Nhân rộng mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình” ở Triệu Phong

Kô Kăn Sương |

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Triệu Phong triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường với những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt trong đó, mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được đông đảo chị em tích cực tham gia thực hiện tốt.


Trước đây, nhiều người dân xã Triệu Trạch chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn nên lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều trong khi công tác thu gom, phân loại, xử lý còn hạn chế. Thực hiện kế hoạch của Hội LHPN huyện, năm 2022, Hội LHPN xã triển khai các mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Sau một thời gian ngắn thực hiện, mô hình đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thành công xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Triệu Trạch, hơn 2 năm nay, bà Nguyễn Thị Đáo ở thôn Long Quang thực hiện tốt thói quen phân loại rác thải tại nhà. Bà xây dựng một bể xi măng rộng khoảng 3 m2 để làm bể chứa xử lý rác thải hữu cơ.

Bà Đáo (bên phải) chia sẻ niềm vui nhờ có phân hữu cơ ủ từ rác thải sinh hoạt bón nên cây bưởi vườn nhà sai trái - Ảnh: K.S
Bà Đáo (bên phải) chia sẻ niềm vui nhờ có phân hữu cơ ủ từ rác thải sinh hoạt bón nên cây bưởi vườn nhà sai trái - Ảnh: K.S

Trong nhà, bà trang bị 3 sọt rác, mỗi sọt đựng từng loại rác như: hữu cơ, vô cơ và tái chế. Quá trình vệ sinh nhà cửa hằng ngày, bà thu gom các loại rác hữu cơ như: lá cây, vỏ trứng, vỏ lạc, vỏ trái cây... đổ vào bể xi măng và trộn với chế phẩm vi sinh để ủ phân hữu cơ, sau 4-5 tuần là sử dụng bón cho cây trồng. Đối với rác vô cơ, bà chuyển cho đội vệ sinh môi trường đem đi xử lý; rác tái chế, bà gom lại đem bỏ vào mô hình “Ngôi nhà xanh” của thôn để gây quỹ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em yếu thế ở địa phương.

Bà Đáo chia sẻ: “Việc phân loại rác thải tại nhà của chị em trong thôn không mất nhiều thời gian mà lại làm được nhiều việc hữu ích. Đặc biệt, đối với gia đình tôi, trong vườn nhà lúc nào cũng có đủ phân hữu cơ bón cho cây trồng nên các loại cây ăn quả, rau màu luôn phát triển tươi tốt, hiệu quả kinh tế cao. Nhờ phân loại rác mà môi trường trong nhà, ngoài ngõ, sân, vườn luôn sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Không chỉ trường hợp của bà Đáo, đa số chị em ở Triệu Trạch đều có ý thức cao trong việc giữ gìn môi trường, thực hiện có hiệu quả các mô hình. Chủ tịch Hội LHPN xã Triệu Trạch Phan Thị Hoài My thông tin: “Đến nay, toàn xã có 2 mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”, trên 90% hộ gia đình hội viên phụ nữ và người dân thực hiện tốt phân loại tại nhà. Đa số chị em hạn chế sử dụng túi ni long, chỉ dùng làn nhựa đi chợ.

Hội còn vận động những chị em là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhờ vậy, việc xử lý và phân loại rác thải trên địa bàn xã được các cấp đánh giá cao”.

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về công tác bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại và xử lý rác tại nguồn, Hội LHPN huyện Triệu Phong xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn và triển khai việc thu gom, phân loại rác tại nguồn, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình cho đội ngũ cán bộ hội chủ chốt và hội viên phụ nữ của các xã, thị trấn trên địa bàn.

Chỉ đạo hội phụ nữ 18 xã, thị trấn chọn 18 thôn, khu dân cư làm điểm phân loại và xử lý rác thải tại nhà, phân công cán bộ hội phụ nữ xã, chi hội tích cực đi từng nhà để tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện. Tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh của thôn, tổ chức lễ phát động phân loại rác và trao sọt rác, men vi sinh...

Đến nay, toàn huyện có 100% xã, thị trấn tổ chức ra mắt với 26 mô hình điểm về “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình” và thực hiện ký cam kết việc phân loại rác thải tại nguồn. Hội LHPN huyện, các xã, thị trấn phối hợp trao 2.498 sọt rác, 1.326 kg men chế phẩm vi sinh Compo-QTMIC và 150 nắp đậy hố xử lý rác hữu cơ cho 1.762 hội viên phụ nữ.

Thông qua mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình” đã từng bước thay đổi nhận thức, tạo thói quen về thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nhà của cán bộ, hội viên, vì vậy lượng rác thải hữu cơ đưa ra môi trường được giảm thiểu đáng kể.

Việc xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh giúp cho hội viên có nguồn phân hữu cơ tại chỗ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn sức khỏe; giảm được áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác môi trường, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Qua đó, góp phần tích cực vào thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở địa phương.

Hội LHPN huyện còn phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ ra mắt mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa tái chế tại xã Triệu An. Đến nay, mô hình được nhân rộng tại 70 chi hội của 18/18 xã, thị trấn và đã có 79 ngôi nhà xanh. Nguồn kinh phí thu được từ mô hình 59 triệu đồng và được hội LHPN các cấp trên địa bàn trao 138 suất quà trị giá 36,3 triệu đồng cho hội viên phụ nữ khó khăn, trẻ em mồ côi.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Triệu Phong Võ Thị Ngọc Lan cho biết: “Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động xây dựng NTM tại địa phương, nhân rộng mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”; chủ động đăng ký thực hiện phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch”, xây dựng xóm làng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Kêu gọi chị em sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường. Tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn cảnh quang môi trường. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những tấm gương, điển hình trong thực hiện phong trào “Phụ nữ chung tay xây dựng NTM”, góp phần thúc đẩy tinh thần hăng hái, thi đua giữa các đơn vị”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Triển vọng từ mô hình trồng cây dược liệu dây thìa canh

Thanh Hải |

Từ nhu cầu sử dụng cây dây thìa canh hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường tăng cao trong thời gian qua, Cơ sở sản xuất và kinh doanh cao dược liệu Minh Nhi, thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), đưa vào trồng thử nghiệm cây dây thìa canh ở vùng Cùa. Loại cây dược liệu này mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng phát triển thêm loại cây dược liệu mới, góp phần xây dựng Cam Lộ trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh.

Thu nhập cao từ trồng bưởi da xanh

Lê An |

Nhận thấy cây bưởi da xanh phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cho quả quanh năm, giá bán và đầu ra ổn định, ông Trần Đình Bình ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi hơn 0,6 ha đất vườn kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Ra quân vệ sinh môi trường và trồng cây xanh tại đảo Cồn Cỏ

Hà Trang |

Tiếp tục chuỗi các hoạt động truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa tại huyện đảo Cồn Cỏ, sáng 25/8, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị, UBND huyện đảo Cồn Cỏ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Lễ ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác và trồng cây xanh bảo vệ môi trường, chắn sóng ven biển tại bãi biển khu vực Bến Nghè. 

Gần 30 năm trồng 'cây hòa bình' trên vùng đất lửa Quảng Trị

Nguyên Linh |

Từ lâu, bà Jerrilyn Brusseau - người đồng sáng lập Tổ chức PeaceTrees Vietnam (Cây Hòa bình Việt Nam) đã xem Quảng Trị là quê hương thứ hai của mình.