Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Quảng Trị có lực lượng cán bộ nữ chiếm gần 50%, do đó việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ luôn được cấp ủy, lãnh đạo chuyên môn và công đoàn quan tâm thực hiện tốt. Nhờ đó, vai trò, vị thế của nữ cán bộ, viên chức, người lao động (CB,VC,NLĐ) trong đơn vị ngày càng được khẳng định; tỉ lệ cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng cao. Những năm qua, đội ngũ CB,VC,NLĐ nữ của NHCSXH từ tỉnh đến cơ sở tự tin khẳng định và phát huy hết khả năng trong mọi lĩnh vực công tác để đồng hành với sự phát triển của đơn vị.
Chị Tô Thị Như (sinh năm 1978) là người dân tộc Pa Kô, công tác và gắn bó với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đakrông từ những ngày mới thành lập. Từ đó đến nay, chị đã trải qua nhiều vị trí công tác, trong đó có nhiệm vụ tín dụng, kế toán và thủ quỹ. Hơn 20 năm gắn bó với NHCSXH, chị Như luôn coi đây là mái nhà thứ 2 của mình, cùng đồng nghiệp tận tâm cống hiến để đưa đồng vốn chính sách đến với các bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện Đakrông.
Công việc thủ quỹ cũng rất bận rộn, nhưng hằng ngày chị đã sắp xếp hoàn thành tốt công việc để cùng tham gia hoạt động giao dịch xã thường xuyên tại các điểm giao dịch xã kể cả ngày nghỉ cuối tuần.
Địa bàn huyện Đakrông rộng, các xã cách nhau khá xa, đường đi lại khó khăn là những cản trở không nhỏ đối với chị. Trước đây, khi các con còn nhỏ, khó khăn đó lại nhân lên gấp bội lần.
Chị xác định công việc của mình làm và gắn bó là một sự may mắn mà không phải người dân tộc thiểu số nào cũng có được. Do vậy, chị luôn cố gắng sắp xếp công việc gia đình chu toàn để yên tâm công tác, không làm ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan.
Trong công tác tín dụng, chị Như luôn bám sát địa bàn, cho vay đúng đối tượng, đúng quy trình, thủ tục quy định của ngành, đôn đốc kịp thời những món nợ xấu, lãi đọng và kiểm tra định kỳ thường xuyên công tác sử dụng vốn vay.
Với công việc kế toán, thủ quỹ, chị Như thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, hằng năm chị được tập thể và lãnh đạo cấp trên đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Khó khăn lớn nhất của một thủ quỹ là về thời gian.
Do yêu cầu công việc, có những lúc chúng tôi phải làm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Mặc dù cơ quan tạo điều kiện nghỉ bù nhưng tôi không yên tâm bàn giao kho quỹ. Vì thế, buổi sáng tôi phải dậy thật sớm, sắp đặt mọi thứ đâu vào đấy để khi đi làm không vướng bận việc nhà”, chị Như chia sẻ.
Bên cạnh điểm chung của phụ nữ là phải đảm bảo cân bằng giữa gia đình và công việc, phụ nữ ngành ngân hàng nói chung, NHCSXH nói riêng vất vả hơn do đặc thù nghề nghiệp. Điều đó đặt ra áp lực không nhỏ đối với nhiều chị em, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực không ngừng để vượt qua.
Thấu hiểu những khó khăn đó, Ban nữ công Công đoàn NHCSXH tỉnh Quảng Trị tham mưu đề xuất với công đoàn cơ sở quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho chị em; triển khai nhiều phong trào thi đua từ tỉnh đến huyện.
Các phong trào thi đua được nữ CB,VC,NLĐ toàn ngành tích cực hưởng ứng. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương nữ cán bộ, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có các sáng kiến cải tiến trong công việc và chỉ đạo điều hành.
Những năm qua, đơn vị đã phát động CB,VC,NLĐ là đoàn viên công đoàn nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến nhằm mang lại hiệu quả cao trong công việc. Mặc dù bận rộn với công việc gia đình và chuyên môn, nhiều nữ CB,VC,NLĐ vẫn tích cực hưởng ứng.
Là chủ nhân và đồng chủ nhân của nhiều sáng kiến, cải tiến được Hội đồng khoa học NHCSXH công nhận, chị Trương Thị Thỏa, Phó Giám đốc phụ trách Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Gio Linh, chia sẻ: “Thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh có 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp chi nhánh được nghiệm thu đạt loại giỏi và 96 sáng kiến, cải tiến do chị em làm tác giả và đồng tác giả đã được công nhận. Tôi là tác giả và đồng tác giả 9 sáng kiến, cải tiến được trung ương công nhận. Điều hạnh phúc nhất của một cán bộ nữ là những cống hiến của mình được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả trong hoạt động chuyên môn đối với đơn vị. Chính vì vậy, tôi cùng các đồng nghiệp luôn hưởng ứng phong trào thi đua do đơn vị phát động với tâm nguyện cống hiến hết mình cho công việc, cho tập thể”.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Gio Linh hiện có dư nợ tín dụng chính sách xã hội đứng thứ 3 toàn tỉnh, đạt 650 tỉ đồng, chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao, tỉ lệ nợ quá hạn chiếm 0,01%/dư nợ.
Đạt được kết quả trên, với vai trò người đứng đầu, chị Thỏa trực tiếp chỉ đạo các tổ nghiệp vụ thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, kế hoạch tài chính, động viên cán bộ, nhân viên hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, chị không nề hà trong công việc, thường xuyên cùng các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện về cơ sở để nắm bắt tình hình hoạt động tại các điểm giao dịch xã cũng như việc sử dụng vốn của hộ dân để đưa ra những chỉ đạo, điều hành trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội phù hợp với từng địa bàn dân cư.
Là phụ nữ làm công tác quản lý trong điều kiện chồng công tác xa nhà (chồng làm ở Trạm Kiểm lâm khu vực A Bung, huyện Đakrông) chị Thỏa cũng gặp những khó khăn nhất định. Tuy vậy, chị luôn nỗ lực cố gắng thu xếp, vượt qua mọi khó khăn thách thức, kể cả khó khăn trong công tác và trong gia đình để cống hiến hết mình trong công việc.
Theo ông Phan Văn Pháp, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở NHCSXH tỉnh, bên cạnh thực hiện tốt công việc chuyên môn, nữ CB,VC,NLĐ ngân hàng còn tích cực tham gia ủng hộ chương trình an sinh xã hội của địa phương và các cấp công đoàn phát động. Chị em luôn được đơn vị quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ; lựa chọn và giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện để kết nạp Đảng cũng như tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp. Những chị em được đề bạt vào các chức danh lãnh đạo đều thể hiện được năng lực của mình và đảm đương tốt công việc được giao.
Có thể nói, ở lĩnh vực nào, nữ CB,VC,NLĐ của NHCSXH đều luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao bằng tình yêu nghề và sự nhiệt huyết với công việc.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)