Chàng trai trẻ kiếm tiền từ... mặt trời

Việt Đan |

Khi khái niệm “điện mặt trời” còn quá mới ở Việt Nam, Nguyễn Thái Bảo Hùng (sinh năm 1989, quê Hưng Yên) đã tự mày mò học hỏi kinh nghiệm từ tài liệu nước ngoài, quyết tâm khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Sẵn sàng “được ăn cả, ngã về không”

Năm 2017, nhân một chuyến đi du lịch cùng cả nhà vào Nha Trang chơi, Nguyễn Thái Bảo Hùng, hồi đó tròn 28 tuổi, bỗng dành mối quan tâm đặc biệt đến cái nắng cháy da cháy thịt ở mảnh đất duyên hải Nam Trung Bộ ấy. Hùng chia sẻ suy nghĩ rất thật với chị gái mình: “Trong này nắng quá mà không làm điện mặt trời thì thật phí”. Tưởng chỉ là câu nói bâng quơ, ngờ đâu Hùng nung nấu ý định vào miền Trung làm điện mặt trời thật.

 
 Gia đình nhỏ của Nguyễn Thái Bảo Hùng.

Ý định đó dần thành sự thực bất chấp sự phản đối dữ dội của gia đình. Hồi đó khái niệm “điện mặt trời” còn quá mới ở Việt Nam, thậm chí ở các thành phố lớn, huống hồ cả gia đình Hùng ở Hưng Yên chẳng ai biết đến. Thế nhưng, như bị thôi thúc, Hùng bắt đầu mò tìm trên mạng kinh nghiệm làm điện năng lượng của các nước phát triển, quyết tâm tìm lối đi riêng cho mình. Nhận thấy tiềm năng lớn của lĩnh vực năng lượng tái tạo này, Hùng quyết định về Hà Nội bán nhà, bán xe ô tô để có vốn đầu tư.

Ban đầu, Hùng dự tính mua đất trong Ninh Thuận vì nắng nhiều hơn nhưng Ninh Thuận không có sân bay, không tiện cho việc đi lại giữa hai miền Nam – Bắc nên Hùng vòng qua Cam Ranh, Cam Lâm (Khánh Hoà) để theo đuổi ý tưởng của mình.

Một mình theo đuổi hướng đi chẳng giống ai, Hùng bay vào Nha Trang, rong ruổi bằng xe máy để khảo sát thực tế. Suốt hơn một tháng “nằm vùng” tại mảnh đất cát trắng bỏng rát, nhận thấy hiệu suất nắng khu vực này rất cao, số giờ nắng luôn trên 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày, mùa mưa rất ngắn (thường chỉ 2-3 tháng), lại đúng lúc có chính sách ưu đãi giá của Chính phủ cho điện năng lượng nên chàng trai trẻ càng thêm tin tưởng rằng anh sẽ thành công trên mảnh đất này.

Nguyễn Hà Ly - chị gái của Bảo Hùng kể lại: “Khi em trai mình quyết định bán nhà, bán xe để có tiền làm điện, cả nhà ai cũng phản đối vì mọi người đều cho rằng đó là quyết định liều lĩnh, không ai tin Hùng có thể thành công bởi khi ấy lĩnh vực này còn quá mới mẻ tại Việt Nam. Thời điểm ấy, cuộc sống của Hùng đang rất ổn, có nhà, có xe ô tô, vợ Hùng thì đang đi làm cho công ty nước ngoài với mức thu nhập khá cao. Hùng quyết định bán nhà, bán xe, đồng thời thuyết phục vợ con chuyển vào Nha Trang là một quyết định mang tính liều lĩnh, “được ăn cả, ngã về không””.

Hệ thống điện lưới mặt trời phía trên
Hệ thống điện lưới mặt trời phía trên

Thời điểm Nguyễn Thái Bảo Hùng bắt tay vào khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đất Cam Lâm vẫn bao la, người dân địa phương cũng chẳng biết làm gì với đất pha cát cằn cỗi, loại đất không giữ được nước ấy chỉ để trồng mía, trồng sắn với sản lượng chỉ đạt 1 triệu đồng/sào/năm.

Ban đầu, Hùng mua mảnh đất gần 2.000 m2 với số tiền chưa đến 600 triệu đồng rồi cho dựng khung mái để lắp pin. Khi tiến hành thi công, nhiều người trong vùng còn tới xem vì tò mò. Một chàng trai dám từ Bắc vào Trung quyết kiếm tiền từ ánh nắng mặt trời khiến người ta vừa lạ lẫm vừa thích thú. Tại mảnh đất này, Hùng tiến hành lắp hệ thống pin mặt trời hơn 300kW. Thời điểm năm 2017, giá mua pin và inverter còn cao nên chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống pin mặt trời rơi vào khoảng 6 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, Hùng ký được hợp đồng bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong 20 năm. Hiện hệ thống này mang lại cho Hùng lợi nhuận khoảng 60-80 triệu đồng/tháng.

Không lâu sau đó, Hùng lập Công ty TNHH Mặt trời Queen, chuyên thi công, lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho người dân khu vực và các tỉnh Nam Trung Bộ.

Cú liều lần hai

Bảo Hùng nhớ lại, lúc anh bán nhà, bán xe, bố mẹ anh phản đối dữ lắm, bảo anh điên, không biết đường sướng. Mãi sau này, khi hệ thống đầu tiên mang lại thu nhập đều đặn, ông bà mới tin con trai và không phàn nàn gì nữa.

Thành công từ dự án đầu tiên giúp Hùng có thêm vốn và kinh nghiệm để bắt tay làm dự án thứ hai. Để mở rộng quy mô, Hùng cùng gia đình hùn vốn, mua thêm một mảnh đất khác rộng gần 10.000 m2 để lắp hệ thống pin mặt trời tiếp theo với công suất lớn hơn (1 MW).

Thời điểm làm dự án thứ hai, trung bình để lắp một hệ thống 1 Mw sẽ cần số vốn hơn 20 tỉ đồng (chưa gồm chi phí mua đất). Tuy nhiên do Hùng đã có kinh nghiệm lại tự tay trực tiếp thi công tất cả các công đoạn nên chi phí giảm được 5-6 tỉ đồng. Tất cả các khâu từ khảo sát hiệu suất nắng, thi công lắp đặt hệ thống, điều chỉnh hướng pin theo ánh mặt trời, lắp đặt hệ thống tự động rửa pin… chàng trai trẻ đều tự mày mò làm hết. Điều đặc biệt là Hùng xuất phát điểm không phải kĩ sư điện hay kĩ sư cơ khí mà là kĩ sư công nghệ thông tin, anh tốt nghiệp Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bảo Hùng cho biết: “So với các lĩnh vực khác thì đầu tư điện sinh lời nhanh nhưng vốn đầu tư cũng lớn, chỉ phù hợp với các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính. Theo tính toán, chỉ từ 5-6 năm đã có thể hoà vốn. Khu vực Cam Lâm mà tôi chọn lập nghiệp cũng ít rủi ro hơn do ít thiên tai, bão gió”.

Theo Bảo Hùng, rủi ro lớn nhất đối với những cá nhân dám theo đuổi lĩnh vực năng lượng là chính sách, cơ chế quản lí không nhất quán, dễ thay đổi. May mắn là Hùng đã kí được hợp đồng với EVN trước thời điểm 20/12/2021 - thời hạn ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp nên vẫn được hưởng giá ưu đãi. Hệ thống 1MW này hiện cho cả gia đình anh thu nhập tầm 300-350 triệu đồng/tháng, dao động theo thời tiết. Tính chung cả hai hệ thống pin tại Cam Lâm, Hùng thu về khoảng 400 triệu đồng/tháng.

Đi trước đón đầu

Giờ Bảo Hùng cùng vợ và hai con đã chuyển hẳn vào Nha Trang sống để tiện cho công việc quản lý dự án. Hùng cũng đã kịp mua một ngôi nhà xinh để vợ con an cư lạc nghiệp trên mảnh đất xa quê này. Tổ ấm vui vầy bên nhau, cùng chứng kiến những thành tựu mà anh đã dám làm, dám đi tiên phong để thành công hơn các bạn cùng trang lứa.

“Lúc làm điện cũng cực lắm. Cái nắng đất Cam Lâm, Khánh Hòa vô cùng gay gắt, mình vốn là người Bắc nên ban đầu không quen, đứng một lúc ngoài công trường đã muốn ngất luôn”, Hùng cười nói. Hồi đó, cả gia đình phải huy động anh em, họ hàng vào thi công gấp để kịp tiến độ hoà lưới điện quốc gia, ký hợp đồng với EVN do người dân địa phương thường nghỉ làm vào cuối tuần, không có công nhân làm việc. Tất cả những việc như cắt sắt, khoan đục, đổ bê tông, lắp pin… cả nhà chia nhau làm.

Hùng vừa kiếm tiền từ mặt trời vừa kết hợp nuôi gà bên dưới.
Hùng vừa kiếm tiền từ mặt trời vừa kết hợp nuôi gà bên dưới.
 

Với Nguyễn Thái Bảo Hùng, đam mê lĩnh vực năng lượng tái tạo không hề viển vông xa vời, bởi cả thế giới đang chạy đua với thời gian để tránh những hậu quả tồi tệ nhất của khuộc khủng hoảng khí hậu, với công nghệ không ngừng cải tiến và phát triển, giá thành sản xuất ngày càng rẻ hơn thì điện gió và điện mặt trời sẽ là nguồn năng lượng chính của thế giới trong tương lai.

Nhà Hùng làm điện mặt trời áp mái nên phía dưới anh tận dụng làm trang trại gà để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi lứa, vợ chồng Hùng nuôi hơn 20.000 con gà, lợi nhuận mỗi năm từ trại gà thu về gần 1 tỉ đồng. Những khoản thu đều đặn từ hệ thống pin mặt trời và trại gà là trái ngọt mà Hùng xứng đáng có được, sau bao ngày vất vả theo đuổi đam mê bằng chính thực lực của mình.

(Nguồn: Ngày Nay)

TAGS

Việt Nam có nhiều tiềm năng về thu hút nguồn lực cho tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo

PV |

Chiều 10/3, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp, trao đổi với ông Tony Blair, cựu Thủ tướng Vương quốc Anh và Bắc Ai len, Chủ tịch Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) nhân dịp ông thăm, làm việc tại Việt Nam.

Tạo thuận lợi cho các dự án năng lượng xanh, tái tạo

Minh Khôi |

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định như vậy khi tiếp ông Surendra Rosha, Đồng Tổng Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng HSBC, sáng 15/2, tại trụ sở Chính phủ.

Thủ tướng đề nghị lãi suất ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Hà Văn |

Ngày 9/2, trong chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Simon Cooper, Tổng Giám đốc, phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính thị trường châu Âu và châu Mỹ; ông Patrick Lee, Tổng Giám đốc khu vực, phụ trách Singapore và các thị trường ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered.

Giải pháp để Quảng Trị sớm trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung

PV |

Nhắc đến Quảng Trị là nhớ đến vùng “đất lửa” trong chiến tranh, vùng đất linh thiêng và nghĩa tình. Trong công cuộc đổi mới, vùng đất một thời gian khó đầy nắng và gió này giờ đang trở thành địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển nguồn năng lượng dồi dào. Đây chính là cơ sở quan trọng để phấn đấu đưa Quảng Trị sớm trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.