Vừa qua, khi Bộ Ngoại giao tổ chức họp mặt kỷ niệm sự kiện lịch sử chỉ còn 2 nhân chứng sống là bà Nguyễn Thị Bình và bà Đỗ Duy Liên.
Trong phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị Paris kéo dài từ năm 1968 đến năm 1973, theo danh sách ban đầu có 15 người, trong đó có 4 phụ nữ, sau đó thay thế, bổ sung thêm 1 vị. Cụ thể, ngoài giáo sư Nguyễn Thị Bình là phó trưởng đoàn, đoàn còn có các bà Đỗ Duy Liên (tên thường gọi là Tư Duy Liên), Phạm Thanh Vân (tên thường gọi là Bình Thanh) và bà Nguyễn Ngọc Dung.
Năm 1969, chồng bà Đỗ Duy Liên là ông Lê Duy Nhuận (Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam) hy sinh, bà được tổ chức điều về nước công tác. Bà Nguyễn Thị Chơn (Năm Chơn, thuộc Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định) sang dự hội nghị thay bà Đỗ Duy Liên.
Khi đó, bà Nguyễn Thị Bình là Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời. Bà Nguyễn Ngọc Dung và bà Phạm Thanh Vân đã tập kết ra Bắc từ năm 1954, sống và làm việc ở miền Bắc rồi từ đó qua dự Hội nghị Paris.
Bà Nguyễn Thị Bình kể: “Chúng tôi sống rất đạm bạc. Có những nhà báo muốn quay phim cảnh sinh hoạt, ăn ở của phái đoàn “Việt Cộng”, chúng tôi kiên quyết từ chối, lấy lý do phong tục Việt Nam không cho phép đưa công khai sinh hoạt riêng tư của phụ nữ. Thực tế là chúng tôi khó lòng cho họ xem chỗ ở của tôi và Bình Thanh (Phạm Thanh Vân) bởi trên gác thượng sát mái, chỉ có 2 cái giường sắt như ở bệnh viện. Có nhà báo tò mò hỏi tôi đi may áo dài ở đâu, làm tóc ở đâu, chăm sóc sắc đẹp ở đâu, tôi tìm cách đối đáp cho qua chuyện”.
Bà Vũ Thanh Xuân - con gái bà Phạm Thanh Vân - nói: “Chúng tôi vô cùng tự hào về mẹ và những đồng đội của mẹ. Chiến tranh qua đi nhưng tình đồng đội, đồng chí, tình chị em của mẹ và các cô, các dì vẫn luôn thắm thiết, vẹn nguyên”.
Bà Nguyễn Ngọc Dung nhớ lại: “Nói là dự hội nghị nhưng chúng tôi phải đi khắp nước Pháp rồi thay phiên nhau đi các nước châu Âu, châu Mỹ để giới thiệu giải pháp 10 điểm mà Chính phủ Cách mạng lâm thời nêu ra tại bàn đàm phán của Hội nghị Paris. Xen kẽ vào đó là các hoạt động vận động phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
"Khó khăn lắm, nhưng chúng tôi yêu thương nhau lắm bởi mấy chị em cùng nhau nương tựa, đấu tranh cho mục tiêu, lý tưởng chung”.
Ngày 17/1 vừa qua, khi Bộ Ngoại giao tổ chức họp mặt kỷ niệm sự kiện lịch sử này, chỉ còn 2 nhân chứng sống là bà Nguyễn Thị Bình và bà Đỗ Duy Liên.
(Nguồn: Phụ nữ mới)