Ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, chị Hồ Thị Hạnh (sinh năm 1995) được biết đến là một trong những chi hội trưởng phụ nữ năng động, luôn hết lòng với chị em hội viên. Không những thế, bằng sự nhạy bén, chị đã mở ra một hướng phát triển kinh tế mới trên quê hương vùng cao còn nhiều khó khăn của mình.
Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt Hồ Thị Hoa vui vẻ giới thiệu: “Dù là người dân tộc Bru - Vân Kiều, không có nhiều cơ hội tiếp xúc với sự tiến bộ như dưới miền xuôi nhưng chị Hạnh rất nhạy bén, năng động, biết làm kinh tế hiệu quả tại địa phương.
Ngoài ra, chị cũng là chi hội trưởng gương mẫu, nhiệt tình với công tác hội. Tinh thần trách nhiệm vì tập thể đã giúp chị luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Gắn bó và dành nhiều tâm huyết trong công tác hội, chị đã tạo được niềm tin đối với hội viên trong chi hội và góp phần đưa phong trào phụ nữ thôn Tà Rụt 2 chuyển biến tích cực”.
Khi được hỏi về “bí quyết” dẫn dắt Chi hội phụ nữ thôn Tà Rụt 2, xã Tà Rụt thời gian qua, chị Hạnh cho hay: “Làm chi hội trưởng, có được lòng tin của chị em là điều quan trọng nhất. Khi đã tin, chị em sẽ nghe theo, hành động theo, hoạt động, phong trào cũng từ đó mà đi lên”. Năm 2021, từ hội viên phụ nữ, chị được mọi người tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng.
Ở độ tuổi còn khá trẻ, gánh trên vai trọng trách lớn, chị Hạnh cho biết bản thân gặp nhiều áp lực. “Các chị đi trước đã làm rất tốt nên tôi lo mình sẽ không thể đảm đương nổi công việc. May mắn là trong những năm qua, tôi nhận được sự ủng hộ, dõi theo của các chị, các mẹ. Chỗ nào làm tốt, mọi người động viên; chỗ nào chưa tốt thì kịp thời góp ý để tôi thay đổi. Tôi cũng vừa làm, vừa tự rút kinh nghiệm cho mình”, chị Hạnh kể.
Chi hội phụ nữ thôn Tà Rụt 2 hiện có 90 hội viên. Dưới sự dẫn dắt của chị, các hoạt động, phong trào của Chi hội phụ nữ thôn đều được triển khai sôi nổi, hiệu quả. Một trong số đó phải nhắc đến cuộc vận động “5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN phát động.
Trước hết, bản thân chị chủ động nêu gương, thực hiện tốt tiêu chí trong cuộc vận động; khuyến khích các thành viên trong gia đình tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường từ trong nhà cho đến ngoài ngõ. Tiếp đó, chị Hạnh chủ động dành thời gian trò chuyện, chia sẻ để nắm bắt tâm tư, tình cảm, đề xuất của chị em phụ nữ trong thôn và vận động mọi người làm theo.
Cuộc vận động đã góp phần cải thiện điều kiện sống của hội viên, phụ nữ, không những giúp chị em vươn lên xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc mà còn góp phần rất lớn trong việc xây dựng tổ chức hội.
Ngoài ra, chị cũng tích cực tham mưu, linh hoạt điều chỉnh hình thức tổ chức sinh hoạt chi hội, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều chị em có thể bố trí công việc, sắp xếp thời gian tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị lồng ghép tuyên truyền đến hội viên những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chương trình, dự án, mô hình sản xuất hiệu quả để mọi người học hỏi; vận động chị em phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ trong thôn từng bước được nâng lên, phong trào phụ nữ ngày càng phát triển.
Bận rộn với công tác hội nhưng chị Hạnh vẫn dành thời gian để vun vén, chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, phát triển kinh tế hộ hiệu quả. Trên diện tích gần 1,5 ha, vợ chồng chị đầu tư trồng xen kẽ các cây hoa màu như kiệu, cà, ớt... Theo chị, đây là những loại cây dễ trồng, có khả năng kháng bệnh tốt, dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch kéo dài, hiệu quả kinh tế và năng suất lại cao hơn nhiều lần so với sắn, ngô.
Vào mùa vụ, vợ chồng chị còn tạo việc làm cho một số lao động nhàn rỗi trên địa bàn. Gia đình chị mở một cơ sở nhỏ chuyên bán mặt hàng nông sản nhà trồng; đồng thời thu mua thêm bầu, bí, chuối của người dân các vùng lân cận, thu hút lượng lớn khách hàng ghé đến mua mỗi ngày. Chị Hạnh cho hay, chỉ riêng mô hình này, vợ chồng chị tiết kiệm được từ 20 - 30 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, chồng chị còn có nguồn thu nhập ổn định từ công việc chạy xe dịch vụ. Nhờ đó, vợ chồng chị đã vượt qua những khó khăn ngày đầu mới ra ở riêng, xây dựng được nhà cửa kiên cố; có tiền trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà, nuôi các con ăn học.
“Từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, tôi thấy rằng, cần cố gắng, kiên trì học hỏi những kiến thức mới và không lùi bước trước khó khăn, chắc chắn việc thoát khỏi đói nghèo sẽ không còn là trở ngại nữa”, chị Hạnh bộc bạch.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)