Lớp học dưới lòng địa đạo

Vân Trang |

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là giai đoạn cuối 1965 - 1967, để con em của 92 hộ dân sống dưới lòng địa đạo Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) không bị mù chữ, Khu ủy, Đảng ủy, chính quyền khu vực Vĩnh Linh lúc bấy giờ đã chủ động mở các lớp dạy học. 

Dù ở trong môi trường có độ sâu âm gần 20 mét so với mặt đất, ngột ngạt, thiếu thốn trăm bề nhưng lớp học dành cho các cháu mầm non và lớp 1 vỡ lòng vẫn duy trì đều đặn, hiệu quả...

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Vĩnh Linh là đầu cầu giới tuyến, tiền đồn của miền Bắc, hậu phương lớn trực tiếp chi viện cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam.

Vì thế, bắt đầu từ tháng 8/1964, Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc và Vĩnh Linh trở thành một trong những mục tiêu hủy diệt của kẻ thù.

Mỹ sử dụng lực lượng không quân ngày đêm đánh phá liên tục, trong đó có cả máy bay chiến lược B52 và hàng trăm nòng pháo các loại từ căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn ra, hạm đội ngoài biển ngày đêm thay nhau nhả đạn.

 

Giữa năm 1965, sự đánh phá của quân xâm lược ngày càng ác liệt hơn khiến Vịnh Mốc và một số làng ở xã Vĩnh Thạch (cũ) đều bị bom đạn cày xới. Đứng trước tình thế cam go, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Thạch thực hiện quyết tâm của Khu ủy Vĩnh Linh: “Quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực”.

Từ đó, thôn Vịnh Mốc đã xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang lớn mạnh, rộng khắp trong toàn dân. Cuối năm 1965, kẻ địch tăng cường đánh phá, nhiều hầm trú ẩn khó giữ được an toàn. Thế nhưng với ý chí quyết tâm “Một tấc không đi, một ly không rời”, quân và dân Vịnh Mốc quyết bám đất, giữ làng để sản xuất và chiến đấu bảo vệ quê hương, đảo Cồn Cỏ.

Ngày 23/7/1965, Chi bộ thôn Vịnh Mốc họp và đi đến thống nhất phải đào địa đạo. Đúng 7 giờ ngày 25/7/1965, chi ủy viên Chi bộ thôn Vịnh Mốc Ngô Trạn đã bổ nhát cuốc đầu tiên vào lòng đất, mở đầu cho công cuộc đào địa đạo. Với 18.000 ngày công gian khổ, địa đạo Vịnh Mốc đã hoàn thành và được ví như một làng quê thời chiến trong lòng đất.

Địa đạo Vịnh Mốc có tổng chiều dài hơn 2.000 m, trong đó hệ thống đường hầm trục chính dài 1.060 m, lòng địa đạo cao 1,6 - 1,8 m, rộng 1,2 m, có 13 cửa ra vào, 7 cửa thông ra biển và 6 cửa thông lên đồi. Cấu trúc của địa đạo chia làm 3 tầng: tầng một có độ sâu cách mặt đất từ 12 đến 15 m, là nơi người dân sinh sống; tầng thứ 2 sâu 18 m là trụ sở đảng ủy, UBND và bộ CHQS; tầng thứ 3 sâu 22 m, dùng làm kho chứa hậu cần cung cấp cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu của quân dân Vịnh Mốc.

Trong giai đoạn từ cuối 1965 - 1967, dưới lòng địa đạo có khá nhiều trẻ em đang đến tuổi đi học mầm non, lớp 1 và 17 trẻ vừa mới ra đời. Dẫu khó khăn trăm bề, chiến tranh ác liệt nhưng Khu ủy Vĩnh Linh, Đảng bộ, chính quyền xã Vĩnh Thạch đã nghĩ đến việc tổ chức các lớp học dưới lòng địa đạo để con em không bị mù chữ. “Trước đây lớp học dưới lòng địa đạo được tổ chức để dạy các cháu mẫu giáo và lớp 1.

Đến tháng 11/1967, các mẹ, các chị cùng tất cả trẻ em được sơ tán ra tuyến ngoài nên các lớp học không còn hoạt động nữa. Ngày đó, chỉ có 2 giáo viên nữ đảm nhận việc dạy học trong điều kiện chiến tranh nên gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, thế hệ trẻ em dưới lòng địa đạo cũng đã nỗ lực để biết đọc, biết viết, biết tính toán đơn giản. Con gái đầu lòng của tôi cũng học được con chữ, phép tính đầu đời dưới lòng địa đạo này”, ông Hồ Văn Triêm (86 tuổi), ở thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, một trong những người tham gia đào địa đạo và chiến đấu bảo vệ quê hương bồi hồi kể lại.

Thời điểm đó, cô giáo dạy học cũng chỉ là người dân, chẳng qua trường lớp đào tạo bài bản như bây giờ. Các cô được chính quyền cử đi học cấp tốc với mục đích dạy các cháu biết đọc, biết viết, biết phép tính đơn giản. Hai cô giáo dạy học dưới lòng địa đạo ngày ấy, giờ tuổi cũng đã thất tuần, người còn ở lại quê hương, người sinh sống ở nơi xa.

Trong căn nhà nằm sát bờ biển ở thôn Vịnh Mốc, dẫu đang mang di chứng nặng nề của căn bệnh tai biến mạch máu não nhưng khi có ai đó hỏi về những tháng ngày dạy học dưới lòng địa đạo là bà Hồ Thị Cọt (73 tuổi) lại kể say sưa, nhớ như in từng trang giáo án, kỷ niệm một thời.

“Ngày đó, tôi mới 16 tuổi và được cấp trên giao nhiệm vụ đi học cấp tốc để về dạy học cho các cháu nhỏ dưới lòng địa đạo.

Dạy học lúc đó không có bục giảng, lớp học, bảng, phấn mà tận dụng những giao thông hào để lấy ánh sáng mặt trời. Giáo án dạy học đều do chúng tôi tự biên soạn không theo khuôn mẫu nào, miễn sao dạy để các cháu hiểu, biết viết, đọc, tính toán.

Dạy học trong chiến tranh là nhiệm vụ chứ không phải được trả lương bổng như bây giờ. Chúng tôi phải bắt tay từng em một tập viết, tập tính, rồi học từ chữ cái đến vần, tiếng và cuối cùng là câu.

Nhiều hôm đang dạy học, phát hiện máy bay địch đánh phá, lập tức cô và trò chạy vào hầm trú ẩn, khi không còn nguy hiểm lại cùng nhau ra giao thông hào để dạy và học trở lại.

Nhiều ngày không thể học ở giao thông hào, cô trò đành chuyển vào hội trường lớn dưới địa đạo, đốt đuốc lấy ánh sáng để học”, bà Hồ Thị Cọt bồi hồi nhớ lại.

Các lớp học dưới lòng địa đạo chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng để lại nhiều ký ức đẹp trong cô và trò. Cô giáo vừa là dì, là cô ruột, là bác, là thím nên mối quan hệ cô trò vẫn mãi khăng khít, bền lâu.

Năm nay đã 63 tuổi nhưng chị Hồ Thị Nga, hiện đang sinh sống ở tỉnh Bình Dương vẫn nhớ như in những ngày theo học con chữ dưới lòng địa đạo.

“Năm 1966, tôi vừa tròn 6 tuổi và là thế hệ đầu tiên được học những kiến thức vỡ lòng ngay dưới lòng địa đạo. Các thành viên trong lớp hiện nay sinh sống tại nhiều địa phương trong nước và một số ở lại quê hương.

Hiện nay các bạn cũng đã trở thành ông, bà cả rồi nhưng vẫn nhớ đến kỷ niệm lớp học, cô giáo của một thời chiến tranh, lửa đạn”, chị Hồ Thị Nga kể lại.

Tháng 11/1967, những học sinh, trẻ em dưới lòng địa đạo được sơ tán ra miền Bắc để tiếp tục học tập. Trong môi trường mới với nhiều thuận lợi hơn, tất cả họ đều cố gắng học tập để lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Dường như những tháng ngày nỗ lực học tập dưới lòng địa đạo đã tôi luyện khiến họ trở thành những tấm gương vượt khó. Để bây giờ, các thế hệ con, cháu của họ noi gương và đã viết tiếp giấc mơ, khát khao con chữ một thời mà họ ấp ủ...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Quảng Trị quyết tâm trở thành địa phương giàu, mạnh từ biển

PV |

Với tiềm năng, lợi thế về vị trí thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên biển lớn, tỉnh Quảng Trị quyết tâm trở thành địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển.

Khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

P.V |

Vừa qua, đoàn công tác của một số đơn vị đã tiến hành khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Lần đầu tiên công bố giá đất san lấp trên địa bàn Quảng Trị

Hương Lài |

Lãnh đạo Sở Xây dựng Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa công bố giá vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị trên địa bàn tỉnh tháng 11/2022. Trong đó, có một nội dung mới lần đầu tiên công bố giá vật liệu đất san lấp.

Cần sớm tu sửa các cửa hầm bị hư hỏng nặng ở Địa đạo Vịnh Mốc

Lê Trường |

Là di tích quốc gia đặc biệt, thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu, tuy nhiên, hiện nay, địa đạo Vịnh Mốc nằm ở thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh có nhiều hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được tu sửa.