Sáng chế từ lòng hiếu thảo

Trương Quang Hiệp |

Với tình thương ba vô bờ, Lê Văn Hóa (sinh năm 1994), trú tại thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã sáng chế một chiếc xe lăn đa năng dành tặng người ba bị liệt tứ chi. Món quà ý nghĩa ấy đã và đang được cậu nâng cấp, phát triển, sản xuất đồng loạt để giúp những người không may mắn được khỏe mạnh, lành lặn.

Quà tặng ba

Chúng tôi ghé thăm nhà Lê Văn Hóa vào một ngày gió Lào quạt lửa. Vừa bước vào nhà, hơi nước từ chiếc quạt công suất lớn nhanh chóng giúp lau khô những giọt mồ hôi. Vừa nghe lời trầm trồ, ông Lê Văn Hiếu (65 tuổi), ba của Hóa giới thiệu ngay, chiếc quạt này là do con trai út làm. Nghe ba than nóng, Hóa đã bắt tay mày mò sáng chế. “Mấy năm qua, sáng chế gì của cháu cũng là để phục vụ tôi. Thằng Hóa ít nói, ngại thể hiện tình cảm. Lẳng lặng vậy mà nó đã làm vợ chồng tôi bao lần vui đến trào nước mắt”, ông Hiếu nở nụ cười chia sẻ.

Mọi ý tưởng sáng tạo của Lê Văn Hóa đều bắt nguồn từ lòng hiếu thảo đối với ba - Ảnh: Q.H
Mọi ý tưởng sáng tạo của Lê Văn Hóa đều bắt nguồn từ lòng hiếu thảo đối với ba - Ảnh: Q.H

Tuy bị liệt tứ chi đã nhiều năm nhưng ông Hiếu rất lạc quan. Điều đó một phần nhờ sự hiếu thảo của con trai đã tiếp thêm sức mạnh giúp ông vượt qua thử thách khắc nghiệt nhất của cuộc đời. Năm 2003, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông Hiếu quyết định vào Nam tìm kế mưu sinh. Trong lúc đang bươn bả ở xứ người, một vụ tai nạn giao thông đã khiến ông lâm vào cảnh tật nguyền. Ông Hiếu kể: “Sau khi bệnh viện trả về, vợ tôi đã đi vay tiền lo hậu sự cho chồng. May mắn được sống nhưng cái giá phải trả hết sức đắt. Tôi vĩnh viễn nằm một chỗ. Hằng ngày, thấy ba chảy nước mắt nhìn ra cửa sổ, thằng Hiếu đến bên, nói là sẽ sáng chế ra chiếc xe lăn đa năng tặng tôi. Tưởng đùa, ai dè nó làm thật”.

Nghe ba trò chuyện với khách một hồi lâu, Hóa mới từ tốn mở lời. Hóa kể, ai cũng bảo cậu viễn vông khi nghe ý tưởng về chiếc xe lăn đa năng dành cho người khuyết tật. Điều đó không lạ bởi lúc ấy, Hóa chỉ mới lên lớp 9, không tiền, không kiến thức, kinh nghiệm… Để đi đến đích, cậu phải mất hơn 1.000 ngày công mày mò, sáng tạo. Hôm cậu “trình làng” chiếc xe lăn giúp người khuyết tật có thể ngồi lẫn nằm, có hệ thống mát xa, điều khiển bằng đầu…, ai cũng ngạc nhiên. Bất ngờ hơn, Hóa còn sáng chế ra hệ thống ròng rọc, đòn bẩy, thuận tiện đưa ba từ giường sang xe lăn. “Để làm nên sản phẩm, em đã phải lắp vào, tháo ra, rồi làm lại từ đầu cả trăm lần. Cả nhà đều sốt ruột, lo lắng vì thấy em cứ dán mắt vào máy tính, suốt ngày đi lùng sục thiết bị ở các cửa hàng phế liệu cũ, rồi mày mò một mình”, Hóa kể.

Qua một quãng đường dài nỗ lực, hạnh phúc lớn nhất đối với Hóa là thấy ba có thể rời khỏi giường nhờ sự hỗ trợ của máy móc, rồi di chuyển thuận tiện bằng xe lăn. Ông cười nói, ăn uống nhiều hơn. Một niềm vui không nhỏ khác đối với Hóa là với sản phẩm mình sáng tạo, cậu đã đạt giải Nhất hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh và giải ba toàn quốc. Câu chuyện đằng sau sản phẩm của nam sinh trường làng khiến rất nhiều người xúc động.

Khởi nghiệp từ xe lăn

Sau khi chiếc xe lăn đa năng đầu tiên ra đời, Hóa bắt đầu nghĩ đến những người đồng cảnh ngộ với ba mình và người thân của họ. Từ sâu trong trái tim, Hóa muốn nhân lên niềm hy vọng, niềm vui và tình yêu thương của gia đình mình với nhiều người. Đó chính là lý do thôi thúc cậu quyết định chọn những bộ đồ bảo hộ lấm lem, thấm đẫm mồ hôi làm bạn đồng hành đi đến tương lai. Cậu tin, những chiếc xe lăn sẽ mở lối khởi nghiệp cho mình.

Cũng như mọi người, Hóa biết, ngày nay, những chiếc xe lăn dành cho người khuyết tật đang được chào bán rất nhiều với đa dạng mức giá thành, mẫu mã, tiện ích… Vì thế, để được lựa chọn, xe lăn ra đời từ bàn tay Hóa phải khác biệt và giải quyết nhiều “rào cản” đối với người khuyết tật. Quyết đạt mục tiêu, Hóa theo học chuyên ngành cơ khí của Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế nơi đã giúp cậu thỏa thuê sống với đam mê và sự sáng tạo. Hóa làm lại chiếc xe lăn mới cho ba, rồi lấy sản phẩm cũ vào Huế tháo tung ra, cải tiến, đổi mới… Sau khi thấy chiếc xe lăn mình sáng tạo ra có nhiều điểm vượt trội hơn so với các sản phẩm cùng loại, Hóa bắt đầu tính đến chuyện khởi nghiệp. Thế nhưng, đối với một chàng sinh viên từ quê ra phố, vấn đề đầu tiên vẫn là: “Tiền đâu?”. Hóa từng gõ cửa nhiều nơi, ai cũng khen ngợi sản phẩm, sự nỗ lực, lòng hiếu thảo của cậu. Thế nhưng, không người nào đủ can đảm để đi cùng Hóa. Một lần vô tình theo dõi chương trình “Thương vụ bạc tỉ”, niềm hy vọng được nhen lên trong lòng Hóa.

Lê Văn Hóa chăm chút cho từng chiếc xe lăn đa năng dành cho người khuyết tật - Ảnh: Q.H
Lê Văn Hóa chăm chút cho từng chiếc xe lăn đa năng dành cho người khuyết tật - Ảnh: Q.H

Đến trường quay chương trình “Thương vụ bạc tỉ” với chiếc xe lăn, Hóa đã kể với 5 nhà đầu tư nổi tiếng ở Việt Nam về câu chuyện của ba mình và sản phẩm ra đời từ tấm lòng hiếu thảo. Thế nhưng, Hóa sớm nhận ra, đây không phải là chương trình từ thiện. Điều nhà đầu tư cần nhất vẫn là tính khả thi, lợi nhuận mà sản phẩm mang lại. Ngay sau đó, Hóa đã thể hiện bản lĩnh của người kêu gọi đầu tư thông qua cuộc thương thuyết. Trên cả sự kỳ vọng của Hóa, “thương vụ” của cậu đã nhận được cái gật đầu của 3 nhà đầu tư lớn với số tiền “tiếp sức” lên đến 1 tỉ đồng. Hai nhà đầu tư khác cũng hứa sẽ hỗ trợ Hóa nếu cậu cần giúp đỡ. “Trước khi đối mặt với 5 nhà đầu tư, em rất lo lắng, mô hôi cứ vã ra như tắm. Trước em, nhiều bạn đã ra về với sự thất vọng. Cuối cùng, em không ngờ các nhà đầu tư lại ủng hộ mình nhiều như vậy”, Hóa bộc bạch.

Bước ra từ chương trình “Thương vụ bạc tỉ” với những kỳ vọng của nhà đầu tư, Lê Văn Hóa tiếp tục bước trên con đường đã chọn. Rời ghế giảng đường, bỏ qua những cơ hội việc làm ổn định, cậu trở về quê mở một xưởng sản xuất nhỏ. Từ số tiền hỗ trợ ban đầu của chương trình “Thương vụ bạc tỉ”, Hóa đã làm ra những sản phẩm dễ sản xuất, dễ sửa chữa, có giá thành thấp hơn trước kia nhiều lần. Đặc biệt, chiếc xe lăn đa năng có thêm ngày càng nhiều tiện ích như giúp người khuyết tật tự đứng, nằm; mát xa toàn thân; vệ sinh cá nhân; che mưa, che nắng… Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tìm đến với Hóa và đặt mua xe lăn với giá từ 9 - 14 triệu đồng. Ai cũng hài lòng với sản phẩm này.

Hiện tại, Hóa đang ngày đêm tập trung sản xuất đồng loạt xe lăn đa năng dành cho người khuyết tật. Đây là bước đi khởi đầu cho kế hoạch chinh phục thương trường của chàng trai có tấm lòng hiếu thảo này. Hơn ai hết, Hóa biết, chặng đường trước mắt sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng cậu tin mình sẽ vượt qua. Bởi, trên hành trình mới, cậu đã có trong tay nhiều thứ và đặc biệt là không hề đơn độc.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Người phụ nữ nhiệt huyết, nhân hậu

Mỹ Hằng |

Không chỉ là một cán bộ năng động, giỏi giang trong công tác, chị Trần Thị Thu Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Linh (Quảng Trị) còn được biết đến là người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, luôn sẵn lòng đem yêu thương chia sẻ với mọi người.

Khánh thành nhà tình nghĩa thờ Mẹ Việt Nam anh hùng và Liệt sỹ

Phan Vĩnh |

Ngày 13/7, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp với Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị) trang trọng tổ chức Lễ khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa để thờ cúng Mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Vân ở thôn Thủy Ba hạ, xã Vĩnh Thủy.

Đứng lên từ thất bại

Trúc Phương |

Từng gặp thất bại ngay trong lần đầu khởi nghiệp, thế nhưng với sự cần cù, chịu khó cùng ý chí vươn lên mạnh mẽ, anh Phan Dũng (sinh năm 1984), ở thôn Tân Xuân, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã thành công với mô hình gia trại tổng hợp cho thu nhập mỗi năm hơn 150 triệu đồng.

Nhiều suất quà quê từ vùng “rốn lũ” gửi vào Thành phố Hồ Chí Minh

Quang Hiệp |

Ngày 12/7/2021, Hội LHPN và Đoàn Thanh niên xã Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã chuyển gần 50 triệu đồng và hơn 5 tấn rau, củ, quả, gạo cùng các vật phẩm thiết yếu khác vào Thành phố Hồ Chí Minh để chia sẻ những khó khăn do COVID-19 gây ra.