Ước mong có một cây cầu

Hải An |

Nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc Pa Kô của bản Trại Cá, Pa Hy (xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) hằng ngày phải dùng săm xe ô tô bơm đầy hơi vượt sông Đakrông để sang bên kia sông làm nương rẫy, chăn nuôi. Có một cây cầu dân sinh bắc qua sông Đakrông là mong ước thúc bách hàng chục năm qua của không chỉ người dân bản Trại Cá, Pa Hy…

Vượt sông bằng săm xe ô tô

Mới 5 giờ sáng, bản Pa Hy còn chìm trong sương mù dày đặc se se lạnh của ngày chớm đông, anh Hồ Thương (37 tuổi) đã trở dậy. Bên bếp lửa giữa nhà, vợ anh lúi húi chuẩn bị cơm nắm, thức ăn cho chồng đi làm rẫy.

Phải mất nửa giờ đồng hồ, anh Thương mới xuống đến bến sông. Anh nhanh chóng cho săm xe ô tô bơm đầy hơi xuống nước, sau đó gác 2 tấm ván dài lên chiếc săm xe ô tô rồi nhẹ nhàng ngồi lên.

Khi đã ngồi vững vàng trên săm xe ô tô, anh Thương dùng thanh ván còn lại làm mái chèo để từ từ vượt sông Đakrông. Vật lộn giữa dòng nước gần 20 phút, anh Thương cũng sang được bờ bên kia.

Người dân bản Pa Hy vượt sông Đakrông bằng săm xe ô tô - Ảnh: H.A
Người dân bản Pa Hy vượt sông Đakrông bằng săm xe ô tô - Ảnh: H.A

Gia đình anh Thương trồng gần 1 ha tràm hoa vàng khoảng 2 năm tuổi bên kia sông Đakrông. Đến mùa phát thực bì, anh Thương phải dậy từ sớm để tranh thủ vượt sông Đakrông bằng săm xe ô tô sang rẫy trồng tràm hoa vàng, đến tối mịt mới quay về bản Pa Hy cũng trên chính chiếc săm xe ô tô ấy.

Mùa này, các công trình thủy điện trên sông Đakrông đang tích nước nên mặt nước sông thu hẹp, việc qua lại của người dân bản Pa Hy đỡ vất vả, nguy hiểm hơn. Đến mùa mưa lũ, mặt nước sông Đakrông trở nên rộng mênh mông, cuồn cuộn chảy đục ngầu, lúc ấy người dân bản Pa Hy cũng như các bản làng khác của xã Tà Long không ai dám vượt sông để làm nương rẫy.

“Đời sống của người dân bản Pa Hy còn nghèo, không phải ai cũng có tiền mua sắm thuyền để vượt sông, phần lớn phải vượt sông bằng săm xe ô tô hoặc đi vòng đoạn đường dài để sang bên kia sông Đakrông. Vào mùa mưa, nước dâng cao thì đành ngồi ở nhà thôi”, anh Thương chia sẻ.

Phó Trưởng bản Pa Hy Hồ Văn Thương cho biết: “Do đặc thù địa hình của bản Pa Hy chủ yếu là đồi, dốc nên thiếu đất sản xuất, vì thế người dân phải sang bên kia sông Đakrông để tìm những mảnh đất bằng phẳng làm nương rẫy trồng rừng, trồng ngô, lúa nước, chăn nuôi. Cả bản Pa Hy có 70 hộ (191 nhân khẩu) người dân tộc Pa Kô thì có đến 90% hộ dân có nương rẫy bên kia sông Đakrông.

Không có cầu dân sinh bắc qua sông nên nhiều năm nay người dân bản Pa Hy muốn làm nương rẫy chỉ còn cách vượt sông bằng săm xe ô tô. Nhà nào có điều kiện thì mua sắm thuyền loại nhỏ để sang sông làm nương rẫy, nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cứ đến mùa mưa lũ, tôi phải thường xuyên túc trực tại bến sông Đakrông (đoạn chảy qua bản Pa Hy) để ngăn không cho người dân vượt sông, bởi sợ nguy hiểm đến tính mạng. Người dân bản Pa Hy luôn mong ước có một cây cầu dân sinh bắc qua sông Đakrông”.

Để cây cầu không còn là mơ ước

Phó Chủ tịch UBND xã Tà Long Lê Xuân Tang cho biết, trên địa bàn xã Tà Long hiện có khoảng 150 hộ dân của bản Trại Cá, Pa Hy có diện tích gần 400 ha trồng tràm hoa vàng, sắn, lúa rẫy, chăn nuôi ở bên kia sông Đakrông.

Riêng bản Trại Cá có 23 hộ dân (khoảng 70 nhân khẩu) đang sinh sống bên kia sông Đakrông. Con em trong bản mỗi lần đến trường học tại trung tâm xã phải vượt sông rất nguy hiểm, nguy cơ đuối nước rất cao, nhất là vào mùa mưa.

Không có cầu, nông sản của người dân làm ra vừa mất phí vận chuyển, vừa bị tư thương ép giá. Xây dựng cây cầu bắc qua sông Đakrông là việc làm cấp thiết. Bởi nếu có cầu, các em học sinh là con em của 23 hộ dân bản Trại Cá bên kia sông đến trường thuận lợi, an toàn hơn.

Nông sản, gỗ rừng trồng… của người dân bản Trại Cá, Pa Hy được tư thương đưa xe vào tận rẫy thu mua với giá ngang bằng các địa phương khác. Có cầu, có đường đi lại dễ dàng, người dân có thêm điều kiện đầu tư, mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ để phát triển kinh tế.

Xã Tà Long cũng đã khảo sát được 2 vị trí khá thuận lợi cho việc xây dựng cầu bắc qua sông Đakrông, đó là tại vị trí Km 16 (đoạn qua bản Trại Cá) và Km 23 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua bản Pa Hy). Tại các vị trí này đều có đường bê tông nối từ tuyến đường Hồ Chí Minh xuống tận bến sông Đakrông.

Tuy nhiên, để xây dựng cây cầu dài bắc qua sông Đakrông cần một khoản kinh phí tương đối lớn. Nhiều năm nay, xã Tà Long đã kiến nghị với huyện Đakrông cũng như các cơ quan liên quan, nhưng rồi do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên cây cầu chỉ là mơ ước.

Trong khi chờ đợi có nguồn vốn đầu tư xây dựng cây cầu, hằng ngày nhiều người dân, học sinh ở bản Trại Cá, Pa Hy vẫn phải vượt sông Đakrông trên những chiếc thuyền nhỏ, săm xe ô tô đầy bất trắc...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bay khinh khí cầu ngắm Đà Lạt trên cao

PV |

Ngày 9/12, thành phố Đà Lạt đã thống nhất tổ chức hoạt động bay khinh khí cầu ngắm Đà Lạt trên cao. 

Giải Cầu lông các Câu lạc bộ TP. Đông Hà mở rộng lần thứ VI-2022 tranh Cup VNPT Quảng Trị

Minh Đức |

Trong 2 ngày 2 và 3/12, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh, Trung tâm VHTT-TDTT TP. Đông Hà tổ chức Giải Cầu lông các Câu lạc bộ TP. Đông Hà mở rộng lần thứ VI-2022 tranh Cup VNPT Quảng Trị.

Việt Nam yêu cầu Đài Loan huỷ bỏ tập trận bắn đạn thật ở đảo Ba Bình

Thanh Mai |

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan hủy bỏ hoạt động diễn tập trái phép bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa.

Ước mong về những cây cầu vượt lũ

Quang Hiệp |

Hễ mưa lớn lại xảy ra chia cắt. Đó là thực trạng thường xuyên diễn ra tại các xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện miền núi Hướng Hoá (Quảng Trị) vào mùa mưa lũ. Thực trạng trên cũng chính là nỗi âu lo, trăn trở của người dân địa phương. Ước mong về những cầu tránh lũ trong lòng bà con chưa bao giờ lớn đến thế.