Sau những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tham gia nghĩa vụ quốc tế, ông Lê Xuân Phi giải ngũ với tỉ lệ thương tật 85%. Trở về đời thường với đôi chân đã mất nhưng bằng nghị lực và ý chí vươn lên, ông khiến nhiều người khâm phục bởi không chỉ chăm chỉ làm ăn phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái thành người, ông còn sống tình nghĩa, luôn nghĩ đến đồng đội và những người xung quanh.
Trong lần tác nghiệp tại sự kiện đoàn công tác của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh vào làm việc tại Quảng Trị đầu năm 2022, chúng tôi có dịp tháp tùng đoàn đến thăm, tặng quà gia đình thương binh hạng 1/4 Lê Xuân Phi. Ấn tượng ban đầu, ông Phi là người cởi mở, hiền hòa. Một ngày đầu tháng 5/2022, tôi về thăm ông tại tư gia ở Khóm 9, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).
2 lần bị thương trong chiến đấu
Ông Phi sinh năm 1958 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bố mẹ ông nuôi giấu bộ đội. Anh trai tham gia lực lượng du kích và hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Em trai của ông hiện là Bí thư Đảng ủy xã Hải Trường, huyện Hải Lăng. “Tiếp bước truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình, năm 20 tuổi, tôi đi bộ đội. Những ngày đầu trong quân ngũ, tôi tham gia huấn luyện tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Sau đó, chúng tôi được điều động vào Quân khu 9 để bảo vệ Tổ quốc, chiến đấu chống lại quân Khơ me đỏ tại biên giới Tây Nam”, ông Phi nhớ lại.
Tháng 1/1979, ông Phi và đồng đội tham gia nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Trong quá trình chiến đấu, ông bị thương và được đưa về Bệnh viện Quân y 115 của Bộ Quốc phòng (TP. Hồ Chí Minh) để chữa trị. Sau khi sức khỏe hồi phục, ông lại trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.
Tháng 11/1980, trong một lần cùng đồng đội tiến đánh tàn quân Pôn pốt tại vùng giữa biên giới Campuchia và Thái Lan, ông giẫm phải mìn của địch khiến một chân bị mìn phá nát, chân còn lại cũng bị thương nặng. Chiến trường biên giới lọt thỏm giữa rừng sâu núi thẳm nên phải mất 5 ngày, đồng đội mới đưa ông đến được Trung đoàn 214. Nơi đây có sân bay dã chiến nên ông được đưa lên máy bay trực thăng để chuyển về cấp cứu tại Bệnh viện Phnôm Pênh.
Sau đó, ông được đưa về điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 của Bộ Quốc phòng (TP. Hồ Chí Minh). “Lúc bị thương giữa rừng, điều kiện y tế hạn chế nên khi đến được bệnh viện, chân còn lại của tôi bị hoại tử. Bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ phần hoại tử đi. Thành ra, tôi bị cụt cả 2 chân. Lúc đó, tôi rất hoang mang và xuống tinh thần vì biết mình không còn tiếp tục chiến đấu được nữa. Song, tôi vẫn thấy mình rất may mắn vì còn sống để trở về trong khi rất nhiều đồng đội đã hy sinh nơi vực sâu, rừng thẳm xứ người”, ông Phi tâm sự.
Sau 6 tháng điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, ông Phi được chuyển về an dưỡng tại Đoàn 784, Quân đoàn 4, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) rồi tiếp tục chuyển về an dưỡng tại Đoàn 581, Quân khu 4. Đầu năm 1982, ông về khu điều dưỡng thương binh Đông Hà, Quảng Trị. Năm 1988, Nhà nước có chủ trương đưa thương binh nặng về an dưỡng tại gia nên ông tình nguyện về quê nhà.
Gầy dựng cuộc sống mới với đôi chân giả
Nếu vừa gặp lần đầu, hẳn ít người nghĩ ông Phi là thương binh hạng 1/4 với 2 chân bị cụt, bởi ông đi đứng rất nhẹ nhàng, khoan thai. Để làm được như vậy, ông phải mất một thời gian dài làm quen, tập luyện với đôi chân giả. Chỉ tay vào đôi chân giả, ông cười nhẹ rồi nói: “Đôi chân giả này đã nuôi sống tôi và gia đình. Nhờ có nó mà tôi được sống, làm việc gần như người bình thường”.
Đó là lời nói khiêm nhường, bởi vì người dân quanh vùng đều biết và nể phục những việc ông Phi đã làm. Chuyện làm ăn của ông bắt đầu từ năm 1988. Trở về quê hương với thân thể không còn lành lặn, song người thương binh dạn dày trận mạc này không mảy may có ý nghĩ tự ti hay mặc cảm. Ngày đêm ông tính chuyện làm ăn, đưa đời sống gia đình ngày càng đi lên. “Nếu làm nông thì sức tôi không kham nổi. Làm các công việc nặng nhọc lại càng không. Suy đi tính lại thì chỉ có kinh doanh là khả dĩ hơn cả”, ông Phi quả quyết.
Những năm 90 của thế kỷ XX, người dân trên địa bàn huyện Hải Lăng chủ yếu làm nghề nông và rà tìm phế liệu chiến tranh. Vì thế, lúc bấy giờ, ông Phi tập tễnh đi dò hỏi, thu mua phế liệu của người dân để bán cho các đại lý; thu mua lúa của nông dân, các hợp tác xã quanh vùng rồi bán sĩ cho các cơ sở xay xát lúa gạo. Ít lâu sau, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng tăng cao, ông đặt vấn đề với chính quyền xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng thuê bãi đất trống bên sông Ô Lâu để làm bãi tập kết cát sạn. Tại đây, ông thu mua cát sạn, vật liệu xây dựng sau đó bán cho các cơ sở xây dựng và những người có nhu cầu.
Năm 2003, vì hoàn cảnh gia đình nên ông chuyển nhà từ xã Hải Trường đến sinh sống tại thị trấn Hải Lăng (cũ). Ngôi nhà mới nằm gần trường học và các cơ quan, trụ sở làm việc của chính quyền nên vợ chồng ông mở quán cơm bình dân. Hằng ngày, vợ chồng ông người đi chợ, người nấu cơm để phục vụ thực khách. Nhiều hôm, phải đi lui đi tới nhiều nên đôi chân của ông nhức mỏi, sưng tấy. Song, ông thấy vui và hạnh phúc vì vẫn còn sức khỏe để lao động. 2 năm trước, ông Phi đóng cửa quán cơm để dành thời gian chăm sóc vợ sau khi vợ ông bị ốm nặng.
Trong ngôi nhà khang trang, bề thế, bà Nguyễn Thị Chức, vợ ông Phi chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 4 người con và 5 đứa cháu. Tôi hay đau ốm, ông ấy là thương binh nên để nuôi các con thành người không phải là việc dễ dàng gì. Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống để có được như ngày hôm nay. Mặc dù không giàu có về vật chất, nhưng niềm hạnh phúc lớn của chúng tôi là con cái đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm để nuôi sống gia đình. Các cháu đều chăm ngoan, vâng lời ông bà, cha mẹ”.
Nghĩa tình với đồng đội
Năm 2003, khi chính quyền địa phương có chủ trương nâng cấp, xây dựng chợ Diên Sanh, ông Phi đề xuất với lãnh đạo xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng xây dựng bãi giữ xe trong khuôn viên chợ và tạo điều kiện để các thương binh trên địa bàn huyện được làm nhân viên giữ xe. Một năm sau, chợ Diên Sanh được xây dựng và sau đó hoàn thành, đưa vào sử dụng. 6 thương binh trên địa bàn huyện Hải Lăng được tạo điều kiện làm việc giữ xe tại chợ. Ông Phi làm quản lý bãi giữ xe từ năm 2004 - 2021.
“Trước đó, chợ Diên Sanh cũ nằm đối diện với đình làng Diên Sanh nên người dân tự bỏ xe ở phía sau đình làng. Sau khi chợ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, phương tiện được gửi vào bãi giữ xe gọn gàng, đảm bảo an ninh trật tự hơn. Anh em thương binh cũng có công ăn việc làm với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng”, ông Phi cho hay.
Tôi cùng ông Phi đi ra chợ Diên Sanh. Tại bãi giữ xe, chúng tôi gặp thương binh hạng 1/4 Phan Văn Thọ, trú tại Khóm 1, thị trấn Diên Sanh. Ông Thọ làm việc giữ xe từ nhiều năm nay. Vợ của ông cũng buôn bán hàng tạp hóa tại chợ Diên Sanh. “Tôi sức khỏe yếu, không làm được công việc nặng nhọc. Vợ tôi buôn bán nhỏ lẻ tại chợ. Gia đình còn nhiều khó khăn. Nhờ có anh Phi hỗ trợ, giúp đỡ nên tôi và nhiều người khác có công ăn việc làm để cải thiện thu nhập, trang trải cuộc sống. Không chỉ giúp chúng tôi có việc làm, anh còn thường xuyên thăm hỏi, động viên anh em thương binh nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Anh Phi là vậy, luôn sống trọn vẹn với gia đình và nghĩa tình với đồng đội”, ông Thọ chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)