Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông có những nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, lễ hội, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống riêng, tạo nên tính phong phú, đa dạng và độc đáo của nền văn hóa cộng đồng. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng miền núi của tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, là nguồn lực cho phát triển KT-XH, trong đó lấy giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô làm điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch vùng miền núi của tỉnh phát triển, tạo việc làm cho phụ nữ đồng bào DTTS.
Xã Tà Long, huyện Đakrông có 4 dân tộc đoàn kết sinh sống, trong đó đồng bào Vân Kiều chiếm hơn 95% tổng dân số. Với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng, phong phú và độc đáo đã tạo nên nét đẹp riêng cần được bảo tồn, đồng thời là tiềm năng để khai thác hình thành các sản phẩm du lịch mang lại giá trị lớn hỗ trợ người dân, nhất là phụ nữ phát triển kinh tế.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, ngành quan tâm thực hiện, tạo điều kiện để đồng bào DTTS của xã phát triển KT-XH. Nhờ đó, những năm qua, xã Tà Long đã có nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương.
Làm nên những thành quả đó, vai trò và vị trí của hội viên phụ nữ (HVPN) luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Trong thời gian qua, đã huy động HVPN tham gia đóng góp quan trọng trong hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch. Hội LHPN xã đã có nhiều hoạt động thiết thực như: vận động chị em tham gia bảo tồn lễ hội truyền thống, xây dựng các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian...
Từ việc bảo tồn các nét văn hóa truyền thống trong lao động như: xúc cá, làm nông nghiệp, hay nấu các món ăn đặc sắc để tạo ra các sản phẩm hàng hóa như: cheo cá, nếp than, các món bánh truyền thống... không chỉ duy trì văn hóa dân tộc đặc sắc còn giúp phụ nữ làm quen với thị trường, dần hình thành hoạt động buôn bán sản phẩm.
Đặc biệt, từ những nét đẹp truyền thống chị em đã tìm tòi học hỏi các giải pháp để hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái thông qua hoạt động của Tổ hợp tác du lịch suối A Lao, suối Pa Cha. Khu Du lịch suối A Lao, suối Pa Cha từng bước được giới thiệu, xây dựng thành tour du lịch, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, nhờ đó đã tạo việc làm thời vụ cho hơn 20 chị em dân tộc Vân Kiều.
Ngoài ra, chị em cũng nỗ lực tìm tòi để khôi phục truyền thống để giới thiệu, quảng bá nét đẹp trang phục thổ cẩm của đồng bào Vân Kiều đến với khách hàng trong và ngoài nước. Qua đó, không chỉ tạo việc làm cho thợ may nữ trên địa bàn mà cũng tạo thêm những sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long Hồ Thị Thương cho biết: Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch đã tạo ra cho phụ nữ DTTS nhiều cơ hội giao lưu để mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức, đồng thời tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Từ đó, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng được nâng lên, những vấn đề về bất bình đẳng giới một phần cũng nhờ vậy mà dần được giải quyết”.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc trong thời gian qua được các cấp hội phụ nữ trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh thực hiện tốt một phần là nhờ gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động trong HVPN như: Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Quảng Trị thời đại mới có kiến thức, có đạo đức, có sức khỏe, yêu nước, nghĩa tình, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”...
Công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng bảo tồn, phát huy đồng bộ, hài hòa văn hóa giữa các dân tộc. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được phát huy.
KT-XH phát triển, trình độ học vấn và dân trí được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, trật tự an ninh xã hội được đảm bảo, bình đẳng giới và đại đoàn kết dân tộc được thực hiện... góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương. Kết quả đạt được của công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS có sự đóng góp to lớn của HVPN bởi phụ nữ các dân tộc là lực lượng chính trực tiếp tham gia vào các hoạt động gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Để nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống phục vụ phát triển kinh tế, thời gian tới, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân nói chung và HVPN nói riêng về các giá trị văn hóa, nhất là các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Từ đó, có ý thức tự bảo vệ, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Tích cực tổ chức các chương trình giao lưu, liên hoan văn hóa, văn nghệ, học tập kinh nghiệm giữa các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, HTX sản xuất kinh doanh các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các dân tộc. Xây dựng các mô hình cụ thể tại các chi hội phụ nữ trong thực hiện các cuộc vận động, chương trình, đề án có liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá các mô hình, hình ảnh, các gương điển hình tiên tiến của phụ nữ trong hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch... Cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể tại cơ sở và phát huy vai trò của người có uy tín, cá nhân am hiểu trong xây dựng các hoạt động văn hóa văn nghệ, các nội dung sinh hoạt cộng đồng, phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống và tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Tạo điều kiện cho hội phụ nữ cơ sở trong xây dựng kế hoạch hoạt động có tích hợp các nội dung kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa trong điều kiện hiện nay. Có như thế mới tạo cơ chế thuận lợi cho hội phụ nữ cơ sở phát huy tốt vai trò của mình trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)