Từ những mầm cây hòa bình…

Trương Quang Hiệp |

Được vun trồng từ đôi bàn tay của các tập thể, cá nhân yêu chuộng hòa bình, những mầm xanh ở Lâm viên Hữu nghị Đông Hà (Quảng Trị) đã và đang vươn lên, tạo thành một không gian yên bình, tươi đẹp giữa thành phố. Mỗi gốc cây ở lâm viên là một câu chuyện đẹp về tình hữu nghị.

“Lá phổi xanh” giữa phố

Theo nhịp phát triển của phố phường, các công trình ở TP. Đông Hà mọc lên ngày càng nhiều. Điều may mắn là giữa lòng thành phố, người ta vẫn có thể tìm thấy những khoảng không gian yên bình, xanh tươi cây lá. Nếu như rừng cọ dầu được ví là cung thanh, có khá nhiều người biết tới thì Lâm viên Hữu nghị Đông Hà giống như nốt trầm trong bản nhạc khiến ai đặt chân đến cũng phải xao xuyến. Mọi người thường gọi lâm viên này là “lá phổi xanh” của thành phố.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Bonnie Denise Jenkins (đứng giữa) tham gia hoạt động trồng cây tại Lâm viên Hữu nghị Đông Hà -Ảnh: Q.H
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Bonnie Denise Jenkins (đứng giữa) tham gia hoạt động trồng cây tại Lâm viên Hữu nghị Đông Hà -Ảnh: Q.H

Lâm viên Hữu nghị Đông Hà nằm ở Khu phố 7, Phường 3. Theo con đường nhựa dẫn vào lâm viên, ta có thể bắt gặp rất nhiều loài cây xanh tốt như: lát hoa, sến, táu, gụ… Các loại cây được trồng thẳng hàng, thẳng lối, vươn cao dưới ánh mặt trời.

Khung cảnh đẹp, yên bình ở lâm viên đã thu hút nhiều bạn trẻ ghé thăm, chụp ảnh, tổ chức các hoạt động vui chơi, dã ngoại… Vào mùa hè, những cô, cậu bé thường được ba mẹ đưa đến lâm viên để tìm xác ve sầu và hòa mình vào thiên nhiên.

Mỗi lần nhìn khung cảnh ấy, chị Phạm Hoàng Hà, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam rất ấm lòng. Đến giờ, chị Hoàng Hà vẫn nhớ như in ngày đầu đến trụ sở của tổ chức nhận công tác.

Trước đó, khi còn là cô sinh viên thực tập tại Phòng Đối ngoại, UBND tỉnh, chị Hà đã quan tâm đến hoạt động của các tổ chức, dự án phi chính phủ nước ngoài tại Quảng Trị, đặc biệt là Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam.

Từ đó, ước mơ trở về cống hiến cho quê hương và học tập, làm việc trong một môi trường hội tụ nhiều người có tâm, có tài, rất năng động dấy lên trong lòng chị. Đúng như ý nguyện, năm 2001, chị Hoàng Hà về làm việc cho Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam với vị trí khởi điểm là một nhân viên hỗ trợ nạn nhân bom mìn.

“Ngày đầu đặt chân tới nơi làm việc, tôi cảm thấy cuộc sống dường như tươi đẹp hơn khi nhìn những hàng cây dọc con đường vào trụ sở. Chúng cao lấp xấp đầu người, như những cô, cậu thanh niên ở cái tuổi hăm hở bước vào đời”, chị Hoàng Hà kể.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô nhân viên năm xưa giờ đã trở thành Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam.

Hình ảnh của một vị giám đốc giỏi giang, giàu tâm huyết khiến nhiều người liên tưởng đến những thân cây đang ở giai đoạn trưởng thành, sung sức nhất tại Lâm viên Hữu nghị Đông Hà.

Chuyện trò với phóng viên, Chị Hoàng Hà chia sẻ, một trong những niềm vui của mình là thấy các loại cây ở lâm viên ngày càng nhiều, sinh trưởng, phát triển tốt. Từ ngày đầu đến làm việc cho dự án tới nay, chị chưa bao giờ gặp trường hợp nào khai thác, phá hoại cây cối trong lâm viên. “Dường như người dân địa phương cũng ý thức việc bảo vệ lâm viên giống như bảo vệ chính lá phổi của thành phố vậy”, chị Hà nói.

Điểm hẹn của những trái tim yêu chuộng hòa bình

Như một sự sắp đặt, mỗi khoảng xanh ở TP. Đông Hà đều gắn liền với một câu chuyện đẹp. Đến giờ, người dân thành phố vẫn nhắc đến hồi ức đẹp tươi của những năm 80 của thế kỷ XX. Từ chủ trương của tỉnh, đông đảo công nhân lâm nghiệp, học sinh ở Đông Hà đã miệt mài trồng cọ dầu, phủ xanh những ngọn đồi trơ trọi sau chiến tranh.

Giọt mồ hôi ngày ấy đã mang lại cho hôm nay một không gian lý tưởng, đậm chất thơ. Khác với rừng cọ dầu, Lâm viên Hữu nghị Đông Hà được hình thành từ ý tưởng của một tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Nơi đây, những cây xanh đầu tiên được trồng là từ những người bạn quốc tế.

Những mầm xanh đầu tiên được trồng bởi các cá nhân yêu chuộng hòa bình thông qua Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam -Ảnh: Q.H
Những mầm xanh đầu tiên được trồng bởi các cá nhân yêu chuộng hòa bình thông qua Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam -Ảnh: Q.H

Thành lập vào năm 1995, Cây hòa bình Việt Nam là tổ chức đặt nền móng, xây dựng Lâm viên Hữu nghị Đông Hà. Đây cũng chính là tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ đầu tiên được Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, phá hủy bom mìn, vật nổ.

Sau khi đến Quảng Trị, một trong những hoạt động đầu tiên của dự án là rà tìm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh để giúp hình thành lâm viên. Ít ai biết, phần lớn chuyên gia nhận nhiệm vụ này là các cựu chiến binh Hoa Kỳ từng có thời gian đi lính ở Việt Nam trong chiến tranh.

Họ trở lại với mong muốn gửi lời xin lỗi và hàn gắn vết thương chiến tranh. Về sau, họ còn hỗ trợ Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam về trang thiết bị và tập huấn kỹ thuật.

Đến giờ, trụ sở làm việc của Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam vẫn còn trưng bày những hình ảnh đẹp về buổi lễ trồng cây đầu tiên ở Lâm viên Hữu nghị Đông Hà. Tháng 11/1996, 42 tình nguyện viên gồm các cựu chiến binh, gia đình cựu chiến binh cùng người dân yêu chuộng hòa bình từ Hoa Kỳ và nhiều nước đến Quảng Trị.

Cùng cán bộ, người dân địa phương, họ vun trồng từng cây xanh và gửi gắm thông điệp về hòa bình, hữu nghị. Gần như ngay lập tức, sau sự kiện ý nghĩa ấy, Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam nhận được sự “tiếp sức” về cả vật chất lẫn tinh thần của nhiều tổ chức phi chính phủ khác như: Oxfam, CRS… Tất cả đều mong sớm có ngày Quảng Trị không còn ẩn họa bom mìn.

26 năm đã trôi qua kể từ ngày hoạt động trồng cây gây dựng Lâm viên Hữu nghị Đông Hà được tổ chức. Điều đáng mừng là số lượng tổ chức, cá nhân trong nước và trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ đến với lâm viên ngày càng đông.

Mới đây nhất, cán bộ, nhân viên Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam vinh dự đón Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Bonnie Denise Jenkins đến thăm, tìm hiểu hoạt động của dự án và tham gia trồng cây ở Lâm viên Hữu nghị Đông Hà.

Cùng những lời thăm hỏi, động viên, Thứ trưởng Jenkins chia sẻ mong muốn, các cán bộ, nhân viên dự án sẽ tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình. “Hòa bình cũng như những mầm xanh. Chúng ta phải ươm trồng, vun đắp cho nó”, bà Jenkins nhắn gửi.

Mỗi cây xanh, một câu chuyện

Nói về Lâm viên Hữu nghị Đông Hà, không thể không nhắc đến bà Jerilyn Brusseau, người sáng lập tổ chức Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam.

Cũng chính bà Jerilyn là người ươm mầm và 27 năm qua vun đắp cho sự phát triển của tổ chức tạo dựng nên lâm viên. Ít ai biết, anh trai của bà Jerilyn Brusseau là Daniel, một phi công của quân đội Hoa Kỳ, đã trút hơi thở cuối cùng tại Long An trong chiến tranh.

Hôm nhận tin người thân tử trận, trái tim các thành viên trong gia đình bà Jerilyn như bị bóp nghẹt. Nỗi đau đó nhiều năm sau vẫn hằn in trên khuôn mặt, dáng đi của mẹ bà - Rae Cheney.

Từ câu chuyện gia đình, bà Jerilyn Brusseau cùng chồng đã tìm cách bắc một nhịp cầu để những công dân Hoa Kỳ và Việt Nam, nhất là những người mẹ chung nỗi đau mất người thân có cơ hội gặp nhau. Sau nhiều nỗ lực, mong muốn của họ đã trở thành hiện thực.

Mẹ bà Jerilyn là một trong những người đầu tiên bước qua nhịp cầu. “Năm 90 tuổi, mẹ tôi lần đầu tiên sang Việt Nam. Bà đã ra đi nhẹ nhõm sau khi đến đất nước mà con trai mình nằm lại”, bà Jerilyn Brusseau kể.

Ở thế giới bên kia, có lẽ mẹ bà Rae Cheney sẽ rất vui nếu biết tổ chức được “ươm mầm” từ câu chuyện của gia đình mình phát triển cho đến tận hôm nay. Sau những mầm xanh mà mẹ con bà trồng, Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam đã đón rất nhiều đoàn khách khác đến Quảng Trị.

Bao giờ cũng vậy, một trong những “nghi thức” không thể thiếu của họ là trồng cây xanh. Nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ, thân nhân của những người lính đã nằm xuống trong chiến tranh, cá nhân yêu chuộng hòa bình… đã gửi gắm câu chuyện của mình qua hoạt động trồng cây hữu nghị. Tất cả câu chuyện mà họ chia sẻ đều chung thông điệp: “Hãy khép lại quá khứ để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”.

Chúng tôi đến thăm trụ sở Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam giữa một ngày giá rét của mùa đông. Vậy mà, lòng ai cũng ấm áp khi nghe Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam Phạm Hoàng Hà chia sẻ về sự phát triển của dự án.

Hoạt động rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ của nhân viên Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam - Ảnh: Q.H
Hoạt động rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ của nhân viên Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam - Ảnh: Q.H

Từ một vài nhân viên, tổ chức đã trở thành mái nhà chung của hơn 200 con người. Ngoài rà phá bom mìn, vật nổ, Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam hiện hỗ trợ chính quyền và Nhân dân Quảng Trị trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục phòng tránh bom mìn; hỗ trợ nạn nhân bom mìn; phát triển cộng đồng; trao vốn vay tín dụng…

Những mô hình nhỏ lẻ năm nào được nâng cấp, thay thế thành các chuỗi, tổ hợp hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh quy mô, bài bản, có hiệu quả cao. Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam cũng đã mở rộng địa bàn hoạt động ra Quảng Bình và dự báo sẽ còn vươn xa.

Theo bước tiến của dự án, mầm xanh trên những mảnh đất một thời ô nhiễm bom mìn chắc chắn sẽ được các tổ chức, cá nhân yêu chuộng hòa bình vun trồng nhiều thêm, hứa hẹn về những lâm viên hữu nghị mới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hướng Hóa: Trồng 250 ha cây xanh chống sạt lở các khu vực nhà máy điện gió

Minh Long |

Theo báo cáo của UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), trong các đợt mưa lũ trong năm 2022, các thửa đất canh tác, sản xuất của Nhân dân dọc theo các khe, suối trên địa bàn huyện nói chung và xã Húc nói riêng bị đất đá vùi lấp, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất.

Hỗ trợ cây, con giống và phân bón cho 767 hộ dân vùng cao

Quang Hiệp |

Thông tin từ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 cho biết, đơn vị vừa hoàn thành đợt hỗ trợ cây, con giống cho các hộ người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị).

Những chậu cây cảnh đắt đỏ nhất dịp tết 2023

Thanh Mai |

Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng thị trường cây cảnh đã rất sôi động, nhiều loại độc lạ, đắt tiền, lên đến cả trăm triệu, thậm chí cả tỷ

Ước mong có một cây cầu

Hải An |

Nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc Pa Kô của bản Trại Cá, Pa Hy (xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) hằng ngày phải dùng săm xe ô tô bơm đầy hơi vượt sông Đakrông để sang bên kia sông làm nương rẫy, chăn nuôi. Có một cây cầu dân sinh bắc qua sông Đakrông là mong ước thúc bách hàng chục năm qua của không chỉ người dân bản Trại Cá, Pa Hy…