PGS. TSKH Phan Thị Hà Dương được biết đến là một trong những nhà quản lý, nhà toán học nổi tiếng của Việt Nam.
Sinh ra trong gia đình tri thức nức tiếng tại Hà Nội, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương đã được tiếp xúc với Toán học ngay từ khi còn rất nhỏ. Và cho đến bây giờ, cô đã trở thành nhân tài Toán học hàng đầu của Việt Nam, tiếp tục đồng hành cùng sinh viên viết tiếp giấc mơ Toán học.
Phan Thị Hà Dương sinh năm 1973. Thời phổ thông, Hà Dương theo học tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Năm 1990, cô là thành viên nữ duy nhất của Việt Nam thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 21 tại Bắc Kinh, Trung Quốc và dành Huy chương Đồng. Sau đó, Phan Thị Hà Dương trở thành sinh viên Khoa Toán - Cơ - Tin, ĐH Tổng hợp (cũ) Hà Nội, nay là trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Năm 3 đại học, Hà Dương nhận được học bổng của Chính phủ Pháp và được xét đặc cách vào học tiếp năm thứ 4 tại ĐH Paris 6 nhờ thành tích học tập tốt.
Năm 1999, luận văn Tiến sĩ của Phan Thị Hà Dương được Hội đồng chấm luận án tại Đại học Paris 7 xếp vào loại xuất sắc. Niềm vui lớn hơn nữa đến với cô khi cùng năm, Hà Dương trúng tuyển vị trí Phó Giáo sư tại trường Đại học Paris 7 – lúc ấy cô mới 26 tuổi. Thời gian đó, khoa Tin học của Đại học Paris 7 chỉ tuyển 3 Phó Giáo sư trong khi có hơn 100 đơn ứng tuyển. Và Phan Thị Hà Dương, một cô gái Việt Nam trẻ tuổi, nhỏ bé đã vượt qua hết những người lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm hơn mình để vươn lên vị trí Top 1. Cho đến nay, Phan Thị Hà Dương là người phụ nữ Việt Nam trẻ nhất nhận học hàm này.
Để thực hiện giấc mơ toán học của mình, tháng 7/2005, cô rời vị trí là niềm ao ước của nhiều người để về Việt Nam làm cán bộ tại Viện Toán học. Hiện PGS.TS Phan Thị Hà Dương đang công tác tại phòng Cơ sở Toán học và Tin học, nghiên cứu về các thuật toán và mô hình, nhằm mở rộng phạm vi ứng dụng Toán học sang nhiều ngành khác.
Bên cạnh đó, PGS.TS Phan Thị Hà Dương còn đang là Giám đốc Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup – VinIF, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata. Cô phụ trách dẫn dắt Quỹ VinIF hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm mục đích tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam. PGS.TS Phan Thị Hà Dương được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất 2019, ở lĩnh vực khoa học – giáo dục.
Mới đây, PGS Phan Thị Hà Dương đã giảng dạy bài “Thế giới của chúng ta rộng lớn hay bé nhỏ”, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương đã chứng minh Toán học không hề khô khan, xa vời mà rất thực tế và thú vị. Phó giáo sư đã lấy ví dụ, chẳng hạn như mạng xã hội Facebook, nếu như mỗi trang Facebook là 1 điểm, 2 trang Facebook kết bạn với nhau được tính là đã kết nối. Mỗi người có thể có đến 5.000 người bạn thì như vậy những đường nối sẽ vô cùng phức tạp. Tiếp đó, đồ thị này không đều đặn vì những người có tầm ảnh hưởng sẽ có nhiều bạn bè, nhiều người theo dõi sẽ trở thành trung tâm của đồ thị, trái ngược lại với những người sống khép kín hơn, ít bạn bè và ít kết nối.
Ngoài ra, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương cũng lấy ví dụ về các dạng đồ thị khác, gồm: Đồ thị mạng lưới các đường bay: Các đỉnh là thành phố, các cạnh là các chuyến bay giữa 2 thành phố. Nếu mạng lưới càng phức tạp thì chứng tỏ hãng hàng không này càng phát triển, có nhiều đường bay; Đồ thị tình bạn: Mỗi người là một đỉnh, mỗi cạnh là một mối quan hệ. Những người có tầm ảnh hưởng, quảng giao sẽ tạo nên đồ thị phức tạp và ngược lại; Đồ thị đồng tác giả bài báo: Mỗi đỉnh là 1 nhà khoa học, 2 đỉnh sẽ nối với nhau nếu 2 nhà khoa học viết chung bài báo (hợp tác khoa học).
Sau khi phân tích ví dụ về tìm đường đi và khoảng cách tối đa, số Erdos, số Bacon hay khoảng cách Covid, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương rút ra kết luận: Tìm ra khoảng cách ngắn nhất là điều rất quan trọng. Điều này được áp dụng trong việc tìm ra các chặng bay, các hành trình tối ưu để tiết kiệm thời gian, năng lượng cho nhân loại hay xác định nhóm bệnh nhân F0 – F1 – F2… để đề ra phương pháp tránh lây lan dịch bệnh.
(Nguồn: Tổng hợp/ Phụ nữ mới)