Nhắc đến Quảng Trị là nhớ đến vùng “đất lửa” trong chiến tranh, vùng đất linh thiêng và nghĩa tình. Trong công cuộc đổi mới, vùng đất một thời gian khó đầy nắng và gió này giờ đang trở thành địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển nguồn năng lượng dồi dào. Đây chính là cơ sở quan trọng để phấn đấu đưa Quảng Trị sớm trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.
Tỉnh Quảng Trị có nhiều dư địa để phát triển năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng. Kết quả khảo sát cho thấy tiềm năng phát triển năng lượng đạt công suất hơn 14.000 MW, trong đó những lĩnh vực tiềm năng nhất là điện gió, điện mặt trời, điện khí.
Tính đến cuối tháng 11/2022, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 939 MW điện, gồm điện gió công suất 714 MW, 150 MW điện mặt trời, chưa kể 104 MW điện mặt trời áp mái nhà. Trong đó, đã đưa vào vận hành thương mại 19 dự án điện gió công suất 671 MW; 3 dự án điện mặt trời công suất 127 MW, 11 dự án thủy điện công suất 167,5 MW.
Ngoài ra, còn có nhiều dự án đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh để triển khai thực hiện. Từ những tiềm năng và kết quả bước đầu, công nghiệp năng lượng được tỉnh xác định là lĩnh vực đột phá, hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500 -3.000MW, đến năm 2025 khoảng 9.500MW và đến năm 2030 phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung theo chủ trương tại Thông báo số 17/TB-VPCP ngày 25/1/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã đề xuất với Chính phủ đưa các dự án năng lượng vào sơ đồ Quy hoạch điện VIII là hoàn toàn hợp lý bởi phát triển điện gió ở địa bàn miền núi không chiếm nhiều diện tích.
Vấn đề quan trọng là phải có giải pháp chống sạt lở đất, vì sạt lở sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án và trực tiếp là các dự án điện gió có thể mất cả trăm tỉ đồng/1 trụ điện gió.
Ngoài ra, phát triển các dự án năng lượng sẽ góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Bởi theo tính toán khi đã phát điện ổn định và hết thời hạn ưu đãi giá thì 1 MW điện thu ngân sách khoảng 1 tỉ đồng/năm. Đây chính là nguồn thu ngân sách khá lớn đối với tỉnh Quảng Trị.
Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra tình trạng chậm trễ trong đấu nối bởi hạ tầng truyền tải điện trên địa bàn tỉnh không đáp ứng được. Một khi dự án đã hoàn thành, máy chạy sản sinh ra điện mà không phát lên lưới điện quốc gia để bán thì quá lãng phí, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế do không tận dụng được nguồn lực từ năng lượng.
Hiện nay còn một vấn đề nữa cần tháo gỡ để tạo điều kiện cho lĩnh vực kinh tế năng lượng phát triển đó là phải sớm xác định giá. Sau khi giá ưu đãi kết thúc thì Chính phủ cần phải có giá mới, có thể thấp hơn hoặc cao hơn nhưng cần phải tính toán trước để khuyến khích phát triển.
Vừa qua Chính phủ đã có chính sách ưu đãi cho điện mặt trời áp mái nhà hoặc giá ưu đãi điện gió nên đã nhanh chóng phát triển nguồn điện năng ở lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo tôi, để phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Quảng Trị thì cần thiết phải thành lập một Hiệp hội năng lượng Quảng Trị. Bởi khi đã thành lập hiệp hội thì sẽ có một tổ chức để phối hợp, tham mưu cho địa phương về lĩnh vực năng lượng.
Đồng thời tiến hành kết nối các chuyên gia, nhà đầu tư để tổ chức hội thảo, thực hiện các hoạt động liên quan đến năng lượng. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ thúc đẩy việc kết nối nhà đầu tư, kết nối người sản xuất để có tiếng nói chung, đặc biệt là một khi có vướng mắc thì hiệp hội sẽ góp tiếng nói chính xác, khách quan để cùng hợp tác tháo gỡ.
Do đó, để khai thác, phát huy hết tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, sớm trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, theo tôi Quảng Trị cần phải có các giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất là phải chủ động cập nhật các dự án điện gió, điện khí, điện mặt trời và những đề xuất, kiến nghị của tỉnh vào Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở pháp lý và hành lang tổ chức thực hiện các dự án năng lượng đã quy hoạch.
Một khi đã cập nhật đầy đủ, tức là đã có tính pháp lý thì rất thuận lợi để kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mặt khác trong Quy hoạch điện VIII cũng cần phải đưa thêm những dự án truyền tải để tạo ra sự đồng bộ, liên hoàn trong các dự án nguồn và truyền tải, kết nối và tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư.
Thứ hai, để thực hiện được các dự án năng lượng, về phía chính quyền địa phương phải tạo điều kiện tối đa trong khâu chuẩn bị đất đai, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi họ có dự án triển khai trên địa bàn.
Thứ ba là phải tăng cường kết nối, xúc tiến, quảng bá đầu tư để thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực. Bởi vì đầu tư điện mặt trời, điện gió và điện khí thì suất đầu tư rất lớn nên cần doanh nghiệp có tài chính mạnh, đủ năng lực chuyên môn. Bởi nếu nhà đầu tư không đủ mạnh thì sẽ xảy ra tình trạng chậm trễ, hoặc có thể mua bán, sang nhượng dự án thì sẽ không mang lại hiệu quả trong việc thu hút đầu tư.
Trong các giải pháp đã nêu trên thì quan trọng nhất vẫn là Quy hoạch điện VIII vì đó là cơ sở pháp lý gốc. Bởi nếu không có quy hoạch thì không thể có nhà đầu tư, không thể có nhà máy. Ở tầm vĩ mô nên có sự sắp xếp đúng năng lực của các tỉnh có điều kiện, đừng co hẹp lại.
Nơi nào có điều kiện, có đề xuất, có khả thi thì tạo điều kiện cho triển khai, nhất là những tỉnh khó khăn như Quảng Trị thì cần phải hỗ trợ để biến khó khăn, bất lợi thành lợi thế phát triển. Bên cạnh đó, nhiệm vụ truyền tải phải song hành, thậm chí còn phải đi trước để như một sự cam kết “đầu ra”, giúp doanh nghiệp hoàn vốn, tăng trưởng.
Tóm lại, đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung không chỉ là một chủ trương phát triển kinh tế - xã hội thuần túy mà đây chính là khát vọng, nỗ lực hướng tới sự phát triển hiệu quả, bền vững của tỉnh trên con đường xây dựng, đổi mới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)