Xưa nay, nếp nhà luôn được coi là gốc rễ nuôi dưỡng những giá trị truyền thống, đạo lý, gia phong cho các thế hệ trong gia đình.
Mỗi thành viên khi trưởng thành, dù đi khắp năm châu bốn bể vẫn luôn giữ trong mình những đức tính, phẩm chất và nét văn hóa nguồn cội ăn sâu vào tiềm thức ấy. Vì thế, bằng tình thương và trách nhiệm, nhiều gia đình vẫn luôn nỗ lực giữ gìn và tạo dựng một môi trường thuận lợi để truyền dạy, phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp, giữ trọn cho con cháu một nếp nhà.
Nếp nhà phải bắt đầu từ “chữ”
Kể về cuộc hành trình nặng gánh mưu sinh, gồng gánh nuôi các con ăn học nên người, chị Nguyễn Thị Quyên tại thôn Nam Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, không khỏi xúc động. Đó là những ngày tháng mà anh chị phải cực nhọc, làm đủ nghề để kiếm tiền cho con đi học.
Ngoài chăm sóc ba mẹ già cả, đau yếu, chị vừa làm ruộng, vừa chăn nuôi, làm xáo, rồi làm thợ để đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Khi nghe tin người con cả đậu đại học, anh chị nửa mừng, nửa lo vì còn 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Quyết để con theo đuổi tận cùng sự học, lúc ấy chồng chị đã theo con vào Nam tận 5 năm trời để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa tập trung nuôi con.
Nhờ sự tảo tần của ba mẹ, các con của chị đều học rất giỏi. Người con đầu hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Người con thứ hai là bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế, người thứ ba là kỹ sư của Tập đoàn Viettel tại TP. Đông Hà. Cô con gái út cũng đang làm nhân sự cho một tập đoàn có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh. Gia đình chị được công nhận là “gia đình cử nhân” của huyện Triệu Phong năm 2021.
Ngày người con thứ ba vào đại học là những ngày sức khỏe của chị giảm sút. Thương ba mẹ vất vả, người con cả đã xin được bảo lưu một năm đi làm nuôi em. Thế nhưng, chị kiên quyết không cho con nghỉ học, anh chị cố xoay xở để các con đều được đến trường.
Nghe chị kể về việc đồng hành với con, chúng tôi càng thấm thía thêm tấm lòng và đức hy sinh cao cả của anh chị. Chị Quyên cho biết, mặc dù mỗi đêm, việc đồng áng, lợn gà khiến cơ thể mỏi nhừ nhưng anh chị vẫn luôn ưu tiên thời gian đồng hành với con, dạy cho con những bài toán, câu hỏi khó. Là một gia đình có năng khiếu toán học, nếu các con gặp những câu hỏi hóc búa thì tối hôm ấy cả gia đình tụ họp lại, cùng nhau giải cho ra mới thôi.
Cứ mỗi tối cuối tuần, anh chị đều ngồi lại với con cái để lắng nghe những gì con học được, làm được trong tuần. Con biết được thứ gì hay, thứ gì không thích đều giải bày với bố mẹ. Từ đó, những gì con cái cần khắc phục, hay ba mẹ cần rút kinh nghiệm đều được cả gia đình chia sẻ thẳng thắn. Truyền thống ấy cũng được con cái chị áp dụng vào việc dạy những đứa trẻ của mình khi họ đã có tổ ấm riêng.
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”
Đó là những gì mà chị Võ Thị Bùi Diễm (50 tuổi), trú tại thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, luôn tâm niệm mỗi ngày. Là một gia đình Phật tử, ánh sáng của Phật giáo luôn chiếu rọi vào từng suy nghĩ, lối sống, cách hành động của mỗi thành viên trong gia đình chị. Học tập tấm gương người ba mẫu mực, suốt đời lấy tình thương người làm lẽ sống, chị Diễm đam mê việc làm từ thiện từ khi nào không hay.
“Ba mình năm nay hơn 75 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình với công việc kết nối những mảnh đời bất hạnh với các mạnh thường quân, nhà tài trợ. Vào các đợt lụt, xã Hải Hưng chìm trong biển nước, ba lặn lội nấu cơm phân phát cho từng nhà”, chị Diễm chia sẻ. Dù ông không nói nhiều về những điều các con phải làm nhưng hành động và cử chỉ nhân văn của ông luôn là động lực, là tấm gương cho tất cả anh chị em trong gia đình chị tiếp tục công việc thiện nguyện của mình. Vẫn còn đọng lại nỗi ám ảnh về đợt lũ lụt năm 2020, chị Diễm cho biết: “Càng thương bà con bao nhiêu, mình và các anh em phải quyết tâm để vận chuyển lương thực, thực phẩm đến tay họ càng nhanh bấy nhiêu để không ai phải chịu đói, chịu khát. Suốt gần nửa tháng trời ngâm mình trong mưa lũ, những người đi làm thiện nguyện ai nấy đều mệt lả người nhưng vẫn cố gắng hết sức vì những người ở vùng ngập lụt còn khổ hơn”.
Đợt đó, chị và các cộng sự đã huy động tiền của, sức lực để trung chuyển, phân phát hàng nghìn suất quà, lương thực, thực phẩm, áo phao, tiền mặt từ các đoàn cứu trợ trên cả nước hướng về miền Trung cho Nhân dân các xã vùng trũng Hải Lăng và vùng núi Hướng Hóa.
Tạo nếp nhà trong thời hiện đại
Trong các gia đình hạt nhân, việc tạo lập cho trẻ một lối sống, lối sinh hoạt và phẩm chất lành mạnh đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn ở những người làm ba, làm mẹ. Tuy nhiên, “xã hội càng phát triển, càng nhất thiết phải nuôi dạy trẻ một cách có lý trí, quy củ, kỷ luật, tạo dựng cho con bản lĩnh, ý chí và nguyên tắc sống vững vàng, làm bản lề cho những giá trị cốt lõi khi chúng trưởng thành”, đó là những chia sẻ của anh Phạm Văn Tịnh (40 tuổi), kỹ sư của một công ty xây dựng tại TP. Đông Hà.
Trao đổi với chúng tôi về cách phân bổ thời gian dành cho con, anh Tịnh cho hay: “Tùy thuộc vào khả năng và tính cách của từng bé để có phương pháp giáo dục khác nhau, tuy nhiên, vẫn nên xây dựng cho con một khuôn khổ nhất định. Ví dụ cứ 7 giờ tối, con phải ngồi vào bàn học bài. Anh chị không ép con học nhiều, nhưng phải xây dựng được một thói quen học tập, lối sống có kỷ luật”.
Không phải chỉ quan sát con học mà ba mẹ phải đồng hành, là những người bạn cùng con chinh phục kho kiến thức vô tận. Anh Tịnh tâm sự, để dạy được con cái, bản thân anh thường tìm hiểu thêm nhiều sách, báo, các nguồn tham khảo từ internet. Anh thường nghiên cứu kỹ trước bài học, tìm thêm những dạng bài nâng cao để thử thách con. Cho trẻ va chạm với những mức độ cao hơn, để xác định được năng lực của trẻ, từ đó bồi dưỡng dần dần chứ không bắt ép phải nhồi nhét thật nhiều kiến thức nằm ngoài tầm hiểu biết của con.
Anh không cấm con xem các chương trình ti vi nhưng sẽ hạn chế giờ xem và định hướng những nội dung mà con nên xem. Thay vì tập trung vào các chương trình hoạt hình, anh Tịnh đề nghị con xem các câu chuyện cổ tích, chương trình khám phá lịch sử, địa lý Việt Nam và thế giới. Theo anh, sự định hướng đó tạo cho con thói quen tìm tòi về những thứ mà con thực sự yêu thích, từ đó khích lệ, động viên sở thích của con, xây dựng cho con tinh thần ham hiểu biết, tự học, tự khám phá. Nhờ đó, khi mới học lớp 3, con gái anh đã có thể trình bày trôi chảy về các đời vua của triều đại phong kiến Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ, các vị vua của Ai Cập cổ đại…
Bên cạnh đó, anh Tịnh luôn động viên, tạo điều kiện cho con tham gia các cuộc thi, hoạt động thi đua của tập thể, tạo cho con sự chủ động, tự tin, mạnh dạn thể hiện bản thân. Con gái anh năm nay học lớp 5 đã tích cực tham gia các cuộc thi do trường, thành phố hay tỉnh tổ chức, đạt thành tích cao mà không cần sự nhắc nhở hay kèm cặp của ba mẹ. Đó thực sự là một nền tảng chắc chắn tạo dựng cho tương lai của con cái, được vun đắp từ công sức của ba mẹ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)