Công suất vận hành thương mại các dự án điện gió của tỉnh cao nhất nước

Tú Linh |

Chủ trương lớn của tỉnh Quảng Trị là phát triển năng lượng tái tạo, trong đó phải kể đến phát triển điện gió ở huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được rất khả quan, việc phát triển các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc phỏng vấn ông LÊ TIẾN DŨNG, Giám đốc Sở Công thương.


-Thưa ông! Đề nghị ông cho biết kết quả đầu tư các dự án điện gió được triển khai tại Quảng Trị đến thời điểm hiện tại?

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, đến năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước. Để đạt được mục tiêu quan trọng này, công nghiệp (đặc biệt công nghiệp năng lượng), nông nghiệp và du lịch - dịch vụ được xác định là ba trụ cột chính để phát triển.

Đặc biệt, trong công nghiệp, xác định năng lượng tái tạo là lĩnh vực then chốt, đột phá, trong đó có năng lượng gió.

Trên cơ sở kế thừa kết quả của nhiệm kỳ trước, cùng với chủ trương của nhiệm kỳ mới, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh làm việc với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương để đề xuất đưa vào quy hoạch nhiều dự án điện gió trên địa bàn. Đến nay, đã có 31 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với tổng công suất 1.177,2 MW.

Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương và sự nỗ lực của các nhà đầu tư, tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1MW hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 (thời hạn được hưởng cơ chế khuyến khích của Chính phủ).

Với kết quả này, Quảng Trị trở thành tỉnh có số dự án điện gió và tỉ lệ công suất vận hành thương mại cao nhất cả nước (chiếm 16,9% toàn quốc).

Theo ước tính sơ bộ, mỗi MW điện gió có doanh thu khoảng 6 tỉ đồng/năm, chỉ tính riêng thuế VAT (8%), mỗi MW điện gió đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng gần 500 triệu đồng/năm. Như vậy, với 671,1MW điện gió đã vận hành thương mại, hàng năm đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng gần 350 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các dự án còn góp phần tạo việc làm cho người dân vùng dự án (khoảng 10 lao động/dự án), phát triển cơ sở hạ tầng giao thông (khoảng 7 km đường giao thông/dự án), các dự án điện gió đã đóng thuế nhập khẩu khoảng 1.000 tỉ đồng, thuế xây dựng vãng lai khoảng 200 tỉ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động kỹ thuật cao…

- Bên cạnh những thuận lợi, các nhà đầu tư điện gió vào địa bàn tỉnh đang gặp phải không ít khó khăn. Đó là những khó khăn gì, thưa ông?

- Ngoài 19 dự án điện gió đã vận hành thương mại, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 100MW điện gió của 2 dự án vừa thi công hoàn thành. Hai dự án điện gió này đang chờ khung giá phát điện của cấp có thẩm quyền để triển khai đấu nối lên lưới điện quốc gia, thí nghiệm, hiệu chỉnh, chuẩn bị đưa vào vận hành thương mại.

Còn lại 10 dự án đang triển khai thi công với công suất 394MW. Bên cạnh các thuận lợi như đã nêu ở trên, các nhà đầu tư điện gió đang gặp phải một số khó khăn nhất định, như yếu tố bất lợi về thời tiết, COVID - 19 và công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, khó khăn còn đến từ cơ chế chính sách của Chính phủ khi không có cơ chế chuyển tiếp khuyến khích phát triển các dự án điện gió sau ngày 31/10/2021. Dẫn đến, các nhà đầu tư không ký kết được hợp đồng tín dụng để mua sắm thiết bị, triển khai dự án cầm chừng do chưa có cơ chế, chính sách phát triển các dự án điện gió, trong đó có cơ chế giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến năm 2045 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cơ chế, chính sách về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vẫn chưa được cấp có thẩm quyền ban hành. Do đó, chưa có cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư. Đây cũng là một trong những khó khăn cho các nhà đầu tư điện gió trong thời gian tới.

Dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa -Ảnh: T.L
Dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa -Ảnh: T.L

- Vậy đâu là cơ sở pháp lý quan trọng để gỡ khó cho chủ đầu tư các dự án điện gió?

- Ngày 3/10/ 2022, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp (Thông tư số 15/2022/TT-BCT).

Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện gió trong đất liền gửi Cục Điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt khung giá phát điện áp dụng cho các loại hình nhà máy điện gió trong đất liền và thực hiện thủ tục công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Công thương và Cục Điều tiết điện lực.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chủ đầu tư các dự án điện gió tiếp tục triển khai đầu tư sau khi có khung giá phát điện áp dụng cho các dự án nhà máy điện gió được Bộ Công thương phê duyệt.

Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý triển khai đầu tư các dự án điện gió, Thủ tướng Chính phủ cần sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) làm cơ sở kêu gọi đầu tư. Các cấp bộ, ngành trung ương cần sớm ban hành cơ chế, chính sách lựa chọn nhà đầu tư các dự án năng lượng, trong đó có các dự án về năng lượng gió.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để gỡ khó cho chủ đầu tư các dự án điện gió nhằm tiếp tục triển khai đầu tư, sớm góp phần xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung theo Thông báo số 17/TB-VPCP ngày 25/01/2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đề nghị bổ sung Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

- Ông có thể cho biết kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới của tỉnh?

- Trong giai đoạn 2022-2025, Sở Công thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai hoàn thành các dự án năng lượng đã được phê duyệt quy hoạch, trong đó có 12 dự án điện gió nói trên.

Đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư các dự án điện gió trên bờ với tổng quy mô công suất khoảng 900MW trong số 5.600MW đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt quy hoạch.

Bên cạnh đó, triển khai quy hoạch, kêu gọi đầu tư khoảng 1.000MW điện gió ngoài khơi và sản xuất các loại hydro “sạch” từ quá trình điện phân nước bằng năng lượng tái tạo (các dự án điện gió ngoài khơi) thân thiện với môi trường.

Nếu được phê duyệt quy hoạch và triển khai đầu tư đúng tiến độ, trong giai đoạn 2025 đến 2030, công suất phát điện trên địa bàn tỉnh tăng thêm khoảng 6.860MW. Tổng công suất lũy kế đến năm 2030 ước đạt khoảng 9.360MW.

Với những kết quả đã đạt được và hướng phấn đấu như đã nêu là tiền đề để tỉnh đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII; Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27/4/2021 của Tỉnh uỷ Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 55- NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

10 dự án điện gió triển khai cầm chừng, chậm tiến độ

Lê Trường |

Sở Công thương vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc rà soát tổng thể tiến độ các dự án điện gió trên địa bàn. Theo đó, ngoài 2 dự án đã ký kết hợp đồng mua sắm thiết bị và triển khai thi công hoàn thành công tác xây lắp thì các dự án còn lại đều chậm tiến độ đề ra.

Hướng Hóa: Yêu cầu các công ty điện gió khẩn trương bồi thường thiệt hại cho người dân

Lê Trường |

UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Thuận tại buổi làm việc về tình hình khắc phục thiệt hại liên quan các công trình điện gió trên địa bàn.

Cần đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân khu vực dự án điện gió

Lê Trường |

Sau khi các dự án điện gió ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) triển khai xây dựng và đi vào vận hành, bên cạnh những tác động tích cực vẫn còn tồn tại một số ảnh hưởng nhất định.

Điện gió Phong Liệu xin đầu tư sân Golf gần 1.000 tỷ đồng tại Khe Sanh

Nguyễn Khiêm |

Tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản giao Ban quản ký Khu Kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hướng Hoá và các ban ngành liên quan nghiên cứu đề xuất khảo sát, lập dự án sân golf, nhà hàng và biệt thự nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái tại thị trấn Khe Sanh của Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu.