Từng nhiều lần đối diện với cái chết, anh Lê Văn Tuấn (sinh năm 1985), trú tại Khu phố 3, phường Đông Giang, TP. Đông Hà (Quảng Trị) luôn trân quý từng ngày đang sống. Vượt qua mọi khó khăn, anh đã sở hữu một “gia tài” với nhiều tấm huy chương tại các giải đấu thể thao người khuyết tật.
Tạo nên kỳ tích cho cuộc đời mình
Mấy ngày nay, ngôi nhà nhỏ của anh Lê Văn Tuấn dường như nhộn nhịp hơn. Hay tin anh Tuấn mang về 5 chiếc huy chương từ giải vô địch quốc gia thể thao người khuyết tật năm 2024, mọi người đến thăm hỏi, chúc mừng rất đông. Sự quan tâm ấy khiến anh Tuấn và tất cả thành viên trong gia đình đều xúc động. Không ai ngờ, một người từng nhiều lần chết đi, sống lại có thể tạo nên kỳ tích cho cuộc đời mình.
Trò chuyện với đôi mắt rưng rưng, bà Mai Thị Phấn, mẹ anh Tuấn kể về người con trai có số phận đặc biệt này. Trong 6 người con, ông bà vất vả với anh Tuấn nhất. 6 tháng sau khi chào đời, anh đã phải nhập viện cấp cứu. Thấy tình hình không mấy khả quan, các bác sĩ xác định tinh thần “còn nước, còn tát” và đã nghĩ đến kết cục xấu nhất. Thế mà, sau 3 tháng nằm viện, anh Tuấn hồi phục trong sự ngạc nhiên của mọi người.
Sau vụ việc ấy, cuộc sống của gia đình bà Phấn yên ả trôi. Vợ chồng bà chăm chỉ bám 7 sào ruộng và bươn bả đi làm thuê để lo liệu cho đàn con thơ. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ông bà không một câu than vãn. Từng thấy con đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, hai người hiểu thứ gì đáng giá nhất trong cuộc đời này. Thế nhưng, biến cố lại một lần nữa đến khiến vợ chồng bà Phấn đứng ngồi không yên.
Năm 6 tuổi, anh Tuấn bất ngờ lên cơn động kinh. Những cơn bệnh xuất hiện với tần suất ngày càng dày khiến anh hiếm có một ngày bình yên trọn vẹn. Mỗi lần bị động kinh, toàn cơ thể anh co rúm đến tội nghiệp. Lo lắng, vợ chồng bà Phấn lại ôm con đến bệnh viện. Tin bệnh của anh Tuấn không thể chữa trị dứt điểm như một tiếng sét đánh ngang tai hai vợ chồng. Những ngày sau đó, dù uống thuốc đều đặn nhưng anh Tuấn vẫn lên cơn liên tục. Có lần, anh vật lộn, rồi chạy quanh xóm nhỏ khiến ai cũng lo sợ.
Bệnh tật đẩy anh Tuấn đến thực tại đau lòng là phải nghỉ học để không làm ảnh hưởng đến những bạn khác. Từ đó, cuộc sống của anh chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà nhỏ. Sự suy sụp tinh thần làm bệnh tình anh Tuấn diễn biến nặng thêm. Đến giờ, vợ chồng bà Phấn không thể nhớ hết số lần con chết đi, sống lại. “Lần mà tôi ám ảnh nhất là năm Tuấn 20 tuổi. Sau khi lên cơn, cháu đột nhiên cấm khẩu, bị liệt hoàn toàn, nằm dài như người sắp chết. Tuấn nằm một chỗ suốt 2 tháng trời như thế rồi bất ngờ tỉnh dậy. Thấy tôi khóc, nó cũng khóc theo”, bà Phấn kể.
Thể thao là nguồn sáng
Trong những người từng quen biết anh Tuấn, hiếm ai tin chàng trai con nhà nghèo, lại hay đau ốm, bệnh tật này có thể đổi thay vận mệnh. Trái ngược mọi người, anh Tuấn chưa bao giờ đánh mất niềm tin. Thực ra, hơn ai hết, anh biết mình hầu như chỉ có “điểm trừ”. So với bạn bè đồng trang lứa, anh Tuấn cũng thua thiệt đủ điều vì không được học hành đến nơi, đến chốn. Thế nhưng, anh nghĩ, nếu mất đi niềm tin thì bản thân sẽ không còn gì nữa. Từ nhỏ, thấy ba mẹ chịu quá nhiều vất vả vì mình, anh Tuấn luôn muốn làm điều gì đó để bù đắp. Vì vậy, anh không thể mất đi niềm tin vào cuộc sống.
Trong tháng ngày đi tìm lời giải cho cuộc đời, anh Tuấn vô tình quen biết một số vận động viên thể thao người khuyết tật. Nhìn những khiếm khuyết trên cơ thể họ, anh nhận ra, mình vẫn còn may mắn. Vì thế, khi nhận lời mời tham gia tập luyện, dự thi các giải đấu thể thao dành cho những người không may mắn, anh ngay lập tức đồng ý. Anh muốn mở ra một trang mới cho cuộc đời mình.
Ngay sau đó, anh Tuấn tức tốc về nhà để xin phép ba mẹ. Ban đầu, ba mẹ anh lo lắng khuyên con suy nghĩ lại. Từng nhiều lần thấy anh Tuấn đứng trước cửa tử, ông bà nghĩ con mình không đủ sức khỏe để tham gia các giải đấu thể thao. Hơn nữa, hai người lo, bệnh động kinh của con có thể trở nặng, rồi dẫn đến những chuyện không mong muốn. Khuyên bảo nhiều nhưng cuối cùng, hai người cũng phải xuôi lòng trước quyết tâm quá lớn của con.
Về sau, khi vào tập luyện, anh Tuấn mới biết những lời khuyên của ba mẹ là có cơ sở. Suốt mấy chục năm sống với thuốc và những cơn động kinh, sức khỏe của anh bị ảnh hưởng rất nhiều. Chỉ chạy vài vòng quanh sân tập, anh Tuấn đã cảm thấy đôi chân mình run rẩy. Thế nhưng, anh vẫn bền bỉ tập. Anh Tuấn đặt mục tiêu cụ thể, nâng sức chống chịu lên từng ngày, rồi bắt đầu làm quen với các bộ môn thi đấu. Nói về sức mạnh giúp mình vượt qua thử thách, anh Tuấn chia sẻ: “Khi đến với thể thao người khuyết tật, tôi cảm thấy đã tìm được ánh sáng của đời mình. Vì thế, tôi không muốn đánh mất nguồn sáng ấy”.
Tặng huy chương cho người đồng cảnh
Đón nhận những lời chúc mừng, anh Tuấn cho biết, tại giải vô địch quốc gia thể thao người khuyết tật năm 2024 vừa diễn ra vào cuối tháng 4 ở TP. Hồ Chí Minh, đoàn Quảng Trị xếp thứ 3 ở bộ môn điền kinh và bắn cung. Với 5 tấm huy chương, anh là một trong những vận động viên có đóng góp lớn, làm nên thành công chung của đoàn. “Biết mình tranh tài với nhiều vận động viên mạnh nên em chỉ biết cố gắng hết sức. Em rất vui khi đoạt 3 Huy chương Vàng cá nhân và 2 Huy chương Bạc đồng đội”, anh Tuấn nói.
Tính đến nay, anh Tuấn đã có gần 11 năm gắn bó với các giải thi đấu thể thao người khuyết tật cấp tỉnh và toàn quốc. Mỗi chuyến lên đường tranh tài đều để lại cho anh rất nhiều kỷ niệm đẹp. Trong đó, câu chuyện về tấm huy chương đầu tiên luôn khiến anh nhớ mãi. Theo dòng hoài niệm, anh Tuấn kể: “Em tham gia giải thi đấu đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội. Trước đêm thi, cảm giác hồi hộp, lo lắng khiến em không tài nào ngủ được. Khi nhận được tấm Huy chương Bạc đầu tiên của đời mình, em đã rơi nước mắt. Tại giải đấu đầu tiên này, em giành được 2 Huy chương Bạc”.
Thành tích đầu tiên ấy đã giúp Tuấn thêm tin vào bản thân. Từ đây, anh nhân đôi sự quyết tâm, nỗ lực và sớm thành công trong việc đổi màu huy chương. Không những thế, anh còn thử sức, rồi chinh phục những bộ môn mà lâu này mình vẫn cho rằng không phải là thế mạnh của bản thân. Nhờ vậy, hầu như năm nào tham gia, anh Tuấn cũng mang về ít nhất 3 tấm huy chương. Đến giờ, anh không thể nhớ chính xác số huy chương mình từng sở hữu. Bởi, ngoài số huy chương được cất giữ, treo trang trọng trong tủ kính ở nhà, anh còn tặng lại nhiều tấm cho các vận động viên và những người khuyết tật khác. Anh Tuấn tin, món quà nhỏ này có thể sẽ mang lại ý nghĩa lớn, thậm chí làm thay đổi cuộc đời một ai đó.
Ngoài những tấm huy chương, từ ngày tham gia các giải đấu thể thao người khuyết tật, cuộc sống anh Tuấn có thêm nhiều điều ý nghĩa. Đặc biệt, anh đã thực hiện được mong muốn lớn nhất là xua đi phần nào những nỗi buồn lo trong lòng ba mẹ. Chính điều này khiến anh Tuấn thêm trân quý cuộc đời và luôn thầm cảm ơn cơ hội sống mà mình có được. Anh tự nhủ sẽ nỗ lực hơn nữa trong tập luyện, thi đấu để mang niềm vui, vinh quang về cho quê hương, gia đình và chính mình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)