Cửa Việt - Paris, một mùa xuân đặc biệt

Nguyễn Khắc Phê |

Trong cuộc xoay vần của tạo hóa và nhân sinh, mỗi khi có sự “gặp gỡ” ngẫu nhiên, bất ngờ, người ta thường nói: Thì ra quả đất hình tròn thật! Nói vậy, vì cái hình tròn luôn tượng trưng cho sự viên mãn, cái gì đáng đến đã phải đến! Mùa xuân 1973, tròn nửa thế kỷ trước, hai địa danh Cửa Việt (Quảng Trị) và Paris ở hai châu lục xa cách, lại chưa từng có mối quan hệ như Hà Nội - Paris hay Điện Biên Phủ - Paris, bỗng đồng thời trở thành tâm điểm được hàng triệu cặp mắt trên khắp thế giới hướng về.

Tại Paris, đó là những ngày diễn ra các “hiệp đấu” cuối cùng trên một mặt trận không tiếng súng nhưng không kém phần quyết liệt, kéo dài đến 5 năm. Trận đấu bắt đầu ngày 13/5/1968 tại phòng họp Trung tâm các hội nghị quốc tế trên đường Clébe (Paris, Cộng hòa Pháp) giữa Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu với đại diện Chính phủ Hoa Kỳ, do đại sứ Harriman làm trưởng đoàn*. Suốt 5 năm “đánh và đàm”, bước đầu chỉ họp “hai bên”, đến ngày 18/1/1969, phiên họp “bốn bên” mới khai mạc và chỉ riêng việc bàn luận về kiểu dáng chiếc bàn họp đã kéo dài đến 2 tháng, sau gần chục phiên họp, phía đối phương mới đồng ý phương án họp quanh chiếc bàn tròn như đoàn Việt Nam đề xướng. Trên chiếc bàn tròn lịch sử này, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết chính thức.

Khôi phục lại đường dây điện và bảo đảm mọi hoạt động bình thường sau ngày giải phóng ở thị xã Đông Hà, Quảng Trị 1973 -Ảnh: CHU CHÍ THÀNH
Khôi phục lại đường dây điện và bảo đảm mọi hoạt động bình thường sau ngày giải phóng ở thị xã Đông Hà, Quảng Trị 1973 -Ảnh: CHU CHÍ THÀNH

Phải thêm 2 năm nữa, đến mùa xuân 1975, cả nước mới thật sự im tiếng đạn bom và non sông liền một dải, con sông Bến Hải không còn là nỗi đau chia cắt. Để đi đến ngày chiến thắng, biết bao xương máu đã đổ xuống trên dải đất hình chữ S, suốt từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau và các vùng biển, đảo, trong đó, những chiến dịch lớn diễn ra trên dải đất hẹp, nơi “đụng đầu lịch sử” như chiến dịch “Đường 9 - Nam Lào”, “Quảng Trị 1972” và chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” - Hà Nội, tháng 12/1972, thực sự là những đòn “cân não” chứng tỏ vũ khí hiện đại không thể khuất phục một dân tộc kiên cường, chiến đấu vì chính nghĩa và giành độc lập, tự do cho Tổ quốc mình, buộc đối phương phải ký một hiệp định trong thế bất lợi ai cũng biết!

Chính vì thế, trong khi tại Paris, hai phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vui sướng trong cảnh cờ hoa của đông đảo bà con Việt kiều và nhân dân Pháp đến chào mừng hiệp định hòa bình đã được ký kết, thì trên dải đất hẹp Quảng Trị - chủ yếu là quanh cảng Cửa Việt, đối phương bí mật mở một chiến dịch lớn hòng lật lại “thế cờ”. Một trận đánh lớn ít ai nghĩ tới, khi không khí hòa bình từ bàn tròn Paris đang lan tỏa khắp đất nước, khi bà con đôi bờ sông tuyến đang háo hức chuẩn bị trở lại quê nhà sau những năm dài sơ tán. Trận đánh đặc biệt này, hơn bốn chục năm sau, chúng ta mới thật sự biết rõ qua hồi ức của tướng Cao Văn Khánh, được PGS. Cao Bảo Vân - con gái ông, ghi lại.

“… 7 giờ sáng ngày 27/1/1973, trong thời tiết khắc nghiệt miền Trung những ngày giáp Tết, quân lực Việt Nam Cộng hòa bất thần điều lực lượng đặc nhiệm Tango bao gồm Lữ đoàn thủy quân lục chiến 147, với hơn 140 xe tăng được 3 tiểu đoàn pháo binh lính thủy đánh bộ hỗ trợ đánh vào khu vực Long Quang, Bồ Xuyên rồi men theo ven biển tiến về hướng cảng Cửa Việt. Không lực Hoa kỳ điều động 80 phi vụ B.52, pháo binh từ Hạm đội 7 và 4 tiểu đoàn pháo ở thị xã Quảng Trị bắn hơn 60.000 viên đạn pháo yểm hộ.

Cuộc hành quân Tango City… mục đích chớp nhoáng chiếm Cửa Việt, hải cảng chiến lược độc nhất của khu vực giải phóng miền Nam trong vòng 25 giờ đồng hồ…”.

Đối phương dự tính chiếm cảng Cửa Việt trước 7 giờ sáng ngày 28/1/1973, giờ quy ước ngừng bắn, cắm cờ lên, rồi Ủy ban quốc tế hạ máy bay trực thăng xuống, xác nhận đây là khu vực của Việt Nam Cộng hòa! Nhưng dân gian có câu “Vỏ quýt dày, có móng tay nhọn”; tuy nhiên, không phải lúc nào “móng tay nhọn” cũng sẵn sàng. Trong tình huống Quảng Trị đầu năm 1973, quân ta tin vào chính nghĩa và hiệp định hòa bình vừa được ký tại Paris, đến mức đối phương chiếm được Cửa Việt rồi, chỉ huy trưởng Cửa Việt còn báo cáo với tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh mặt trận:

“- Báo cáo anh, chúng nó lấn chiếm mất một ít. Chúng tôi đã cho người gặp tên lữ trưởng để phản đối việc này”.

Niềm vui khôn xiết của các chiến sĩ Quân giải phóng khi gặp lại đồng đội tại bãi Nhan Biều, bên sông Thạch Hãn, Quảng Trị 1973 -Ảnh: CHU CHÍ THÀNH
Niềm vui khôn xiết của các chiến sĩ Quân giải phóng khi gặp lại đồng đội tại bãi Nhan Biều, bên sông Thạch Hãn, Quảng Trị 1973 -Ảnh: CHU CHÍ THÀNH

“- Chúng nó dùng cả một lữ đoàn xe tăng và một lữ đoàn lính thủy đánh bộ đánh chiếm cảng Cửa Việt, không phải để nghe anh phản đối đâu… Tại sao anh chỉ lo mình vi phạm mà không thấy phía địch đã thực sự xóa bỏ hiệp định rồi!”. Và khi thấy Bộ chỉ huy cánh đông tỏ ra chậm chạp, lúng túng, tướng Tấn phân công đại tá Cao Văn Khánh, Phó Tư lệnh mặt trận xuống trực tiếp chỉ huy…”.

Khác với mặt trận ngoại giao giằng co kéo dài 5 năm, trận phản đột kích Cửa Việt chỉ diễn ra trong 5 ngày đêm - một trận đánh phải thắng và không được kéo dài hơn. Sau trận đánh, ngày 1/2/1973 (nhằm ngày 29 tháng Chạp), Phó Tư lệnh Cao Văn Khánh viết thư về cho vợ là bác sĩ Ngọc Toản đang trực tại Bệnh viện 108 (Hà Nội):

“Anh vừa về chỉ huy sở tối hôm nay, người rất mệt, sau 5 đêm căng thẳng và không ngủ… Ta phản kích rất quyết liệt, đã tiêu diệt toàn bộ các lực lượng trên, bắt hết xe tăng thiết giáp và tù binh, đẩy lùi chúng đến tuyến ngừng bắn… Tất cả những sự việc đó chỉ diễn ra trong một ngày 30 cho đến 8 giờ 30 sáng 31 là xong, trước giờ Ủy ban quốc tế dự kiến đáp máy bay xuống… Trận đánh kết thúc chiến tranh trước Tết và địch không còn điều kiện để gỡ lại… Xe anh qua cầu Hiền Lương, cầu phao của mặt trận bắc để tiếp tế, anh xuống đi bộ cho thoải mái. Hai bờ sông Bến Hải, hai cờ đối diện… Dưới sông thuyền máy chạy như mắc cửi mang cờ Mặt trận và cờ đỏ sao vàng, vui quá đi thôi… Lại có cả đèn điện căng lên, chuẩn bị đêm giao thừa cho cả hai miền…”.

Có lẽ không cần nhắc lại cuộc tấn công gồm 3 trung đoàn, ào ạt từ ba hướng do đại tá Cao Văn Khánh chỉ huy, có xe tăng và pháo hạng nặng yểm trợ đã giành lại được cảng Cửa Việt ngay trong ngày 31/1/1973, phá tan mưu đồ của đối phương hòng từ Cửa Việt sẽ lấn ra toàn bộ huyện Triệu Phong, uy hiếp Đông Hà, dần dần qua Cửa Việt và Cửa Tùng, Gio Linh, Hiền Lương. Đánh giá tầm mức chiến thắng Cửa Việt đầu xuân 1973, “Lịch sử Cục Tác chiến” viết: “Trận phản đột kích Cửa Việt là trận then chốt của chiến dịch Quảng Trị năm 1972, đánh dấu sự kết thúc chiến dịch bằng một chiến thắng hợp đồng binh chủng oanh liệt, có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, quân sự, làm rúng động cả hệ thống phòng ngự của địch ở miền Nam, tạo dấu ấn, tạo thế và lực mới ở địa bàn có ý nghĩa quan trọng”.

Nhờ có trận chiến thắng “chớp nhoáng” Cửa Việt một ngày đầu xuân 1973 mà đối phương “không thể gỡ được”, những điều khoản 4 bên đã cam kết trong Hiệp định Paris mới có thể thực hiện một cách thuận lợi vào mùa xuân 50 năm trước, trong đó rất nhiều hoạt động có tính lịch sử đã diễn ra tại phía Bắc tỉnh Quảng Trị như cảnh đôi bên trao trả tù binh tại bờ sông Thạch Hãn và hình ảnh cuộc sống tại Cửa Việt, Đông Hà những ngày hòa bình đầu tiên…Trong cuốn sách tư liệu quý về Hiệp định Paris đã dẫn, có đến 9 bức ảnh như thế của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã được chọn in…

Những ngày hòa bình hiếm hoi tại Cửa Việt - Quảng Trị 1973 -Ảnh: CHU CHÍ THÀNH
Những ngày hòa bình hiếm hoi tại Cửa Việt - Quảng Trị 1973 -Ảnh: CHU CHÍ THÀNH

Từ những ngày đó, tròn nửa thế kỷ đã qua! Những khoảnh khắc đã trở thành lịch sử. Biết bao chiến sĩ, đồng bào đã vĩnh viễn nằm lại trên vùng đất lửa Quảng Trị. Riêng đại tá Cao Văn Khánh, người trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn tại Quảng Trị và trận Cửa Việt - về sau là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng, còn đi tiếp cuộc trường chinh dẫn tới đại thắng mùa xuân 1975 và mặt trận biên giới phía Bắc mà không biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam tại chiến trường Quảng Trị. Ông đã qua đời vào một ngày tháng 10/1980, không còn được chứng kiến “quê ngoại” Quảng Trị và cảng Cửa Việt hồi sinh, đổi mới từng ngày…

Thiết nghĩ, ở Quảng Trị và TP. Đông Hà nên có một con đường mang tên tướng Cao Văn Khánh!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lớp học dưới lòng địa đạo

Vân Trang |

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là giai đoạn cuối 1965 - 1967, để con em của 92 hộ dân sống dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) không bị mù chữ, Khu ủy, Đảng ủy, chính quyền khu vực Vĩnh Linh lúc bấy giờ đã chủ động mở các lớp dạy học. 

Từ những mầm cây hòa bình…

Trương Quang Hiệp |

Được vun trồng từ đôi bàn tay của các tập thể, cá nhân yêu chuộng hòa bình, những mầm xanh ở Lâm viên Hữu nghị Đông Hà (Quảng Trị) đã và đang vươn lên, tạo thành một không gian yên bình, tươi đẹp giữa thành phố. Mỗi gốc cây ở lâm viên là một câu chuyện đẹp về tình hữu nghị.

Để lời ca, điệu nhạc truyền thống còn mãi với thời gian

Kô Kăn Sương |

Hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ở địa phương, Trường Tiểu học (TH) và THCS A Xing, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, đã ra mắt Câu lạc bộ (CLB) dân ca Vân Kiều, Pa Kô. CLB này ra đời nhằm tạo sân chơi bổ ích cho thế hệ trẻ, góp phần lan tỏa loại hình văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô trong cộng đồng.

Du lịch đêm ở chốn linh thiêng

Hiếu Giang |

Một số di tích lịch sử như Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) quốc gia Trường Sơn, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng mỹ thuật, làm cho không gian linh thiêng trở nên huyền ảo để đón các tour du lịch tâm linh, đưa du khách thăm viếng vào ban đêm. Đây là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, khác biệt, góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử đang được tỉnh Quảng Trị quan tâm triển khai.