Cán bộ giám sát của Tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam Nguyễn Khắc Thắng, trú tại Khu phố 9, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà đã 56 tuổi.
Như những người cùng thời, ông hiểu sâu sắc sự tàn phá khốc liệt và nỗi đau do bom mìn gây ra. Trong chiến tranh, mưa bom, bão đạn giày xéo mảnh đất Gio Phong, Gio Linh quê hương ông. Hòa bình trở về, người dân nơi đây vẫn rơi máu và nước mắt vì những tiếng nổ xé lòng.
Sau khi trải qua nhiều công việc, năm 2003, ông Thắng vào làm cho Tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam. Trước đó, khi biết ý định của ông, nhiều người lên tiếng can ngăn. Họ ái ngại bảo: “Người ta đi tránh bom, tránh đạn, mình lao đầu vào đó làm gì?”. Ông Thắng cười hiền, từ tốn trả lời bằng một câu hỏi: “Ai cũng nghĩ vậy thì làm sao quê hương mình hết bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh?”. Khởi đầu công việc mới ở tuổi tứ tuần, tuy không sung sức như các bạn trẻ nhưng bù lại ông Thắng có nhiều kinh nghiệm, sự điềm tĩnh, tính cẩn thận, chu đáo… Vì thế, sau khóa tập huấn, đào tạo dài ngày, ông được giao một nhiệm vụ quan trọng là giám sát hiện trường.Đã tiên lượng mọi thách thức của nghề nhưng đến khi bắt tay vào công việc, ông Thắng mới thấm thía sự gian khó. Bất kể nắng đổ lửa hay mưa trắng trời, ông và đồng sự vẫn âm thầm làm nhiệm vụ. Vùng đất nào mang nặng vết thương chiến tranh, nơi ấy có dấu chân của họ. Công việc không cho ông Thắng cũng như đồng sự một giây lơ đãng, chút bất cẩn bởi sẽ phải trả giá bằng mạng sống. Vì vậy, những người gắn bó với nghề như ông phải hội tụ ít nhất hai yếu tố: sức khỏe và thần kinh thép. Về phần mình, ông Thắng còn phải có sự tập trung tuyệt đối để giám sát mọi hoạt động của các đội hiện trường. Ông tỉ mỉ đôn đốc anh em từng chi tiết nhỏ trong việc chấp hành các quy định; thực hiện nhiệm vụ rà phá; thu gom, xử lí bom mìn…
Nếm trải nhiều khó khăn, thử thách nhưng ông Nguyễn Khắc Thắng luôn thấy yêu nghề mà mình đã chọn. Với công việc này, ông Thắng cùng đồng sự được góp sức mang lại bình yên cho người dân. Vì thế, đi đến đâu, họ cũng được người dân rất yêu quý. Một thứ tình cảm khác tiếp sức cho ông Thắng chính là tình đồng nghiệp. Cùng trải qua khó khăn nên những người làm công việc như ông Thắng luôn yêu thương, quý trọng nhau. Đó cũng chính là động lực giúp họ vượt qua mọi trở ngại, đặc biệt là những ngày dài làm việc ở vùng rừng thiêng, nước độc, xa người thân, gia đình. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông Thắng luôn nỗ lực nâng cao trình độ, chuyên môn. Ông là một trong số rất ít người được cấp chứng chỉ IMAS cấp độ 3 sau khóa huấn luyện xử lí bom mìn theo Tiêu chuẩn Hành động bom mìn quốc tế.
Tình yêu công việc và sự miệt mài cống hiến của ông Nguyễn Khắc Thắng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, trong đó có con trai Nguyễn Khắc Lợi (sinh năm 1995). Hơn 1 năm nay, anh Lợi là nhân viên kĩ thuật của Tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam. Từng ngày, hai cha con cùng đồng sự miệt mài đối diện với hiểm nguy, gian khó với ước mơ về một ngày quê hương Quảng Trị không còn ẩn họa bom mìn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)