Là di tích quốc gia đặc biệt, thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu, tuy nhiên, hiện nay, địa đạo Vịnh Mốc nằm ở thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh có nhiều hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được tu sửa.
Địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử tiêu biểu nằm trong cụm di tích “Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 31/12/2014. Đây là di sản lịch sử, văn hóa đặc thù có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng. Trong những năm kháng chiến, quân và dân Vĩnh Linh đã xây dựng nên hệ thống đường hầm đồ sộ để vừa sinh hoạt, vừa chiến đấu.
Trong số đó, địa đạo Vịnh Mốc là công trình tiêu biểu được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Địa đạo Vịnh Mốc có chiều dài đường hầm hơn 1.060 m; chiều cao hầm từ 1,7 - 1,8 m với 13 cửa ra vào, trong đó, có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển; ngoài ra, còn có 3 giếng thông hơi. Địa đạo chia thành 3 tầng với từng chức năng khác nhau: Tầng 1 sâu cách mặt đất từ 10 - 12 m, dùng để chiến đấu và hội họp; tầng 2 có độ sâu từ 13 - 15 m là nơi ăn ở sinh hoạt của người dân; tầng 3 có độ sâu từ 20 - 23 m, là nơi tích trữ lương thực, vũ khí. Nơi đây được xem như một xã hội thu nhỏ dưới lòng đất nên được gọi là làng hầm.
Từ khi đưa vào khai thác du lịch, địa đạo Vịnh Mốc trở thành điểm tham quan thu hút du khách thập phương, đồng thời, phát huy ý nghĩa trong giáo dục truyền thống cách mạng. Chỉ tính riêng trong dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua, di tích đã đón trên 2.000 lượt khách trong và ngoài nước.
Từ năm 1996 - 2000, Ban Quản lý Di tích địa đạo Vịnh Mốc đã phục dựng các cửa ra vào ở di tích này bằng cách ốp gỗ lim dọc các cửa với chiều dài khoảng 20 m. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại đây, có nhiều cửa ra vào địa đạo Vịnh Mốc bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, lớp bên trong các cửa đã được bê tông hóa, còn phần gỗ lim gắn vào các lối lên xuống địa đạo đã bị mối, mọt và mục nát nhìn rất nhếch nhác và phản cảm; ở các cửa không đón khách du lịch, phần gỗ bị mối ăn sâu, sập cả mảng lớn. Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích địa đạo Vịnh Mốc Nguyễn Thị Khánh Chi cho biết, trải qua thời gian dài khai thác, các đoạn gia cố bằng gỗ tại các cửa ra vào địa đạo đã xuống cấp nghiêm trọng như: Cửa hầm số 1, cửa số 2, 6, 11, 12…
Cũng theo bà Chi, để bảo vệ di tích cũng như đảm bảo an toàn cho du khách, Ban quản lý đã dừng khai thác du lịch tại các cửa hầm này, đồng thời thay đổi lộ trình tham quan dưới lòng địa đạo. Mặt khác, cảnh báo du khách không tự ý tham quan tại các đường hầm có cửa hầm bị hư hỏng, tránh nguy cơ rủi ro có thể xảy ra.
“Ban Quản lý Di tích địa đạo Vịnh Mốc cũng đã gửi văn bản đến các đơn vị liên quan với mong muốn sớm triển khai các phương án trùng tu, sửa chữa lại các cửa hầm, nhằm góp phần bảo vệ di tích cũng như đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách tham quan trong và ngoài nước”, bà Nguyễn Thị Khánh Chi chia sẻ thêm.
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Nguyễn Quang Chức, việc bảo vệ và khai thác du lịch tại địa đạo Vịnh Mốc hiện đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng xuống cấp tại các cửa lên xuống. Qua hơn 10 năm sử dụng, ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết, đặc thù trong lòng địa đạo ẩm ướt, cùng với vị trí nằm trên vùng đất đỏ bazan có nhiều mối, mọt khiến phần gỗ lắp ở các cửa nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp.
“Việc tu sửa các cửa lên xuống địa đạo Vịnh Mốc là hết sức bức thiết. Thêm vào đó, các cửa ra vào, hầm lán, giao thông hào ở di tích này cũng cần được phục dựng lại cho gần giống với thời kỳ trước”, ông Chức cho biết thêm.
Để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của Di tích địa đạo Vịnh Mốc, ngày 12/5/2021, HĐND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng, tôn tạo tổng thể Di tích địa đạo Vịnh Mốc, giai đoạn 2. Cụ thể, dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 4 năm, từ năm 2025 - 2028 với tổng mức đầu tư 45 tỉ đồng từ ngân sách trung ương hỗ trợ.
Trong đó, phần tu bổ tập trung vào lòng địa đạo; cửa địa đạo; giếng thông hơi; giao thông hào; các công trình trong địa đạo như: Hội trường, trạm giải phẫu tiền phương, bảng tin, bếp Hoàng Cầm… Phần tôn tạo có nhà ở truyền thống, cảnh quan làng quê giai đoạn chiến tranh, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, sân đường nội bộ, công trình phục dựng để minh họa không gian và tinh thần của quân và dân Vịnh Mốc…
Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn phân bổ có hạn nên việc trùng tu, tôn tạo địa đạo Vịnh Mốc đến nay vẫn chưa thể triển khai. Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đơn vị đã có văn bản đề xuất việc sửa chữa, trùng tu các hạng mục xuống cấp ở địa đạo Vịnh Mốc và đang đợi phê duyệt.
Địa đạo Vịnh Mốc là di tích quan trọng, mang tính kiến trúc nghệ thuật cao và là di sản lịch sử, văn hóa đặc thù, độc đáo có ý nghĩa vô cùng to lớn trong giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng và khai thác du lịch. Việc phát huy và bảo tồn, giữ gìn di tích này một cách lâu dài rất cần sự quan tâm, bố trí nguồn vốn để tôn tạo, phục dựng lại hệ thống cửa ra vào, giao thông hào tại đây.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)