Kỷ niệm 114 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907 - 2021), chúng ta nhớ tới một nhà lãnh đạo được Đảng và Nhân dân ta vinh danh xứng đáng: Một tư duy sáng tạo lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với 79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã giữ nhiều trọng trách trong Đảng, trong đó có gần 26 năm là Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng. Lý tưởng và hoài bão suốt đời của đồng chí là Tổ quốc độc lập và thống nhất, Nhân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ cuộc sống của mình. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN), Lê Duẩn luôn là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận và văn hóa. Nói Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam là nói đến một trong những mối quan tâm hàng đầu của đồng chí trong cách mạng XHCN.Cách mạng XHCN, như Lê Duẩn đã trình bày trong các văn kiện của Đảng, là quá trình tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng (cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật và cách mạng tư tưởng và văn hóa) nhằm xây dựng trên đất nước ta ba cái mới: Chế độ mới (chế độ làm chủ tập thể XHCN), nền kinh tế mới (nền sản xuất lớn XHCN) và nền văn hóa mới và con người mới XHCN.
Nền văn hóa mới XHCN là nền văn hóa có nội dung XHCN và tính dân tộc. Đó là nền văn hóa vừa hấp thụ có chọn lọc những thành quả của văn minh loài người, những thành tựu văn hóa khoa học hiện đại, vừa là sự kết tinh và nâng lên một tầm cao mới những gì tốt đẹp nhất trong truyền thống mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Đó là truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường và mưu trí trong đấu tranh cho độc lập, tự do, là tình thương yêu giữa những người lao động, là đức tính cần cù sáng tạo và tinh thần lạc quan yêu đời.
Con người mới XHCN là con người Việt Nam mới mà đặc trưng nổi bật là: Làm chủ tập thể, lao động, yêu nước, yêu XHCN và tinh thần quốc tế vô sản. Đó cũng là sự kết tinh và phát triển những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn và cốt cách Việt Nam qua mấy nghìn năm lịch sử. Con người mới là con người có tư tưởng đúng và tinh thần đẹp, có tri thức và năng lực làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân.
Đối chiếu những gì đồng chí Lê Duẩn đã nói với những gì chúng ta đang làm trong đổi mới hiện nay, qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (tháng 7/1998) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, chúng ta thấy tuy cách trình bày, diễn giải có chỗ khác nhau nhưng tinh thần và nội dung cơ bản thì vẫn giống nhau. Nói Lê Duẩn là một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, thì cần hiểu đó là một tư duy sáng tạo lớn toàn diện, trong đó có tư duy sáng tạo về tư tưởng, văn hóa, văn học nghệ thuật. Thử ngược dòng thời gian, xin hãy xem những người cùng thời đã viết và nói ra sao về Lê Duẩn với các vấn đề ấy.Theo nhà hoạt động văn hóa Trần Bạch Đằng, năm 1948, trên tờ Thống Nhất, cơ quan của Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn đã viết một bài luận văn dài nhan đề là “Văn hóa và Mặt trận dân tộc thống nhất”. Trong đó, có hai ý khó ai quên được. Một là: “Tinh thần dân tộc là sức mạnh để mọi người ưỡn ngực ngăn xe tăng”. Hai là: “Thống nhất hiện nay quanh Cụ Hồ. Cụ Hồ là dân tộc, là cách mạng, là nhân ái, là hành động, không giống như tiếng chuông chùa từ ngàn xưa vẫn còn ngân trên cõi tạm này”.
Tháng 4 năm 1962, tại Hội nghị Tuyên Giáo miền Bắc bàn việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội III của Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn chỉ rõ: “Công tác tư tưởng không chỉ nắm lý luận, mà còn phải biết gắn tình cảm với lý luận. Vấn đề nhân sinh quan là vấn đề lý trí, đồng thời là vấn đề tình cảm. Triết học giải quyết lý trí, văn học nghệ thuật xây dựng tình cảm, cả hai đều phải nhất trí với nhau thì mới giải quyết được vấn đề tư tưởng...”.
Nhà thơ Bảo Định Giang kể lại rằng, sáng 30 tháng Chạp năm Tân Hợi (14/2/1972), một số anh em văn nghệ sĩ đến chúc Tết đồng chí Lê Duẩn. Anh Ba đã nói rất nhiều về truyền thống nhân nghĩa của dân tộc ta. Anh nói xây dựng con người mới không được thoát ly hoàn cảnh thực tế Việt Nam, cắt đứt với truyền thống Việt Nam. Con người Việt Nam ta có nhiều cái đẹp. Phải tìm hiểu lịch sử một cách sâu sắc, từ đó phát huy những đức tính tốt đẹp cổ truyền, những phong tục tập quán lành mạnh của dân tộc, phê phán những điều chưa tốt, những cái lạc hậu và cương quyết loại trừ những gì ngăn cản sự tiến lên của dân tộc.
Với tầm nhìn xa rộng, sâu sắc và khoáng đạt về văn hóa, văn học nghệ thuật, Lê Duẩn được những người làm công tác văn hóa, văn nghệ mến phục, coi như người anh lớn, người bạn lớn. Anh Ba luôn đánh giá công bằng những công lao và đóng góp của họ. Xem một vở diễn, một bộ phim, anh thường có những nhận xét chân tình, cởi mở.
Xem vở tuồng “Chị Ngộ” do Đoàn Tuồng Liên khu 5 biểu diễn năm 1952, nói về đề tài chống thực dân Pháp, anh rất xúc động và khen ngợi những cố gắng của các nghệ sĩ, nhưng vẫn lưu ý nghệ thuật tuồng của ta cần giữ được bản sắc riêng, dù phản ánh đề tài hiện đại.
Khi nói đến truyền thống văn hóa và đạo nghĩa dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đã dành những tình cảm và lời lẽ đặc biệt tốt đẹp cho các Bà Mẹ.
Phát biểu ý kiến tại Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ tư (4/3/1974), đồng chí nói: “Người phụ nữ Việt Nam là một trong những hình ảnh đẹp nhất của con người Việt Nam”. “Lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần bất khuất là truyền thống nổi bật của phụ nữ Việt Nam từ mấy ngàn năm nay, từ khi tổ tiên ta bắt đầu dựng nước...”. “Người mẹ sinh, nuôi con, dạy con, duy trì nòi giống, bảo đảm cho xã hội tồn tại và phát triển”. “Mỗi lời nói, mỗi nụ cười, mỗi nét mặt buồn hay vui của người mẹ đều in sâu vào tâm hồn đứa trẻ những ấn tượng mà đứa trẻ giữ mãi trong suốt cuộc đời. Dạy con biết nói, biết cười, ru con bằng những điệu hát đầy ý nghĩa, khuyên bảo con những lẽ phải, điều hay... chính bằng cách đó, người mẹ đã góp phần gìn giữ và lưu truyền văn hóa dân tộc từ đời này sang đời khác”...
Chín năm trước đó, tháng 6/1965, trong tác phẩm “Xây dựng tư tưởng làm chủ tập thể trên lập trường giai cấp công nhân”, đồng chí Lê Duẩn viết: “Lý tưởng của ta là xây dựng cuộc sống hạnh phúc lâu dài cho cả dân tộc ta. Con người không phải chỉ sống với miếng cơm manh áo mà còn có đời sống tình cảm, đời sống văn hóa, những cái đó gắn liền với dân tộc. Nay mai, dù cho đến khi chủ nghĩa cộng sản thành công thì câu ca dao Việt Nam vẫn làm rung động lòng người Việt Nam hơn hết”.
Bản thân tôi, Hà Đăng, là trợ lý của Tổng Bí thư Lê Duẩn hơn hai năm rưỡi trước khi đồng chí qua đời, tôi cũng rất xúc động khi nghe con gái của đồng chí kể lại rằng, có lần vào một buổi sáng mùa đông giá lạnh, đầy sương mù, khi đứng trên gác nhà nhìn xuống đường phố Hoàng Diệu thấy một cụ già ráng sức kéo chiếc xe ba gác chở nặng, đồng chí đã rưng rưng nước mắt và nói với người nhà rằng, phải phấn đấu thế nào để nay mai, đồng bào ta không còn ai phải khổ cực như vậy.
Tiễn biệt một người cộng sản nặng lòng vì lý tưởng cách mạng và tình yêu dân tộc, nhà thơ Tố Hữu, trong bài thơ Nhớ về Anh, đã có mấy câu thắm thiết như sau:
Đồng bào, đồng chí nhớ
Anh Người con của làng nghèo
Chợ Sãi
Xác xơ mấy túp lều tranh
Nóng bỏng cát đồi Triệu Hải
Bữa cháo bữa rau, đùm bọc nhau lá rách lá lành
Lòng vẫn đậm
Tình thương và lẽ phải
(Nguồn: baoquangtri)