Gio Linh là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nghệ thuật, khảo cổ của tỉnh Quảng Trị. Thời gian qua, huyện đã quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo chống xuống cấp các di tích. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, việc phân cấp quản lý còn nhiều bất cập và vướng mắc đã khiến cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích gặp nhiều khó khăn.
Di tích cấp quốc gia lăng mộ Trần Đình Ân ở thôn Hà Trung, xã Gio Châu có hai tầng mái với lối kiến trúc mang đặc điểm của nghệ thuật kiến trúc lăng mộ quan lại thế kỷ XVII - XVIII. Cấu trúc tổng thể lăng gồm: cổng lăng, vòng thành ngoại, bình phong, ba vòng uynh tạo ra bái lăng và tẩm lăng/ nhà mồ.
Đây là công trình kiến trúc mang nhiều ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa nghệ thuật. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều phần của lăng mộ Trần Đình Ân đã xuống cấp nặng. Để chống xuống cấp di tích, thời gian qua, chính quyền địa phương và con cháu dòng họ Trần Đình làng Hà Trung đã nỗ lực huy động nguồn lực sửa chữa phần nền lăng, phát quang xung quanh khu lăng. Khu di tích này nằm ở khá xa khu dân cư, đường đi lại khó khăn và hiện vẫn chưa được cắm biển thông tin di tích, nhiều phần công trình có dấu hiệu hư hỏng.
Phó Chủ tịch UBND xã Gio Châu Nguyễn Minh Tùng cho biết: “Dù rất quan tâm nhưng địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực để duy tu, tôn tạo khu lăng mộ Trần Đình Ân. Địa phương mong muốn chính quyền các cấp, cơ quan liên quan sớm tạo điều kiện hỗ trợ sửa chữa, tôn tạo lại di tích lịch sử quốc gia này để đưa vào hoạt động tham quan, giới thiệu cho thế hệ trẻ hiểu biết về di tích lịch sử quốc gia nhiều ý nghĩa này”.
Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Đình làng Hà Thượng ở thị trấn Gio Linh đã tồn tại hơn 300 năm. Đây là công trình kiến trúc dân gian cổ kính, nổi bật và được bảo tồn, giữ gìn tương đối nguyên vẹn. Tuy nhiên, trải qua bề dày lịch sử tồn tại, một số phần như mái ngói liệt, các bức tường và hệ thống cột, kèo gỗ ở khu đình chính đã xuống cấp, thấm dột.
Dù đã được chính quyền địa phương, người dân làng chung tay đóng góp sửa chữa, chống xuống cấp nhưng do kinh phí hạn hẹp nên việc tôn tạo vẫn còn nhiều hạn chế. Với trầm tích, ý nghĩa lịch sử, văn hóa của công trình kiến trúc độc đáo này, nhà nước cần sớm quan tâm hỗ trợ kinh phí để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị một cách tương xứng.
Trên địa bàn huyện Gio Linh hiện có tổng số 77 di tích, địa điểm di tích thành phần được xếp hạng và phân cấp quản lý (54 di tích lịch sử; 21 di tích văn hóa nghệ thuật và 2 di tích khảo cổ). Trong đó có 5 di tích, địa điểm di tích thành phần di tích cấp quốc gia đặc biệt; 19 di tích, địa điểm di tích thành phần di tích cấp quốc gia; 53 di tích cấp tỉnh.
Về phân cấp quản lý: có 5 di tích, địa điểm di tích do tỉnh quản lý; 34 di tích, địa điểm di tích thành phần do huyện quản lý và 38 di tích do xã quản lý. Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn huyện đã quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp cho 4 di tích.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng đang triển khai đầu tư bảo tồn, tôn tạo 6 di tích theo Kế hoạch 26/KH-UBND tỉnh ngày 16/2/2022 của UBND tỉnh với tổng kinh phí 1.840 triệu đồng, trong đó xã hội hóa 20%. Thực hiện kế hoạch, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho UBND các xã, thị trấn có liên quan và Ban Quản lý dự án, Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện làm chủ đầu tư.
Các địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ đã tổ chức họp dân, cộng đồng dân cư có liên quan triển khai cam kết đóng góp 20% nguồn xã hội hóa theo kế hoạch, đã nhận được sự đồng tình thống nhất cao và tiến hành các bước lập thủ tục đầu tư tôn tạo các di tích theo kế hoạch. Có di tích được người dân khởi công lấy ngày mấy tháng rồi, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí 80% ngân sách để thực hiện. Vì vậy hiện chưa có di tích nào được trùng tu, tôn tạo theo kế hoạch.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gio Linh Phùng Chương Nam cho biết: Quá trình triển khai công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Gio Linh còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Đa số di tích cấp tỉnh (49/53) trước đây được công nhận nhưng không có hồ sơ di tích, nhiều di tích ở dạng phế tích (41/53).
Việc phân cấp quản lý di tích còn nhiều bất cập, thiếu cụ thể, rõ ràng và chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn cho công tác quản lý. Một số di tích loại hình lịch sử chưa được xác định vị trí chính xác (địa điểm ghi dấu chiến công “Bạch Đằng trên sông Hiếu); một số di tích loại hình khảo cổ chưa được cơ quan có thẩm quyền xác định quy mô diện tích (di tích lò rú Bàu Đông, xã Gio Mai và tháp Chăm An Xá, xã Trung Sơn) nên chưa có cơ sở lập hồ sơ pháp lý di tích.
Nhiều di tích cấp tỉnh (20/53) được công nhận trước đây nằm trong đất của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng, không có quỹ đất để đo vẽ lập hồ sơ pháp lý. Nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được đầu tư; kinh phí tôn tạo, bảo tồn từ ngân sách nhà nước còn hạn chế; một số di tích khi có nguồn đầu tư tôn tạo lại vướng cơ sở pháp lý...
Để giải quyết thực trạng này, ông Nam kiến nghị cần quy định phân cấp quản lý di tích rõ ràng, phù hợp với thực tế, phát huy giá trị di tích, đồng thời phù hợp với quản lý di tích cho từng loại hình di tích cụ thể. Cơ quan có thẩm quyền sớm xác định vị trí và quy mô diện tích của di tích để làm cơ sở cho việc giải quyết quỹ đất, đồng thời tiến hành đo vẽ lập hồ sơ pháp lý.
Cần có chủ trương chỉ đạo thống nhất, bố trí kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng để dành quỹ đất đối với các di tích nằm trong đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng. Quan tâm dành kinh phí để sớm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo 6 di tích trên địa bàn huyện Gio Linh theo Kế hoạch 26/KH-UBND tỉnh ngày 16/2/2022 của UBND tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)