Mô hình trồng rau thủy canh với nhiều triển vọng

Hiếu Giang |

Với những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được sau 10 năm đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng tại các nông trại trồng rau thủy canh hiện đại ở Malaysia, anh Hồ Văn Thông (40 tuổi), ở thôn Đơn Quế, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã trở về quê và quyết tâm lập nghiệp làm giàu với mô hình này. Sau gần 1 năm bắt tay thực hiện, đến nay mô hình trồng rau thủy canh của anh Thông đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và có nhiều triển vọng.

Anh Thông giới thiệu về một loại rau thủy canh trong mô hình của mình - Ảnh: Đ.V
Anh Thông giới thiệu về một loại rau thủy canh trong mô hình của mình - Ảnh: Đ.V

Trong khu đất rộng rãi ở thôn Đơn Quế, từ đầu năm 2024, anh Thông đã đầu tư khoảng 150 triệu đồng xây dựng vườn rau khép kín ban đầu với diện tích khoảng 300 m2. Khu vườn rau gồm có nhà màng, hệ thống ống máng trồng rau thủy canh, các máy mô tơ điện phục vụ tưới tiêu tự động... Sau một thời gian tạo lập, mô hình trồng rau thủy canh của anh Thông đã bước đầu sản xuất ổn định.

Những dãy rau tươi tốt với nhiều chủng loại tạo nên một màu xanh mướt đầy sức sống ở vùng quê thuần nông này. Anh Thông cho biết, với nhiều kinh nghiệm, kiến thức học hỏi được trong quá trình gắn bó với công việc trồng rau thủy canh trong một nông trại lớn, hiện đại ở Malaysia, anh đã tự xây dựng được khu vườn trồng rau của mình một cách dễ dàng.

“Sau nhiều năm lao động ở nước ngoài, tôi đã quyết định về quê lập nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh. Khởi đầu mô hình đã có hiệu quả nên giúp tôi tự tin để tiếp tục phát triển”, anh Thông nói.

Khác biệt với trồng rau truyền thống, anh Thông trồng rau theo công nghệ Israel với phương pháp thủy canh hồi lưu (hay còn gọi là thủy canh động). Mô hình trồng rau này được thiết kế với hệ thống thùng chứa và các ống thủy canh. Dinh dưỡng thủy canh sẽ được bơm đều từ thùng chứa dung dịch đi khắp các ống cung cấp cho rau phát triển, phần dư còn lại sẽ được luân chuyển về thùng chứa ban đầu.

Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, hiện nay, anh Thông trồng một số loại rau phổ biến như: cải Hàn Quốc, cải thìa, cải ngồng, cải ngọt, cải cay, xà lách và một số loại rau gia vị. Quy trình trồng rau hoàn toàn khép kín và khoảng 1 tháng thì thu hoạch. Rau được trồng theo phương pháp thủy canh đảm bảo sạch vì không dùng thuốc bảo vệ thực vật, rất ít sâu.

Anh Thông cho biết, đến nay, anh đã xuất bán được 6 lứa rau, mỗi lứa sau khi trừ các chi phí thì có lãi từ 4 - 5,5 triệu đồng. Rau thủy canh trồng trong nhà màng gần như không phụ thuộc vào thời tiết, có thể trồng được quanh năm. Vườn rau của anh Thông được trồng gối lứa nên rau có bán liên tục. Thị trường đầu ra hiện nay ổn định, rau tiêu thụ khá tốt.

“Nhu cầu tiêu thụ rau thủy canh còn khá lớn, nhất là tại các bếp ăn tập thể, các trường học, dịch vụ ẩm thực... Tôi dự định thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lên gấp đôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, do yêu cầu chi phí đầu tư hệ thống nhà màng, trang thiết bị khá lớn nên tôi mong muốn được “tiếp sức” về nguồn vốn”, anh Thông chia sẻ.

Cùng tham quan mô hình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Quế Nguyễn Văn Hòa đánh giá đây là một mô hình mới và có nhiều triển vọng tại địa phương. “Mô hình rau thủy canh của anh Thông được đầu tư bài bản, anh lại có nhiều kiến thức, kinh nghiệm canh tác nên sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng.

Mừng hơn nữa là đầu ra của rau thủy canh từ mô hình này ổn định, giá bán sản phẩm hợp lý, dần được người tiêu dùng ưa chuộng. Chúng tôi mong muốn thời gian tới đây, các ban, ngành, hội nông dân cấp trên quan tâm tạo điều kiện về nguồn vốn ưu đãi để giúp mô hình mở rộng quy mô và phát triển bền vững hơn nữa”, ông Hòa nói.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hiệu quả từ mô hình thương mại hai chiều đầu tiên của tỉnh

Nam Phương |

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh ở huyện Đakrông (Quảng Trị) là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình thương mại hai chiều, cung ứng sản phẩm thiết yếu và tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay, mô hình đạt những kết quả khả quan, được người dân trong vùng đón nhận tích cực.

Lan tỏa nhiều mô hình “Dân vận khéo” ở vùng đặc thù

Lâm Mai |

Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn Quân khu 4 giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo” (còn gọi là “Đề án 2036”), lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Hướng Hóa đã triển khai xây dựng được nhiều mô hình “Dân vận khéo” có ý nghĩa thiết thực trong cộng đồng dân cư. Các mô hình không chỉ góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM), mà còn tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, thắt chặt tình quân - dân, tạo nền tảng củng cố cơ sở chính trị vững chắc, đưa chủ trương của Đảng và Nhà nước đến nhanh hơn, gần hơn với các địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện.

Nhân rộng mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình” ở Triệu Phong

Kô Kăn Sương |

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Triệu Phong triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường với những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt trong đó, mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được đông đảo chị em tích cực tham gia thực hiện tốt.

Chưa có bước đột phá để nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao

Hà Trang |

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có trên 1.400 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ; trong đó diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, theo hướng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm là 1.226,85 ha.