“Báu vật sống” làng biển

Sỹ Hoàng |

Trong tháng ngày lang thang trên những trảng cát trắng vần vũ gió mây qua nhiều làng biển, tôi được gặp và trò chuyện với nhiều lão ngư nắm giữ những “độc chiêu” đánh bắt thủy, hải sản được lưu truyền qua bao đời. Họ được ngư dân xem là “báu vật sống” của các làng biển. Và những “báu vật sống” ấy từng ngày trao truyền lại cho lớp trẻ các “độc chiêu” để ứng dụng hiệu quả trong những chuyến vươn khơi bám biển.


Tôi ngồi cùng lão ngư Lê Văn Lễ (82 tuổi) trong căn nhà nhỏ ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị), nghe ông rỉ rả sẻ chia nhiều nghề biển có từ hàng trăm năm cùng những kinh nghiệm, ngư cụ đánh bắt thủy, hải sản trên biển hết sức thông minh và kỳ công.

Lão ngư Lê Văn Lễ nói với tôi rằng, có nhiều nghề biển đến bây giờ đã trở thành quá vãng. Những nghề biển ấy với ngư cụ đánh bắt uyển chuyển cùng sóng nước đại dương là một kỳ tích của tư duy. Và đó cũng là bảo chứng tuyệt vời của kinh nghiệm sống, dễ gì bắt gặp được hôm nay. Ví như nghề kéo xăm đánh bắt thủy sản gần bờ. Nghề này không dùng máy móc, trang thiết bị hiện đại, mà chỉ cần một chiếc thuyền lớn cùng tấm lưới xăm rộng và sức kéo của nhiều người ở trong bờ biển cộng lại. Dù chỉ là nghề thời vụ (mỗi năm chỉ kéo dài từ tháng 6 - 8 âm lịch), nhưng nghề lưới xăm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân bãi ngang ngày xưa. Rồi ngư dân còn sáng tạo ra cách “dựng nhà” dẫn dụ cá, tôm, mực... đến trú ngụ để đánh bắt. Vật liệu để “dựng nhà” bao gồm tre lồ ô, đá hộc, rọ sắt, lá cọ hoặc lá đùng đình phơi khô.

Lão ngư Nguyễn Văn Quýnh dù ở tuổi “gần đất, xa trời” vẫn giúp các con chuẩn bị lưới cho chuyến ra khơi - Ảnh: SỸ HOÀNG
Lão ngư Nguyễn Văn Quýnh dù ở tuổi “gần đất, xa trời” vẫn giúp các con chuẩn bị lưới cho chuyến ra khơi - Ảnh: SỸ HOÀNG

Sau khi vật liệu chuẩn bị xong, ngư dân chọn ngày trời yên, biển lặng sẽ tìm kiếm địa điểm để bắt đầu “dựng nhà” (thường cách bờ khoảng 6 – 7 hải lý). Khi chọn được địa điểm ưng ý, ngư dân sẽ dùng dây buộc 5 – 7 cây tre lồ ô lại với nhau, xung quanh là hệ thống dây buộc từng chùm lá cọ hoặc lá đùng đình khô, phía dưới buộc các rọ sắt chứa đá hộc để kéo các cây tre lồ ô chìm xuống đáy biển theo chiều thẳng đứng.

“Ngôi nhà” sẽ là nơi trú ẩn cũng như tạo ra nguồn thức ăn cho các loại thủy hải sản, bởi lá khô ngâm lâu ngày dưới nước sẽ là nơi rong rêu cũng như các sinh vật phù du phát triển. Và “ngôi nhà” cũng là nơi lý tưởng để tôm, cá sinh sôi, phát triển qua bao mùa biển. Cứ biển lặng, sóng êm, ngư dân lại chèo thuyền ra “ngôi nhà” của mình là có thể đánh bắt tôm, cá, mực mà không cần dùng đến máy móc hiện đại, không thuốc nổ tận diệt.

Bên cạnh những nghề biển cổ đã trở thành dĩ vãng, vẫn còn những nghề được ngư dân cải tiến cho phù hợp với nhịp độ đánh bắt thủy, hải sản hiện nay. Đơn cử như nghề lừ bóng đánh bắt mực lá, mực nang đã gắn bó với ngư dân miền biển qua hàng trăm năm. Ngày xưa, ngư dân muốn làm nghề đặt lừ bóng phải cất công đi mua tre về ngâm nước, rồi phơi khô một thời gian dài để chống mối mọt. Sau đó, tre được chẻ thành từng đoạn dài, to bằng ngón tay cái để chuẩn bị cho việc làm lừ bóng. Chiếc lừ bóng có cấu tạo dạng hình hộp chữ nhật, dài 1,2m và rộng 0,6m. Bao phủ xung quanh lừ bóng là một lớp lưới có kích thước mắt lưới khoảng 2 cm. Ngư dân dùng lá cây đùng đình phơi khô phủ lên mặt trên chiếc lừ bóng để tạo nên vùng tối. Chùm trứng mực lá màu trắng được gắn ở bên trong lừ bóng.

Con mực lá đến kỳ đẻ trứng, thấy trứng mực ở trong lừ bóng thì tìm cách vào để đẻ trứng và bị dính bẫy. Bây giờ, chỉ còn ít ngư dân vùng biển duy trì nghề lừ bóng, nhưng đã cải tiến với việc thay cho lớp lá đùng đình là lá cây giả hoặc sợi ni lông màu đen phủ lên mặt trên chiếc lừ bóng; vàng lừ bóng cũng dài hơn với chiều dài từ 10 - 12 hải lý để đánh bắt được nhiều mực lá, mực nang hơn. Nghề đặt lừ bóng dù khá vất vả, nhưng đổi lại có thu nhập cao. Nhiều ngư dân có thu nhập từ 20 – 50 triệu đồng/ chuyến biển là chuyện thường.

Ở tuổi “gần đất, xa trời” nhưng thỉnh thoảng lão ngư Nguyễn Văn Quýnh (90 tuổi) ở Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vẫn mỗi ngày dò dẫm xuống bến thuyền để được trò chuyện với các ngư dân, được sống lại “ký ức biển khơi” mà suốt đời ông gắn bó. Bằng chất giọng khàn khàn, rầm rì như sóng, lão ngư Nguyễn Văn Quýnh dẫn dụ tôi lạc vào thế giới của ông với bao nhiêu câu chuyện thú vị về nghề biển. Ví như biệt tài nhìn khúc gỗ mục (thường dài khoảng 3 - 7m) đang lập lờ trôi giữa biển vẫn đoán được loại cá và trữ lượng cá bên dưới để sử dụng loại lưới, cách câu phù hợp nhất. Đến tận bây giờ, những kinh nghiệm ấy vẫn còn được nhiều ngư dân áp dụng trong đánh bắt thủy, hải sản rất hiệu quả.

Cứ khoảng từ tháng 2 đến tháng 9 hằng năm, khi nước biển trở nên trong xanh, yên ả hơn cũng là lúc nhiều khúc gỗ từ núi, rừng bị nước lũ cuốn trôi ra biển bắt đầu ngấm nước đến mục ruỗng là môi trường lý tưởng để nhiều loại rong, tảo biển bám vào rồi sinh sôi, nảy nở. Chính lớp rong, tảo biển này thu hút đàn cá nhỏ đến kiếm ăn và theo sau đàn cá nhỏ là từng đàn cá lớn như cá bớp, cá cam, cá xanh, cá chim đen, cá bè... đến săn cá nhỏ. Mỗi mùa đi biển, ngư dân nào may mắn sẽ gặp được 5 - 7 khúc gỗ mục. Gặp khúc gỗ mục, ngư dân có kinh nghiệm sẽ căn cứ vào màu nước biển để xác định loại cá cũng như trữ lượng cá bên dưới. Thông thường, dưới khúc gỗ mục bao giờ cũng có ít nhất khoảng vài tạ cá bớp, cá cam, cá xanh, cá chim đen, cá bè..., nhiều thì lên đến cả tấn.

Các làng biển bây giờ đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho lễ “mở biển” đầu năm. Đây là dịp để ngư dân bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với biển khơi và cầu mong mưa thuận gió hòa, khoang thuyền đầy ắp tôm, cá. Và cũng chính những “báu vật sống” như lão ngư Lê Văn Lễ, Nguyễn Văn Quýnh là những người đã trực tiếp trao truyền lại cho cánh ngư dân trẻ tất cả các công đoạn, nghi lễ trong lễ “mở biển” đầu năm để vào vụ đánh bắt thủy, hải sản mới, như mạch nguồn chảy mãi qua bao đời ngư dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

BĐBP Quảng Trị: Kịp thời cứu 3 ngư dân gặp nạn trên biển

Trường Sơn |

Ngày 11/1/2022, Đồn Biên phòng Triệu Vân phối hợp với Đồn Biên phòng Cồn Cỏ và Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã kịp thời cứu nạn thành công 3 ngư dân gặp nạn trên biển.

Cảnh sát biển tặng quà gia đình ngư dân khó khăn ở huyện đảo Cồn Cỏ

Trường Nguyên |

Ngày 16/11, tại huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hải đội 202, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 phối hợp với địa phương tặng quà các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.

Cứu hộ kịp thời 2 ngư dân gặp nạn trên biển

Nguyễn Trang |

Trưởng Công an xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), Đại úy Hoàng Ngọc Minh cho biết, hôm nay 15/11, lực lượng chức năng cùng người dân xã Vĩnh Thái đã trục vớt 1 thuyền của ngư dân địa phương bị sóng biển đánh chìm.

Ngư dân phấn khởi trở lại vươn khơi, bám biển

Lưu Hương |

Trong thời gian tạm đóng cửa các cảng cá, ngư dân tranh thủ tu sửa lại tàu thuyền,vá lưới... Đến nay được trở lại vươn khơi, bà con ngư dân kỳ vọng chuyến biển trúng luồng tôm cá, để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.