Nghề báo cho tôi nhiều cơ hội dấn thân

Thanh Trúc |

Chỉ mới có gần 10 năm tuổi nghề so với tuổi đời 40, muộn hơn so với các đồng nghiệp cùng trang lứa, dù có những lối rẽ trước khi gắn bó với Báo Quảng Trị cho đến thời điểm này, nhưng tôi biết mình đã lựa chọn đúng con đường mình từng mơ ước. Mốc thời gian làm báo chưa phải là dài nhưng cũng đã cho tôi những trải nghiệm đẹp để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề.

Thiết tha làm phóng viên từ những ngày còn ngồi trên ghế trường học phổ thông, khi nghiêm túc quyết định lựa chọn trường đại học để gắn bó, tôi đã đi ngược với nguyện vọng của ba mẹ là muốn con sau này trở thành một giáo viên, để lựa chọn Khoa Báo chí theo học. Đối với người làm báo, mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm, dù khó khăn vất vả nhưng khi tác phẩm được chuyển tải kịp thời đến độc giả thì đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng tôi. Có một chuyến công tác khiến tôi nhớ mãi dù đã gần mười năm trôi qua. Đó là vào đầu tháng 11/2013, với ý định tìm hiểu để viết bài về công việc, cuộc sống, những hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo cắm bản vùng sâu, vùng khó khăn ở miền núi Hướng Hóa, chúng tôi liên hệ với Trường Tiểu học Hướng Tân và được các thầy giới thiệu đến điểm trường lẻ Xa Rường.

Phóng viên (mặc áo mưa kẻ ca rô) tác nghiệp tại sự kiện cứu hộ tàu Vietship 01 mắc cạn trên biển Cửa Việt tháng 10/2020 - Ảnh: BẢO BÌNH
Phóng viên (mặc áo mưa kẻ ca rô) tác nghiệp tại sự kiện cứu hộ tàu Vietship 01 mắc cạn trên biển Cửa Việt tháng 10/2020 - Ảnh: BẢO BÌNH

Thời tiết hôm ấy không chiều lòng người, trời âm u và ngày trước đó vừa có trận mưa to. Ô tô chỉ vào được đến trụ sở UBND xã Hướng Tân, chúng tôi tiếp tục hành trình đi bộ vào Xa Rường. Các thầy giáo dẫn đường động viên rằng, vào Xa Rường chỉ khoảng 6-7 km nên ai cũng háo hức nghĩ chặng đường trước mắt không quá dài. Nhưng không, qua hết con dốc dài đầu tiên và trước mặt tiếp tục là những con đường dốc khác, đất trơn trượt dưới chân, tôi và một nữ phóng viên của Đài PT-TH tỉnh bắt đầu “thở dốc”. Lúc này, trời mưa lắc rắc. Các thầy giáo hỗ trợ chúng tôi xách đồ đạc, hai chị em chỉ việc “mang” tấm thân, chống gậy và lê lết đôi chân vượt qua những chặng dốc cao mà vẫn chật vật. Đỉnh điểm, đến nửa chặng đường, không thể cố gắng được, tôi ngồi bệt giữa đường và bật khóc. Đó là cảm xúc của sự bất lực, mệt, bị tụt huyết áp và cảm giác làm phiền người khác vì bản thân mình không thể gắng gượng được. Các thành viên trong đoàn thậm chí còn đưa ra phương án chia quân số ra, một nửa đi tiếp để hoàn thành công việc, cắt cử một người đưa tôi ngược đường trở ra nhưng tôi không đồng ý.

Vượt hơn 6 km đường rừng để chứng kiến Xa Rường lúc bấy giờ đúng nghĩa là chốn “ba không”: Không điện, không đường, không trạm xá, nhưng ở đó, đầy ắp nghĩa tình của những người thầy tình nguyện ở lại. Chứng kiến những lớp học tranh tre nứa lá đơn sơ, bốn vách gió lùa buốt giá, nơi chốn ăn ở chật chội, tạm bợ của các thầy cô giáo, những ánh mắt trẻ thơ háo hức đến trường, chúng tôi mới hiểu được vất vả, hy sinh của những người gieo chữ vùng sâu. Sau chuyến đi đó, tôi viết bài “Thương lắm Xa Rường” đăng trên Báo Quảng Trị như một lời tri ân gửi đến các thầy cô giáo cắm bản. Năm 2014, tôi cũng đã kết nối với nhóm thiện nguyện ở Đà Nẵng hỗ trợ vật chất cho điểm trường lẻ Xa Rường.

Người ta thường nói, với phụ nữ làm báo, nỗi vất vả và hy sinh của họ đòi hỏi nhiều hơn nam giới, do phải cân bằng trách nhiệm, tình yêu giữa công việc và gia đình. Từ thực tế công việc của bản thân và các đồng nghiệp nữ ở Báo Quảng Trị, tôi cảm thấy nhận định này rất đúng. Có những chuyến đi công tác vùng sâu vùng xa, tôi và các chị em có con nhỏ phải nỗ lực làm việc xuyên trưa, tranh thủ tối đa thời gian để có thể hoàn thành công việc, kịp đón xe trở về trong ngày bởi còn lo cho con cái và đủ thứ việc nhà…

Trong thời điểm diễn ra những trận mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, tôi và các đồng nghiệp được giao nhiệm vụ theo dõi thông tin, diễn biến mưa lũ để kịp thời phản ánh đến bạn đọc. Có lẽ, đây cũng là thời điểm mà chúng tôi phải làm việc cật lực nhất trong năm qua. Phải nắm thông tin, diễn biến mưa lũ, thiệt hại ở các địa phương trong tỉnh để cập nhật từng giờ trong ngày. Chúng tôi xông xáo ra hiện trường không kể ngày đêm để cố gắng có đầy đủ thông tin nhất cung cấp kịp thời tới độc giả. Kỷ niệm về tác nghiệp trong mưa lũ đối với phóng viên nữ như chúng tôi là những câu chuyện không bao giờ quên. Đó là phóng viên Lâm Thanh, vốn không biết bơi và khá nhát nước nhưng bỏ quên nỗi sợ hãi đó, chị lên thuyền cùng lực lượng bộ đội biên phòng đi khắp các vùng càng bốn bề mênh mông nước ở Hải Lăng để đưa tin về công tác cứu hộ những hộ dân mắc kẹt trong lũ. Đó là phóng viên Hà Trang, ngoài việc đảm bảo thông tin diễn biến mưa lũ ở địa bàn phụ trách còn xông xáo tham gia cùng các đoàn từ thiện đội mưa, lội nước lũ đi các nơi phát mỳ tôm, thực phẩm cứu đói cho những hộ dân… Và nhiều câu chuyện nữa mà những ngày tác nghiệp trong mưa lũ, chúng tôi chia sẻ nỗi vất vả và cùng động viên nhau nỗ lực cố gắng.

Riêng với bản thân tôi, ba ngày ròng rã trực đưa tin diễn biến vụ cứu hộ tàu Vietship 01 mắc cạn ở vùng biển Cửa Việt sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo. Chúng tôi, những phóng viên có mặt tại hiện trường đã rơi nước mắt, tưởng chừng tuyệt vọng khi những phương án cứu hộ thất bại, khi nghe loa của đài quan sát thông tin có người rơi xuống biển, có người đã kiệt sức lay lắt bám trụ tàu giữa cơn sóng dữ, cái chết cận kề trong gang tấc. Đã tận mắt chứng kiến sự căng thẳng của những người chỉ huy cứu hộ bàn phương án hiệu quả, tối ưu, sự quả cảm của những ngư dân tự nguyện ra cứu người…Ba ngày đêm với đủ tất cả những cung bậc cảm xúc, hồi hộp, hy vọng, tuyệt vọng, bế tắc, mong chờ phép màu, vỡ òa sung sướng khi những thuyền viên cuối cùng được cứu vào bờ…, tôi đã viết bài “Tình quân dân, nghĩa đồng bào giữa cơn sóng dữ” trong những cảm xúc như thế. Tít bài trọn vẹn này cũng là nhờ biên tập viên Đào Tâm Thanh chỉnh sửa, bởi khi viết lại những diễn biến của sự kiện, bản thân người viết bị chi phối bởi cảm xúc, bởi tiến độ nộp bài nên không nghĩ ra được cái tít thật sự bao quát.

Nghề báo cần lắm sự đam mê, dấn thân và lòng yêu nghề. Chúng tôi đã lựa chọn công việc này và không ngừng nuôi dưỡng đam mê, nỗ lực cố gắng để tiếp tục đi và viết, đưa hơi thở cuộc sống vào từng trang viết…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cảnh giác nạn giả danh phóng viên trấn lột dịp Tết

Lê Thanh Phong |

Lợi dụng dịp Tết, nhiều người giả danh phóng viên tìm đến các cơ quan, doanh nghiệp để vòi tiền, thậm chí là tống tiền. Nếu gặp trường hợp này, cứ mạnh dạn gọi công an dẫn về đồn, đó là cách tốt nhất để trị nạn này.

Gần 100 phóng viên quốc tế đăng ký đưa tin Đại hội Đảng XIII theo hình thức trực tuyến

Thiên Bình |

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam đã mời các phóng viên nước ngoài đăng ký để theo dõi và đưa tin về Đại hội Đảng XIII theo hình thức trực tuyến.

Bắt quả tang phóng viên báo Pháp luật Việt Nam cưỡng đoạt tài sản

Đức Hoàng |

Khoảng 17h, ngày 1/12, Công an TP Ninh Bình phối hợp với Công an tỉnh Ninh Bình bắt phóng viên báo Pháp luật Việt Nam cưỡng đoạt tài sản tại 1 quán cà phê trên địa bàn.

Khởi tố 2 đối tượng lợi dụng danh nghĩa phóng viên, tống tiền DN

Hưng Thịnh |

Nguyễn Thanh Hải - Trưởng văn phòng đại diện và Trần Bá Nhật, phóng viên Tạp chí điện tử Thương hiệu và Pháp luật bị bắt khi nhận 150 triệu đồng của một công ty kinh doanh xăng dầu ở Đắk Nông.