Cô gái 9X người Việt lọt top Forbes Under 30 châu Á

Thanh Mai |

Nhà sáng chế trẻ gốc Việt, Uyên Trần tìm ra phương pháp tái sử dụng phụ phẩm vỏ tôm kết hợp bã cafe thành chất liệu thay thế cho da thuộc.

 

Mới đây, tạp chí Forbes công bố danh sách những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á năm 2022 lần thứ 7 (The Forbes Under 30 Asia Class of 2022). Một trong 5 đại diện của Việt Nam góp mặt trong danh sách này là nhà thiết kế, nhà nghiên cứu vật liệu Uyên Trần - đồng sáng lập TômTex. Tháng 2 vừa qua, cô cũng có mặt trong danh sách 25 người trẻ lọt top Under 30 năm 2022, do Forbes Việt Nam công bố.

Uyên Trần
Uyên Trần


Uyên Trần sinh ra tại Đà Nẵng, sống và làm việc ở Mỹ được 10 năm. Cô tốt nghiệp thạc sĩ ngành thiết kế thời trang tại Parsons The New School of Design, trường đại học chuyên về nghệ thuật và thiết kế lớn nhất tại New York, Mỹ. Cô được biết đến là nhà nghiên cứu vật liệu và thiết kế thời trang, từng làm việc tại các hãng thời trang như Ralph Lauren, Alexander Wang và Peter Do. 

Uyên Trần thành lập TômTex với ý tưởng tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra loại vật liệu sinh học thay thế da, hướng tới sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường.

“Mình sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Nẵng - nơi có rất nhiều rác thải dệt may cũng như quần áo cũ. Mình đã mặc đồ “second-hand” trong suốt quãng thời gian trưởng thành và hầu như tất cả những món đồ đó đều đến từ các quốc gia châu Âu và Mỹ”, cô chia sẻ với Trí thức trẻ.

Mong muốn tìm ra một loại vật liệu thân thiện với môi trường, cô quyết định theo học thạc sĩ vật liệu sinh học tại trường Đại học thiết kế Parsons. Mất một năm mày mò, phiên bản đầu tiên của vật liệu TômTex ra đời.

 

Năm 2012, Uyên Trần chuyển đến sinh sống và học tập tại Mỹ. Ở đây, cô làm việc như một nhà thiết kế tự do cho những cái tên lớn như Alexander Wang và Peter Do. Tuy nhiên, cô đã tạm dừng công việc thiết kế thời trang để bước vào con đường nghiên cứu, theo học Thạc sĩ ngành Thiết kế vật liệu. 

Uyên Trần bộc bạch: “Mình đã chung sống và trải nghiệm chất liệu vải tổng hợp trong suốt những năm làm việc cho loạt nhà mốt danh tiếng, tuy nhiên, mình chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về Đà Nẵng và những chất độc, rác thải mà quê nhà sẽ phải hứng chịu. Và tất cả thôi thúc mình bắt đầu dự án thiết kế với chất liệu sinh học”.

“Mình nghĩ về tất cả những gì gợi nhắc đến quê hương như nhà máy hải sản gần ngôi nhà cũ hay thậm chí bã cà phê mà chính bản thân đã từng vứt bỏ mỗi buổi sáng”, cô nói thêm.

Uyên Trần cho biết, chất thải của ngày hôm nay hoàn toàn có thể trở thành nguồn tài nguyên thô cho tương lai. Hành tinh của chúng ta đang được vận hành với nhiều điểm bất cập. Nguồn tài nguyên tạo hóa ban tặng có giới hạn nhưng đến nay chúng ta đang dần cạn kiệt. 

Uyên Trần chia sẻ: “Sự tiêu thụ tài nguyên quá mức khuyến khích mình tìm cách lấy lại những gì chúng ta còn có thể từ chất thải. Song song với việc cung cấp những lợi ích nhất định cho môi trường, mình thành lập TômTex như một dấu hiệu cho sự thay đổi trong “mối quan hệ” của chúng ta đối với chất liệu của thời trang, tránh xa những nguồn cung cấp một chiều với quy trình sản xuất và vứt bỏ sản phẩm mà thay vào đó, tạo ra sự xoay vòng trong việc tìm kiếm chất liệu.

Việc thu hoạch những nguyên liệu thay thế như vỏ thuỷ, hải sản và bã cà phê từ dòng chất thải sinh hoạt trở nên hợp lí hơn bao giờ hết, nhất là khi chúng sẽ cung cấp chức năng tự phân huỷ”.

Ít ai biết, Uyên Trần từng bị bố mẹ phản đối khi quyết định theo nghề liên quan đến nghệ thuật. Cô tiết lộ, bố mẹ lo sợ cô không đảm bảo được kinh tế nếu chọn nghề này. Tuy nhiên, việc lọt top Forbes Under 30 châu Á đã giúp cô thuyết phục được bố mẹ khi được tuyển chọn vào làm thực tập sinh ở Ralph Lauren (một công ty thời trang nổi tiếng) vào năm thứ 2 đại học và đảm bảo có việc ở Ralph sau khi ra trường.

Công ty TômTex của Uyên Trần tập trung sản xuất thế hệ chất liệu sinh học mới đến từ hai nguồn nghiên cứu chính là Chitin (được dẫn xuất từ vỏ thuỷ/hải sản và sợi nấm) song song với bã cà phê.  Với hai vật liệu này, TômTex sẽ tồn tại dưới hình thức một nhà cung cấp sản phẩm da thân thiện với môi trường cho thời trang, thay thế da động vật và da tổng hợp.

Uyên Trần đã tìm ra phương pháp tái sử dụng phụ phẩm vỏ tôm kết hợp bã cafe thành chất liệu thay thế cho da. Hợp chất được tạo ra có thể tùy chỉnh để giống với da, cao su hay nhựa bằng cách điều chỉnh tỷ lệ và cách sản xuất.

Điểm đặc biệt của TômTex là tạo nên từ 100% thành phần có nguồn gốc sinh học mà không phải qua quá trình thuộc da. Quá trình này để xử lý da của động vật, làm vật liệu bền hơn và khó bị phân hủy hơn, tuy nhiên gây suy thoái môi trường do sử dụng những hóa chất độc hại. Vật liệu được dùng để làm quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện, đồ nội thất, dụng cụ và thiết bị thể thao. Khi hết tuổi thọ, sản phẩm có thể được tái chế hoặc tự phân hủy trong môi trường tự nhiên.

“Nếu chúng ta dành thời gian nhìn vào những số liệu thống kê, mỗi năm, 17 triệu tấn rác từ hải sản và bã cà phê sẽ bị đẩy ra những bãi đất trống và vô tình, chúng trở thành những bãi rác khổng lồ. Cách chúng ta xử lý chất thải vẫn rất vụng về và thiếu sự tổ chức. Mặt khác, thiên nhiên lại có khả năng trả lại những thứ con người nghĩ là 'rác thải' cho hệ sinh thái, mang đến một 'sự sống' mới cho một nguồn nguyên liệu hữu cơ mà từ trước đến nay luôn bị coi là rác thải”, nhà thiết kế lọt top Forbes Under 30 châu Á bộc bạch.

“Mình nghĩ khát vọng thành công trong khởi nghiệp là điều tốt đẹp, luôn song hành với tính mục đích. Tuy nhiên, nó phải gắn liền với các vấn đề về năng lực quản trị. Bên cạnh sự sáng tạo, đột phá với hoài bão to lớn, mình có nền tảng kiến thức cơ bản và am hiểu về thị trường.

 

Ngoài ra, mình luôn tự hỏi có điều gì còn thiếu sót trong nỗ lực và năng lực của bản thân cần bổ sung, hoàn thiện để nắm bắt cơ hội dẫn đến thành công. Trong tiến trình kiến tạo những giá trị chung trên lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và lợi ích về môi trường, chúng ta luôn có thể lựa chọn. Mình muốn tạo dựng được doanh nghiệp đề cao giá trị con người và đặt trách nhiệm bảo vệ môi trường lên hàng đầu”, nhà nghiên cứu vật liệu Uyên Trần nói.

Uyên cho biết, việc tìm ra vật liệu không chỉ đến từ khát vọng thành công còn đến từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình tạo nên. "Tôi muốn tạo dựng được doanh nghiệp đề cao giá trị con người và đặt trách nhiệm bảo vệ môi trường lên hàng đầu", cô nói.

TômTex cùng Uyên Trần đã liên tục đem về nhiều “chiến tích” ấn tượng, trong đó có CFDA K11 Innovation, Forbes Under 30 Việt Nam, Giải thưởng Phát triển Ý tưởng và huy động được 1,7 triệu USD và gần đây nhất là Forbes Under 30 châu Á. 

TômTex đang ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển, nhận đầu tư 1,7 triệu USD với trị giá công ty 10 triệu USD. "Tôi cũng khá chật vật trong việc thành lập công ty, nhưng tôi cảm thấy may mắn khi vẫn nhận được sự ủng hộ và quan tâm", cô nói với VnExpress.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

10 chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống đuối nước trẻ em

BT |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 10 nội dung cần tập trung tăng cường phòng chống đuối nước trẻ em.

17 thực phẩm chống lão hóa, trẻ hóa làn da

Trung Hiếu |

Để làn da luôn trẻ khỏe thì bạn không nên bỏ qua những loại thực phẩm có lợi sau đây.

3 học sinh Việt Nam nhận giải thưởng danh giá thế giới nhờ sáng chế mũ cách ly di động

Thanh Mai |

Cả 3 học sinh đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva, Thụy Sĩ trao tặng danh hiệu Đại sứ giới trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO.

Sáng chế từ lòng hiếu thảo

Trương Quang Hiệp |

Với tình thương ba vô bờ, Lê Văn Hóa (sinh năm 1994), trú tại thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã sáng chế một chiếc xe lăn đa năng dành tặng người ba bị liệt tứ chi. Món quà ý nghĩa ấy đã và đang được cậu nâng cấp, phát triển, sản xuất đồng loạt để giúp những người không may mắn được khỏe mạnh, lành lặn.