Cần đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân khu vực dự án điện gió

Lê Trường |

Sau khi các dự án điện gió ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) triển khai xây dựng và đi vào vận hành, bên cạnh những tác động tích cực vẫn còn tồn tại một số ảnh hưởng nhất định.

Trong đó, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là cần đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng. Trong khi chính quyền địa phương loay hoay tìm phương án khắc phục, một số dự án điện gió vẫn xem nhẹ việc gia cố các bãi thải, thì nhiều hộ gia đình trong khu vực triển khai dự án vẫn phải chịu ảnh hưởng từ các bãi thải. Cuộc sống của đồng bào nơi đây đã khó nay càng khó khăn hơn.

Ruộng lúa bị bồi lấp, nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết

Theo số liệu thống kê của huyện Hướng Hóa, trên địa bàn hiện có 19 dự án điện gió đã đi vào hoạt động và 10 dự án đang triển khai thực hiện. Việc thi công xây dựng các dự án điện gió đã làm ảnh hưởng khoảng 37,25 ha đất nông nghiệp của 428 hộ dân. Trong đó, ngoài một số dự án điện gió đã hỗ trợ, bồi thường, vẫn còn không ít dự án chưa thống nhất phương án bồi thường cho người dân. Đơn cử như Nhà máy Điện gió Hướng Linh (xã Hướng Linh) chỉ mới hỗ trợ cho 5 ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng của 30 hộ, còn 14 hộ với khoảng hơn 2,1 ha chưa bồi thường; Nhà máy Điện gió Liên Lập (xã Tân Liên) đã có phương án bồi thường cho 4,35 ha của 46 hộ, còn 1,3 ha của 14 hộ ở bản Cheng (xã Tân Liên) chỉ mới thống kê, chưa có phương án hỗ trợ, bồi thường. Riêng tại xã Húc, hiện có 45 hộ có diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng chưa được thống kê cụ thể và chưa được hỗ trợ, bồi thường.
Nhiều bãi thải của các dự án điện gió ở xã Húc chưa được gia cố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn - Ảnh: L.T
Nhiều bãi thải của các dự án điện gió ở xã Húc chưa được gia cố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn - Ảnh: L.T

Gia đình anh Hồ Văn Thọ, trú tại thôn Ta Núc, xã Húc có 2 thửa ruộng với tổng diện tích khoảng 8 sào nằm ở khu vực suối K’Riêng và suối Nôm. Anh Thọ cho biết, những năm qua, nhờ 2 thửa ruộng này, mỗi năm làm 2 vụ nên gia đình anh không phải lo nguồn lương thực.“Từ khi dự án điện gió của Công ty TNHH MTV Tài Tâm Quảng Trị triển khai xây dựng ở phía trên cao của ruộng lúa gia đình, cứ mỗi đợt mưa lớn, các bãi thải không được gia cố nên đất đá tràn xuống, bồi lấp hoàn toàn ruộng của tôi”, anh Thọ kể lại.

Không chỉ 5 sào ruộng ở gần suối K’Riêng, mà 3 sào ruộng và ao cá ở gần suối Nôm của gia đình anh Thọ cũng bị bồi lấp hết. Tất cả đều nằm cạnh các bãi thải và trụ điện gió của Công ty TNHH MTV Tài Tâm Quảng Trị. “Đất, đá tràn xuống nhiều lần, tạo thành lớp dày trên bề mặt ruộng, nên gia đình không thể tự khắc phục. Bởi cứ mưa là đất đá tiếp tục tràn xuống nên gần 2 năm nay, gia đình gần như bỏ hoang và phải đi làm thuê để đảm bảo cuộc sống. Tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến yêu cầu phía công ty điện gió cũng như chính quyền địa phương quan tâm sớm hỗ trợ, bồi thường để gia đình khắc phục và ổn định sản xuất, nhưng mãi không thấy gì”, anh Thọ chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, Phó Chủ tịch UBND xã Húc Hồ Văn Mũa cho biết, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với công ty có dự án điện gió trên địa bàn tiến hành kiểm kê số lượng các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ đến nay vẫn chưa được thực hiện. “Khi triển khai dự án, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân giải phóng mặt bằng và nhận được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành đi vào vận hành, nhiều đơn vị còn xem nhẹ việc chăm lo sinh kế của người dân trong vùng dự án. Trong đó, riêng việc bồi thường thiệt hại do ảnh hưởng từ các dự án để bà con ổn định cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với phía công ty xem xét sớm thực hiện việc bồi thường, nhưng đến nay phía công ty vẫn “im hơi lặng tiếng” để mặc bà con”, ông Mũa thông tin.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận, qua thống kê, trong tổng diện tích nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các dự án điện gió có khoảng 24,08 ha lúa nước của 293 hộ dân và nhiều diện tích hoa màu, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản khác của bà con bị ảnh hưởng.

Theo ông Thuận, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số dự án điện gió chưa triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng cam kết như chưa gia cố các bãi thải; đường giao thông có độ dốc cao; chưa trồng cây, đào rãnh thoát ở những điểm có nguy cơ ứ đọng nước, tập trung vào các nhà máy như Nhà máy Điện gió Amacao Quảng Trị 1, Hoàng Hải, Tài Tâm, Hướng Hiệp 1, Hướng Phùng 2,3; Gelex 1,2,3; Hướng Linh 7, 8.

“Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, có sinh kế bền vững về lâu dài, địa phương đã có báo cáo và kiến nghị với UBND tỉnh. Chúng tôi cũng tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các dự án, nhà máy điện gió khẩn trương rà soát, thực hiện hoàn thành công tác hỗ trợ, khắc phục thiệt hại về ruộng lúa, hoa màu, đất sản xuất và các tài sản của Nhân dân bị ảnh hưởng; đốc thúc các dự án điện gió nghiêm túc thực hiện đúng cam kết về các biện pháp an toàn sau khi dự án hoàn thành”, ông Thuận thông tin thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho rằng, việc triển khai thành công các dự án điện gió ở khu vực miền núi của tỉnh đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhằm đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Tuy vậy, vấn đề đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi sinh môi trường và ổn định đời sống dân sinh luôn đặt lên hàng đầu. Trong đó, đặc biệt quan tâm tạo sinh kế bền vững cho người dân bằng các chương trình, dự án. Đối với thông tin nhiều diện tích đất sản xuất của người dân trong vùng dự án bị bồi lấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, UBND tỉnh đã giao huyện Hướng Hóa xây dựng kế hoạch cải tạo, khắc phục diện tích này; đồng thời có phương án chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm tiết kiệm diện tích đất canh tác, giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Cần ổn định cuộc sống, sản xuất cho người dân gắn với bảo vệ môi trường

Mới đây, Đoàn công tác của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức chuyến khảo sát tình hình sản xuất, đời sống của Nhân dân ở khu vực có dự án điện gió tại các xã Hướng Phùng, Hướng Linh, Húc và Tân Liên thuộc huyện Hướng Hóa. Qua khảo sát, bên cạnh những mặt tích cực của các dự án điện gió, vẫn còn không ít những tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong khu vực dự án. Trong đó, nhiều diện tích đất canh tác, sản xuất, công trình thủy lợi bị bồi lấp, san bằng do tình trạng sạt lở đất, đá từ các bãi thải; công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng không thống nhất, thiếu đồng bộ; nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp gây khó khăn cho người dân…

Từ thực tế trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có báo cáo, đề nghị UBND tỉnh quan tâm cân đối phân bổ ngân sách hỗ trợ cho các địa phương có các dự án điện gió nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông, xây dựng các mô hình kinh tế, đảm bảo sinh kế cho người dân; khảo sát, kiểm tra các bãi thải, bờ kè trụ móng tuabin gió để chỉ đạo các ngành có giải pháp xử lý kịp thời; xem xét, đánh giá tác động lâu dài về khoảng cách an toàn của các tuabin điện gió đến khu dân cư theo quy định và nguy cơ tác động của các công trình điện gió đến môi trường đất, nước, không khí, tiểu khí hậu, tiếng ồn và rung động tần số thấp...

Trên cơ sở báo cáo đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành liên quan và huyện Hướng Hóa khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, ổn định cuộc sống, sản xuất cho người dân và bảo vệ môi trường tại khu vực các dự án điện gió.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Điện gió Phong Liệu xin đầu tư sân Golf gần 1.000 tỷ đồng tại Khe Sanh

Nguyễn Khiêm |

Tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản giao Ban quản ký Khu Kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hướng Hoá và các ban ngành liên quan nghiên cứu đề xuất khảo sát, lập dự án sân golf, nhà hàng và biệt thự nghỉ dưỡng, khu đô thị sinh thái tại thị trấn Khe Sanh của Công ty Cổ phần Điện gió Phong Liệu.

Quảng Trị đề nghị bổ sung thêm 3 nhà máy điện gió vào quy hoạch

Vĩnh Long |

UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chỉnh phủ và Bộ Công Thương xem xét bổ sung các dự án Nhà máy điện gió Cam Lộ - 1.000MW, Nhà máy điện gió Gio Linh - 500MW và Nhà máy điện gió ngoài khơi Cồn Cỏ - 1.000MW vào Quy hoạch phát triển điện lực (Quy hoạch điện VIII).

Công an tỉnh kiến nghị phòng ngừa tình trạng sạt lở tại các dự án điện gió

Lê Trường |

Công an tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị phòng ngừa tình trạng sạt lở, ô nhiễm môi trường tại các dự án điện gió.

Bãi thải dự án điện gió tiếp tục bồi lấp ruộng, đất sản xuất của dân

Lê Trường |

Từ khi các dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đi vào vận hành thương mại đến nay, nhiều bãi thải vẫn chưa được gia cố đảm bảo. Do đó, chỉ xảy ra một trận mưa lớn là đất đá từ các bãi thải trôi tràn xuống, bồi lấp nhiều ruộng lúa, hồ cá, đất nông nghiệp, khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ chưa được hai bên thống nhất, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.