Cũng như nhiều bạn trẻ Lào, Suaykham Vongxaoloi (sinh năm 1998) ở huyện Vapi, tỉnh Salavan đã vượt khoảng cách về biên giới, địa lý và mọi rào cản sang Quảng Trị để thực hiện giấc mơ của mình. Trên hành trình tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết đó, cô luôn cảm nhận sâu sắc về tình nghĩa Việt - Lào.
Mở lối cho ước mơ
Những ngày đầu hè, bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Triệu Phong dường như mệt mỏi hơn vì phải vật lộn với cả căn bệnh lẫn cái nóng. Trong bầu không khí ấy, sự có mặt của Suaykham Vongxaoloi và các sinh viên thực tập khác như một luồng gió mới, trong lành. Ai cũng vui khi được các sinh viên lớp Dược K5, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị tận tình thăm hỏi, hỗ trợ. “Cảm ơn cuộc đời đã cho em cơ hội được học tập, giúp đỡ mọi người như thế này”, Suaykham Vongxaoloi nói với nụ cười trên môi.
Suaykham Vongxaoloi ước mơ trở thành dược sĩ từ lúc còn là một cô bé thích chơi đồ hàng. Thế nhưng, từng có thời gian, cô không dám đặt niềm tin vào ước mơ ấy. Chính hoàn cảnh khó khăn đã bào mòn niềm tin của Suaykham. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em, tuổi thơ của cô quen với những bữa cơm độn khoai, sắn. Dẫu làm việc quần quật nhưng ba mẹ Suaykham Vongxaoloi chưa bao giờ ngớt nỗi lo con thiếu ăn, thiếu chữ. Mỗi tối, bên ánh đèn dầu, nhìn con say sưa với nét chữ, ông bà nén tiếng thở dài. Những vất vả của cuộc sống cùng nỗi lo toan khiến sức khỏe ba mẹ Suaykham Vongxaoloi giảm sút. Thương ba mẹ, cô dấy lên mong ước trở thành dược sĩ để chăm sóc sức khỏe cho ba mẹ và dân bản.
Theo ngày tháng, ước mơ trở thành dược sĩ càng lớn lên trong Suaykham Vongxaoloi. Cô nhận ra, không chỉ ba mẹ mình mà phần lớn dân bản đều ngại đến bệnh viện mỗi khi đau ốm vì sợ tốn tiền. Bà con quen với việc vào rừng tìm các loại cây thuốc mà mọi người truyền tai nhau, chứ chưa được kiểm định khoa học. Lúc bệnh tình nặng hơn, họ mới tìm đến quầy mua thuốc tây về dùng. Muốn trở thành dược sĩ để giúp ba mẹ và dân bản nhưng Suaykham Vongxaoloi biết ước mơ ấy khó trở thành hiện thực. Ở quê hương cô, chi phí trang trải để theo học y dược khá lớn. Trong lúc đang rối bời suy nghĩ, Suaykham vô tình gặp hai sinh viên vừa từ Việt Nam về nước. “Các anh chị khuyên em nên sang Quảng Trị học dược vì môi trường ở đây tốt, chi phí lại không quá cao. Nghe thế, niềm hy vọng như được thắp lên trong lòng em”, Suaykham Vongxaoloi nói.
Nghe con chia sẻ về mong muốn sang Việt Nam học dược, ban đầu, ba mẹ Suaykham Vongxaoloi không đồng ý. Ông bà sợ một cô bé người Lào lâu nay chỉ quẩn quanh ở bản làng khó hòa nhập với cuộc sống ở một đất nước mới. Để thuyết phục ba mẹ, Suaykham phải mất cả tháng trời. Vì thế, khi nhận giấy báo từ Bộ Giáo dục Lào, cô vui như một đứa trẻ. Ngày lên đường, hành trang của cô chỉ có vỏn vẹn 5 kg gạo, 3 bộ áo quần, cuốn từ điển Việt - Lào và khoản tiền ba mẹ tích cóp bấy lâu. Biết những thử thách đang chờ mình phía trước nhưng Suaykham không ngại. Cô tin, ước mơ của mình sẽ đơm hoa, kết trái ở đất nước bạn.
Vượt mọi rào cản
Gặp Suaykham Vongxaoloi, ít người nghĩ cô đến từ Lào. So với nhiều lưu học sinh, vốn tiếng Việt của Suaykham khá dày. Trong cuộc chuyện trò, cô luôn biết cách lồng ghép một cách tinh tế những câu từ giàu hình ảnh, cảm xúc. Ít ai biết, ngày mới sang Việt Nam, Suaykham từng có thời gian dài lo lắng vì tiếng Việt. Đến lúc bắt tay vào học, cô mới hiểu sâu sắc câu nói mà các anh chị khóa trước thường truyền tai nhau: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Suaykham Vongxaoloi kể: “Đó là thời gian đầy hoang mang đối với em. Lúc ở trong nước, em có thành tích học tập tốt. Vì thế, em luôn tin, sẽ không có gì là khó khăn đối với mình. Suy nghĩ ấy thay đổi hẳn từ lúc em học tiếng Việt”.
Tất nhiên, ngoài tiếng Việt, còn rất nhiều điều khiến những sinh viên ngày đầu đặt chân tới một đất nước mới như Suaykham Vongxaoloi phải lo lắng. Rời Lào sang Việt Nam cùng đợt với Suaykham có hơn 30 bạn. Trước đó, tất cả học sinh đều xa lạ với nhau nên không ai sớm mở lòng. Vì thế, những ngày đầu, nỗi nhớ người thân, quê hương cuộn trào trong lòng Suaykham. Mỗi lần liên lạc với gia đình, nghe tiếng ba mẹ, cô chỉ muốn vượt 200 km để về bản. Những lúc như thế, níu chân Suaykham lại chính là ước mơ trở thành dược sĩ và tình cảm của giảng viên, sinh viên ở Quảng Trị.
Biết Suaykham Vongxaoloi và các sinh viên Lào khác thường gặp khó khăn trong ngày đầu sang Quảng Trị, các giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đều nhiệt tình giúp đỡ. Ngoài giờ học chính khóa, đoàn thanh niên trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa, phụ đạo để giúp sinh viên Lào tăng cường tiếng Việt. Nhiều thầy cô, sinh viên Quảng Trị mời Suaykham và các bạn về nhà mình để làm quen với phong tục, tập quán của người dân địa phương. Thậm chí, một số người còn tình nguyện dẫn cô ra chợ, đến các cửa hàng và hướng dẫn cách mua bán, thanh toán. Sự hỗ trợ đó đã tiếp thêm động lực để Suaykham Vongxaoloi và các bạn vượt qua mọi rào cản. Theo từng giờ học và những trải nghiệm mới ở Quảng Trị, tiếng Việt dần không còn là nỗi lo đối với Suaykham.
Sau gần 1 năm trau dồi tiếng Việt, Suaykham Vongxaoloi tự tin hơn khi bước chân vào học chính thức. Những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng mà các giảng viên truyền đạt như có một sức hút đặc biệt đối với cô. Mỗi lần ngồi vào bàn học, mọi buồn vui tan biến hết trong tâm trí Suaykham. Thấy cô thuộc nằm lòng từng loại thuốc, áp dụng nhanh các bài học, bạn bè đều nể phục. Dẫu vậy, Suaykham chưa bao giờ tự hài lòng với những gì đang có. Cô luôn nhắc nhủ bản thân nỗ lực nhiều hơn để trở thành một dược sĩ giỏi, trở về phục vụ người dân quê mình.
Nỗ lực nối nỗ lực, Suaykham Vongxaoloi đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Cô là một trong ba sinh viên giỏi của lớp, thường xuyên được nhà trường tuyên dương, khen thưởng. Suaykham còn được biết đến là một lớp trưởng tâm huyết, giàu trách nhiệm. Cô luôn tìm cách giúp các bạn trong lớp để cùng tiến bộ. Ngoài ra, các sinh viên Lào mới sang nhập học cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Suaykham.
Nơi trái tim ở lại
Gắn bó với mái trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị, ngoài kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, điều đọng lại trong Suaykham Vongxaoloi chính là tình cảm của thầy cô, bạn bè. Vì thế, càng gần đến ngày rời xa mái trường, những cảm xúc đặc biệt càng trào dâng trong lòng Suaykham. Cô cho biết, từ nhỏ, cũng như các bạn, mình thuộc nằm lòng câu: “Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Tuy nhiên, chỉ đến khi sang Quảng Trị học tập, Suaykham mới thực sự cảm nhận sâu sắc tình cảm sâu nặng ấy.
Theo Suaykham Vongxaoloi, không chỉ những ngày đầu sang Quảng Trị, mỗi lần cô gặp khó khăn, các giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đều nhiệt tình giúp đỡ. Suaykham vẫn nhớ như in lần ba mẹ bị tai nạn giao thông, không thể đi làm để có tiền gửi cho mình. Biết chuyện, các bạn đã gom góp lại, cho cô mượn tạm tiền. Rồi khi Suaykham mắc COVID-19, những ngày cô cách ly, các thầy cô, bạn bè thường xuyên liên lạc để thăm hỏi, động viên; hỗ trợ suất ăn; mua tặng khẩu trang, sát khuẩn… Vốn là người tinh tế nên những hành động dù được xem là nhỏ cũng đủ làm Suaykham xúc động. “Nói thật, ngoại trừ những ngày đầu làm quen với môi trường mới, em hầu như chưa bao giờ có cảm giác bất an, sợ hãi hay cô đơn kéo dài khi theo học ở Quảng Trị. Bởi, mỗi lúc gặp một vấn đề gì đó, em luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất tận tình từ thầy cô, bạn bè. Em cảm giác được che chở như đang ở trong chính ngôi nhà của mình”, Suaykham bộc bạch.
Nói về dự định tương lai, Suaykham Vongxaoloi chia sẻ mong muốn trở về quê hương để mở một quầy thuốc. Cô tự nhủ sẽ giới thiệu cho nhiều bạn trẻ Lào khác sang Quảng Trị học tập để có những trải nghiệm đẹp như mình. Trước khi thực hiện dự định ấy, Suaykham đã lên kế hoạch tiếp tục ở lại Việt Nam để theo học đại học. Suaykham Vongxaoloi tin rằng, ở đất nước mà mình luôn xem là quê hương thứ hai, cô sẽ có một chặng đường tiếp nối với nhiều niềm vui và tình yêu thương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)