng chia cắt trên địa bàn nên cán bộ, người dân huyện Hướng Hóa đều ước mơ về những cây cầu vượt lũ. Nếu được xây dựng, những cây cầu này sẽ giúp bà con giải quyết được bài toán trăn trở đã kéo dài suốt nhiều năm, qua nhiều thế hệ. Theo người dân địa phương, những cây cầu vượt lũ sẽ góp phần quan trọng giúp các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Hướng Hóa phát triển kinh tế - xã hội.

Trao đổi về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, thực trạng chia cắt tại các cầu tràn vào mùa mưa lũ đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Một trong những nguyên nhân là nguồn ngân sách của huyện còn hạn hẹp. Mới đây, lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở GTVT đề nghị hỗ trợ huyện đầu tư xây dựng cầu vượt lũ dành cho người đi bộ và xe thô sơ tại các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn.

“Lãnh đạo và người dân huyện Hướng Hóa rất mong muốn các cấp, ngành, đơn vị liên quan quan tâm, xem xét, tổ chức khảo sát, đầu tư xây dựng các cầu dân sinh vượt lũ để bà con trên địa bàn vơi đi những nỗi âu lo”, ông Lê Quang Thuận nói.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Trao 800 suất quà cho người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ

Ly Na |

Ngày 27/10, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Quảng Trị phối hợp với đoàn từ thiện Phân ban Ni giới, TP. Hồ Chí Minh do Ni trưởng Thích Nữ Từ Nhẫn, Phó Trưởng ban Ni giới Trung ương làm trưởng đoàn đến thăm, trao 500 suất quà với tổng trị giá 400 triệu đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ tại xã A Dơi (200 suất) và Ba Tầng (300 suất), huyện Hướng Hóa. Mỗi suất trị giá 800 nghìn đồng gồm 500 nghìn đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm trị giá 300 nghìn đồng.

Thị xã Quảng Trị: Dọn bùn đất sau mưa lũ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ bờ Bắc sông Thạch Hãn

Lê Trường |

Ngày 22/10, thông tin từ Trung đoàn Bộ binh 842, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng cán bộ, viên chức Trung tâm Văn hóa thông tin – Thể dục thể thao (VHTT-TDTT) thị xã Quảng Trị ra quân tổng dọn vệ sinh sau mưa lũ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ bờ Bắc sông Thạch Hãn.

Đà Nẵng khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở sau trận mưa lũ lịch sử

Quốc Dũng |

Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng ước tính thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 5 gây ra đối với hệ thống hạ tầng giao thông do Sở quản lý là 190,5 tỷ đồng.

Miền Trung khắc phục thiệt hại sau mưa lũ

Thanh Mai |

Tại các tỉnh miền Trung, nước lũ bắt đầu rút, người dân và các lực lượng vũ trang khẩn trương dọn dẹp.