Từ khi các dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đi vào vận hành thương mại đến nay, nhiều bãi thải vẫn chưa được gia cố đảm bảo. Do đó, chỉ xảy ra một trận mưa lớn là đất đá từ các bãi thải trôi tràn xuống, bồi lấp nhiều ruộng lúa, hồ cá, đất nông nghiệp, khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ chưa được hai bên thống nhất, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Mưa lớn là xảy ra bồi lấp
Gia đình anh Hồ Văn Thiểu, ở thôn Húc Thượng, xã Húc, huyện Hướng Hóa canh tác trên 3 thửa ruộng, hai thửa rộng, mỗi thửa có diện tích chừng 2.000 m2. Trước khi trồng lúa nước, anh Thiểu phải đầu tư thuê máy cải tạo đất. Trung bình một năm canh tác 2 vụ cũng đủ gạo cho gia đình ăn. Tuy nhiên, vụ mùa này, anh Thiểu chỉ thu hoạch được hơn 1 tạ lúa từ thửa ruộng nhỏ, hai thửa còn lại có diện tích lớn đã bị đất đá bồi lấp nặng, không thể canh tác được.
Lý giải nguyên nhân việc đất đá bồi lấp ruộng, anh Thiểu kể, năm 2021 khi Nhà máy điện gió Tài Tâm (thuộc Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị) triển khai xây dựng các trụ điện gió ở phía trên ruộng của mình tại thôn Tà Ri 2, xã Húc, anh đã có ý kiến về việc sẽ ảnh hưởng đến ruộng lúa, nhưng phía công ty trả lời là việc xây dựng nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng. “Đến nay, sau khi dự án xây xong thì đúng như tiên lượng của tôi từ trước, đất, đá ở khu vực trên dự án tràn xuống ruộng của tôi mỗi khi có mưa lớn”, anh Thiểu bức xúc nói.
Theo anh Thiểu, tình trạng bồi lấp ruộng do đất đá các bãi thải của dự án điện gió tràn xuống xảy ra từ năm ngoái. Khi các trụ điện gió dựng lên, để lại bãi thải lớn phía trên ruộng chưa được lu lèn, gia cố kỹ lưỡng nên dẫn đến lượng lớn đất đá từ các bãi thải này trôi xuống, vùi lấp phần lớn diện tích ruộng lúa, hồ nuôi cá của người dân sống gần khu vực có dự án điện gió. Các diện tích đất sản xuất này bị đất đá, bùn lầy vùi lấp không thể canh tác được, một số diện tích lúa bị bồi lấp nhẹ thì lúa cho năng suất rất thấp.
“Tháng 7 năm 2021, lúa của gia đình tôi đang lên xanh, cao khoảng 20 cm, thì chỉ sau vài ngày mưa lớn, đất kèm đá ở bãi thải tràn xuống, lấp hết lúa. Tôi có kiến nghị với chính quyền, UBND xã đã đến kiểm tra, yêu cầu người của Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị đi cùng để thống kê thiệt hại, nhưng đến thời điểm này, sau gần 1 năm, vẫn chưa đi đến thống nhất. Bây giờ ruộng bị lấp dày cả mét, cứ mưa là bị lấp thêm, trong khi công ty điện gió nói chỉ bồi thường 1 sào (khoảng 500 m2) là 16 triệu đồng nên tôi không đồng ý. Bởi chừng đó tiền không đủ để khắc phục hậu quả trước mắt, chứ chưa nói thiệt hại mấy vụ liền”, anh Thiểu nói thêm.
Tình trạng đất đá ở bãi thải của các dự án điện gió trôi tràn xuống, vùi lấp nhiều diện tích ruộng lúa, hồ nuôi cá và đất sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa không phải là lần đầu. Tình trạng này cứ mưa lớn liên tiếp là xảy ra, gây nhiều ảnh hưởng cho người dân sống quanh khu vực có dự án.
Hàng chục hộ dân bị thiệt hại chưa được bồi thường
Theo Chủ tịch UBND xã Húc Hồ Văn Ka Rai, sau khi các dự án điện gió đi vào vận hành thương mại thì đến nay vẫn còn một số chưa gia cố các bãi thải một cách đảm bảo. Do đó, cứ sau mỗi đợt mưa lớn là lại có diện tích đất sản xuất của bà con bị bồi lấp. Người dân bị ảnh hưởng thì lại kiến nghị với chính quyền, xã chỉ còn cách gửi cho phía công ty điện gió, sau đó phối hợp để thống kê. Nhưng việc bồi thường, hỗ trợ là do công ty thỏa thuận với người dân, có người thì đồng ý, người thì không, dẫn đến không thống nhất được”, ông Ka Rai cho biết.
Cũng theo ông Ka Rai, đến thời điểm này, qua thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn xã Húc còn khoảng hơn 31 hộ bị bồi lấp ruộng, đất sản xuất nhưng chưa được bồi thường, hỗ trợ. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục có văn bản, đề nghị công ty điện gió phối hợp để sớm thống nhất, chi trả cho người dân, để bà con tái sản xuất, ổn định cuộc sống.
Còn trên địa bàn xã Tân Liên, tại thôn Cheng, hiện cũng còn 11 hộ gia đình có ruộng lúa, đất sản xuất bị bồi lấp từ mùa mưa năm 2021 do bãi thải của dự án Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1 (thuộc Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh). “Địa phương đã phối hợp với phía công ty đo đạc, xác định thiệt hại và đề xuất hỗ trợ, tuy nhiên, hiện công ty đang xin ý kiến, nên việc bồi thường chưa biết bao giờ được thực hiện”, Chủ tịch UBND xã Tân Liên Nguyễn Tân thông tin.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, sau khi đi kiểm tra thực tế, huyện đã làm việc với các chủ đầu tư của các dự án điện gió gây ra tình trạng bồi lấp ruộng, đất sản xuất của người dân. Phía UBND huyện đề nghị, Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh và Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị phối hợp với các địa phương nhanh chóng xác định thiệt hại của người dân để thực hiện bồi thường, hỗ trợ.
“Việc chi trả, hỗ trợ không chỉ thực hiện đối với những thiệt hại hiện tại, mà phải tính toán bồi thường, hỗ trợ trong vòng 5 - 6 vụ đối với những diện tích thiệt hại nặng và có thể tiếp tục bị ảnh hưởng. Phía các chủ đầu tư cơ bản đồng ý và sẽ đẩy nhanh tiến độ chi trả cho người dân. Đồng thời, huyện cũng đề nghị các công ty có dự án điện gió sớm gia cố các bãi thải đảm bảo an toàn, trồng cây ở các khu vực đã quy hoạch”, ông Lê Quang Thuận cho biết thêm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 dự án điện gió đã hoàn thành, đưa vào vận hành. Ngoài ra, có 12 dự án đang trong quá trình thi công. Với những biến đổi khí hậu như hiện nay, thời tiết cực đoan sẽ diễn ra, dự báo trên địa bàn tỉnh tiếp tục có các đợt mưa lớn kéo dài. Nếu những bãi thải của các dự án điện gió không được lu lèn đảm bảo thì chắc chắn sẽ tái diễn tình trạng đất, đá trôi tràn vùi lấp đất sản xuất của người dân quanh khu vực có dự án. Không những thế, trong quá trình triển khai thi công, không ít dự án điện gió đã tác động tiêu cực đến môi trường, nguy cơ xảy ra sạt lở rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)