Mây trắng ngang trời “Ba ba bảy”

Đan Tâm |

“Khi tôi ngồi viết những dòng này, ký ức vẫn vẹn nguyên về hình bóng từng dãy nhà doanh trại của Đoàn KT- QP 337 bình yên tựa lưng vào núi, hướng mặt ra khoảng không gian khoáng đạt. Tôi điện hỏi người em đang bám trụ ở đó trong những ngày đau thương, mất mát lớn lao này, em nói, nơi đây trời tạnh mưa rồi, mây trắng ơ hờ vắt trên nền trời “Ba ba bảy” như linh hồn các anh chẳng muốn rời xa miền biên viễn, nơi mà các anh đã gắn bó, tận hiến cả cuộc đời mình. Và núi rừng thì xanh lắm, xanh như vì máu đỏ mà xanh… “.

Anh Quế, Chủ nhiệm Hậu cần hy sinh rồi anh à!

- Những đồng đội, đồng hương thân thiết nhất của em quê ở Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Đô Lương, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nghệ An hy sinh cả rồi!

- Anh! Đã tìm thấy thi thể cháu đồng hương của anh ở Cam Thành, Cam Lộ…

Những ngày theo sát tình hình lũ lụt vừa qua, những thông tin từ 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT - QP) 337 hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ vào ngày 18/10/2020 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa đã làm chúng tôi đau đớn. Tôi đã bao lần giở cuốn sổ công tác của mình ra, đọc tư liệu nhưng rồi gấp lại bởi sự đau thương quá lớn, không thể diễn tả. Thế rồi, sau tất cả những gì mất mát như thử thách sức chịu đựng của con người, tôi đã có khoảng thời gian bình tâm lại, nhớ về những ngày lên với các anh, mới đây thôi, nơi miền biên viễn đầy nắng gió, gian khổ nhưng rất đỗi yên bình…

Nhiều em nhỏ mồ côi được Đoàn KT - QP 337 nhận làm con nuôi -Ảnh: QUANG HIỆP​
Nhiều em nhỏ mồ côi được Đoàn KT - QP 337 nhận làm con nuôi -Ảnh: QUANG HIỆP​

“Lá chắn thép” nơi miền ải Bắc

4 năm sau ngày đất nước thống nhất, vào ngày 28/7/1978, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Sư đoàn bộ binh 337 chính thức được thành lập. Chưa đầy nửa năm sau, khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, với tinh thần “Thời gian là lực lượng”, sư đoàn cấp tốc hành quân lên biên giới chặn quân Trung Quốc xâm lược. Đến Quảng Xương (Thanh Hóa) Trung đoàn 108 pháo binh nhận thêm 6 khẩu pháo 85 mm. Đến ga Kép (Hà Bắc) Trung đoàn 92 nhận thêm chiến sĩ mới. Ngày 24/2/1979 sư đoàn lên đến Lạng Sơn và tổ chức chiến đấu ngay. Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 1979, Sư đoàn 337 đã chiến đấu anh dũng, giành thắng lợi trong chiến dịch phòng ngự tuyến Tu Đồn - Điềm He - Khánh Khê, tiêu hao, tiêu diệt và chặn đứng quân Trung Quốc xâm lược; đập tan cánh quân vu hồi trên hướng đường 1B, hòng tạo thành thế bao vây, chia cắt nhằm đánh chiếm toàn bộ thị xã Lạng Sơn của địch. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 đã dũng cảm, ngoan cường chiến đấu, làm nên một trận Khánh Khê - Cánh cửa thép Lạng Sơn mãi mãi đi vào lịch sử, ghi một mốc son kiêu hãnh của sư đoàn “đã ra quân là đánh thắng”, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đây, sư đoàn vinh dự được mang tên “Đoàn Khánh Khê”.

Bây giờ, ai có dịp đi ngang qua đồi Pá Pách, nơi trận chiến đấu diễn ra quyết liệt nhất và bộ đội ta hy sinh nhiều nhất, nơi chưa đến 1/10 km2 , chỉ trong ngày 2/3/1979, Trung đoàn BB 52 đã có 92 đồng chí hy sinh, đã thấy trang trọng Bia Chiến thắng của Sư đoàn 337 được xây dựng. Đây không chỉ là nơi ghi dấu ấn chiến công của sư đoàn đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược, mà còn là địa điểm giáo dục truyền thống; là nơi hằng năm, những người dân cả nước lại tìm về, thắp nén hương thơm gửi những linh hồn đồng chí, đồng đội đã sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử, làm nên bức trường thành bảo vệ vững chắc phên dậu biên cương Tổ quốc…

Điểm tựa cho dân nơi miền Tây Quảng Trị

Biên giới phía Bắc yên bình trở lại, Sư đoàn 337 trở về Quân khu 4 làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Ngày 24/5/1999, theo Quyết định số 739/QĐBQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trên cơ sở chuyển đổi nhiệm vụ Sư đoàn 337, Đoàn KT - QP 337 chính thức được thành lập. Ngày 3/8/1999, Đoàn vào Hướng Hoá, thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu KT - QP Khe Sanh- Quảng Trị.

Đoàn KT - QP 337 thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu KT - QP Khe Sanh trải dài trên địa bàn 5 xã (Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập) ở phía Bắc huyện Hướng Hoá với diện tích tự nhiên vùng dự án hơn 66.700 ha, có 72 km đường biên giới Việt - Lào, địa hình chia cắt, giao thông cách trở, khó khăn, dân số hơn 3.300 hộ/14.000 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Vân Kiều (chiếm 73,2% dân số), tỉ lệ hộ nghèo cao với 1.489 hộ, chiếm 44,1%.

Giữa một vùng đất hoang vu phía Bắc huyện Hướng Hóa, trong đội hình đi mở đất, bám dân, những người lính Đoàn KT - QP 337 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương vừa ổn định nơi ăn ở vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị: Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, kết hợp tổ chức lại dân cư, nhằm thực hiện hai mục tiêu giúp dân xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng - an ninh; tạo nên những yếu tố ban đầu cho phát triển kinh tế hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhằm thu hút đồng bào các nơi khác đến định cư; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong vùng dự án.

Bằng những nỗ lực vượt bậc, trong suốt thời gian đứng chân, đến hôm nay, những địa danh “thâm sơn cùng cốc” như Chênh Vênh, Khe Gió hay Đồng Ma, A Sóc... những bản làng như Ra Lỳ, Hoong Cốc, Xơ Ri, Mã Lai, Tri, Cuôi, Cát, Trỉa... đã có nhiều khởi sắc nhờ “Bộ đội Ba ba bảy”. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ kiên trì bám dân, bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm để “nắm vững dân tình, hiểu rõ nhân tâm, quyết tâm cải tạo dân sinh, nâng cao dân trí”. Cả một vùng biên giới khó khăn chồng chất đang mang một sức sống mới. Những công trình hạ tầng thiết yếu đã mọc lên: Bệnh xá quân- dân y, đường điện sáng, đường cáp quang, đường giao thông, đập thuỷ lợi, rồi ruộng lúa, ruộng màu, gần 2.000 ha rừng phòng hộ được bảo vệ, xưởng chế biến dong riềng... đã phát huy tác dụng. “Bộ đội Ba ba bảy” còn cấp hàng ngàn con giống, bầu cây giống; hỗ trợ hàng ngàn lượt hộ nghèo, tham gia xóa hàng trăm hộ nghèo. Kết hợp chặt chẽ với các chương trình, dự án của quốc gia và của địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Hướng Hoá không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân dân vùng dự án. Đoàn KT - QP 337 thực sự là trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục của đồng bào dân tộc thiểu số và Nhân dân các xã Bắc Hướng Hóa. Ốm đau nhờ bộ đội thuốc thang. Thiếu gạo, nhạt muối nhờ bộ đội trợ giúp. Chưa có hướng làm ăn, xóa đói giảm nghèo có bộ đội “cầm tay chỉ việc”. Mù chữ có bộ đội dạy dỗ. Cả lời ca tiếng hát, điệu múa … đều nhờ đến bộ đội hướng dẫn. Những người cha “Ba ba bảy” đã nhận đỡ đầu những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa ở thôn Cợp, Hướng Lập, duy trì “hũ gạo tình thương” cho dân nghèo… Xây dựng thế trận lòng dân bắt đầu từ những công việc rất đời thường ấy. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT- QP 337 đã nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt mọi khó khăn, viết tiếp trang truyền thống “Khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, kiên cường, quyết thắng” , góp phần xây dựng địa bàn chiến lược miền Tây Quảng Trị vững mạnh, không ngừng bồi đắp phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, trên mặt trận KT- QP trong thời kỳ mới.

Máu đỏ giữa thời bình

Những ngày trực thông tin lũ lụt, đau đớn và ám ảnh nhất với chúng tôi là dòng tin của phóng viên Báo Quảng Trị từ hiện trường báo về: Khoảng 1 giờ, ngày 18/10/2020, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra ở quả núi nằm ở phía sau nơi đóng quân của Đoàn KT- QP 337. Gần 2 triệu mét khối đất đã đổ xuống làm cho 4 dãy nhà của đơn vị bị vùi lấp khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ gặp nạn. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã kịp thời ứng cứu được 5 người. Số cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp là 22 người.

Tôi biết, ngay sau bản tin này được phát ra, đã có hàng triệu người trong cả nước và nhiều nơi trên thế giới đã nín thở theo dõi và đều cầu mong những điều tốt lành, dù mong manh, sẽ đến đối với các anh. Nhưng rút cuộc, đã không có phép màu nào xảy ra. Ngay sau khi nhận được thông tin, các cấp, ngành, đơn vị chức năng đã lập tức triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT- QP 337 bị vùi lấp. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và nhiều phương tiện đã được huy động tới hiện trường. Tuy nhiên, do khối lượng đất đá lớn, cộng với mưa kéo dài khiến công tác tìm kiếm gặp khá nhiều khó khăn. Riêng việc khai thông các điểm sạt lở nặng trên tuyến đường từ thị trấn Khe Sanh đến vào hiện trường đã mất rất nhiều thời gian, công sức. Ngay tại Đoàn KT- QP 337, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng cùng với phương tiện cơ giới đã làm việc cật lực để tìm kiếm đồng đội gặp nạn.

Sau khi hoàn tất công tác tìm kiếm, sáng ngày 22/10/2020, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị cùng thân nhân tổ chức trang nghiêm lễ viếng, truy điệu và tiễn đưa 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT- QP 337 hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ vào ngày 18/10/2020 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình viết vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc 22 đồng chí đã hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ngày 18/10/2020. Đây là sự hy sinh to lớn để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cán bộ, chiến sĩ toàn quân và Nhân dân cả nước, đồng thời là nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được của gia đình và người thân các đồng chí đã hy sinh. Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn ghi nhận công lao, sự hy sinh to lớn của 22 đồng chí, những cán bộ, chiến sĩ quả cảm, sẵn sàng đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới để thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Tinh thần dũng cảm, sự hy sinh dũng cảm của các đồng chí đã góp phần tô thắm phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay…”.

Khi tôi ngồi viết những dòng này, ký ức vẫn vẹn nguyên về hình bóng từng dãy nhà doanh trại của Đoàn KT- QP 337 bình yên tựa lưng vào núi, hướng mặt ra khoảng không gian khoáng đạt. Tôi điện hỏi người em đang bám trụ ở đó trong những ngày đau thương, mất mát lớn lao này, em nói, nơi đây trời tạnh mưa rồi, mây trắng ơ hờ vắt trên nền trời “Ba ba bảy” như linh hồn các anh chẳng muốn rời xa miền biên viễn, nơi mà các anh đã gắn bó, tận hiến cả cuộc đời mình. Và núi rừng thì xanh lắm, xanh như vì máu đỏ mà xanh…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tổ chức trọng thể lễ tang 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337

Q.H |

Sáng nay 22/10/2020, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh cùng thân nhân các liệt sĩ tổ chức trọng thể lễ viếng, truy điệu và tiễn đưa 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ vào ngày 18/10/2020 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. 

Lễ viếng và Lễ truy điệu 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4

Duy Hùng |

Sáng 22/10, tại khu vực Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị, thành phố Đông Hà, Lễ viếng và Lễ truy điệu 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 hy sinh được tổ chức theo nghi thức tang lễ Quân đội. 

Sẽ trao bằng Tổ quốc ghi công, công nhận Liệt sỹ 22 cán bộ chiến sỹ Đoàn 337 ở lễ truy điệu?

Trần Hà |

Ngày 20/10/2020, Bộ Quốc phòng đã có văn bản gửi Bộ Lao động- Thương binh xã Xã hội  đề nghị trình Thủ tướng truy tặng Bằng tổ quốc ghi công đối với 22 quân nhân thuộc Đoàn 337, quân khu 4, bị vùi lấp trong vụ sạt lở rạng sáng 18/10, tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Đề nghị công nhận và truy tặng Liệt sỹ cho 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn 337

YMS |

Ngày 20/10/2020, UBND huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) cho biết đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xét công nhận và truy tặng Liệt sỹ cho cán bộ, chiến sỹ Đoàn 337 hi sinh trong thời gian tham gia cứu hộ cứu nạn tại địa phương.