Cô gái trẻ này đã tốt nghiệp thủ khoa tại một trường ĐH ở Mỹ và nhận bằng tiến sĩ khi mới 29 tuổi.
Được mời phỏng vấn tiến sĩ từ 8 trường ĐH ở Mỹ
Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, được ba mẹ lên kế hoạch cho đi du học từ nhỏ, nên đến năm 15 tuổi Nguyễn Thị Sao Ly (hiện 30 tuổi) sang Mỹ và bắt đầu cuộc hành trình chinh phục tri thức, theo đuổi nghiên cứu khoa học.
Sao Ly không ngừng nỗ lực chinh phục những mục tiêu mà mình đề ra. Sau khi tốt nghiệp Trường trung học The King's Academy tại California, cô được nhiều trường ĐH tại Mỹ nhận vào. Cô chọn theo học Trường ĐH California, Los Angeles (UCLA) và tốt nghiệp thủ khoa Summa Cum Laude (bằng danh dự xuất chúng mức cao nhất theo hệ thống giáo dục Mỹ - PV) ngành sinh học, minor y học tiến hóa.
Một năm sau khi tốt nghiệp ĐH, cô gái người Đà Nẵng được mời phỏng vấn tiến sĩ từ 8 trường ĐH ở Mỹ, trong đó nổi bật nhất là học bổng trị giá 9,3 tỉ đồng của Trường ĐH Johns Hopkins.
Ly kể lại rằng, cơ duyên cô đến với Trường ĐH Johns Hopkins thú thật là vì quá nhiều phỏng vấn nên không thể tham gia hết được. Và lúc tới trường để tham gia phỏng vấn, cô cảm nhận được đây là nơi có môi trường rất tốt để phát triển bản thân. Hơn nữa, đây cũng là một trong những ngôi trường khá nổi tiếng về lĩnh vực nghiên cứu mà cô muốn theo đuổi. Và thật may mắn Sao Ly đã có được trải nghiệm học tiến sĩ khá tốt, có thêm những kỹ năng và phát triển bản thân rất nhiều.
Nỗ lực xuất bản nhiều bài báo khoa học quốc tế
Trong thời gian nghiên cứu, Ly đã xuất bản được 6 bài báo khoa học quốc tế, trong đó có 1 công trình nghiên cứu trên tạp chí có chỉ số ảnh hưởng IF 10.5 năm 2020. Nói về bí quyết để có nhiều bài báo khoa học quốc tế, Ly chia sẻ: "Đơn giản là cố gắng nỗ lực hết mình và thật chăm chỉ tìm tòi. Vì nghiên cứu khoa học chỉ có hai mục đích, thứ nhất, với khoa học căn bản là xuất bản những bài báo khoa học để những gì mình tìm được trở thành kiến thức nhân loại. Thứ hai, là khoa học lâm sàng, làm thế nào để đưa ra được những phương pháp mới, tân tiến hơn để cứu người bệnh. Và trong quá trình học tiến sĩ, mục tiêu của mình gắn liền với mục đích thứ nhất".
Cô gái trẻ bắt đầu theo đuổi khoa học ung thư từ năm 19 tuổi. Sao Ly nhận thấy ở VN, tỷ lệ người mắc ung thư ngày càng cao, nhưng những biện pháp trị liệu bệnh này vẫn còn khá hạn chế. Điều này khiến cô trăn trở, nó không khác gì một hiểm họa và sẽ xảy đến với cô, những người thân xung quanh và đồng bào bất cứ lúc nào. Đó là động lực để Sao Ly tìm hiểu sâu về căn bệnh này và mong muốn dùng kiến thức để đóng góp một phần nhỏ vào việc tìm ra những biện pháp chữa trị ung thư.
Sau thời gian nghiên cứu, Ly có thêm những kỹ năng và kiến thức về bệnh ung thư. Nên bây giờ thay vì chỉ tìm hiểu, nghiên cứu về mặt lý thuyết, cô muốn tìm ra phương pháp chữa trị. Ly cho hay công việc hiện tại của cô là thiên về việc tìm ra phương pháp chữa bệnh ung thư gan và ung thư máu. Kiến thức cô học được đã ứng dụng vào thực tiễn và một ngày không xa sẽ giúp ích được cho bệnh nhân ung thư.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Ly cho biết: "Mình mong muốn phát triển sự nghiệp ở mức cao nhất có thể, nên ở Mỹ sẽ dễ dàng hơn cho mình. Nhưng nếu VN cho mình cơ hội để phát triển khả năng của bản thân thì tất nhiên chuyện về VN giúp ích cho quê hương vẫn là ý nghĩ mình luôn có trong đầu".
Tiến sĩ Ly chia sẻ, trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu, câu nói của một vị giáo sư khiến chị ghi nhớ đến tận bây giờ là: Nếu chính mình không tin vào nghiên cứu khoa học của bản thân thì không một ai có thể tin được nó.
Do vậy, chị cũng hy vọng những ai đang làm nghiên cứu sẽ luôn cố gắng tập trung và đặt niềm tin, hy vọng của bản thân vào các dự án khoa học mà mình đã dày công thực hiện, tìm được ý nghĩa trong công việc của mình.
“Mỗi người đều có hoàn cảnh và mục tiêu khác nhau trong quá trình đào tạo tiến sĩ của mình. Những bài báo công bố khoa học quốc tế hay giải thưởng không phải là tất cả và chúng ta cũng không cần thiết phải có chúng để chứng minh bản thân là nhà khoa học giỏi.
Bất cứ ai cũng đều trưởng thành mỗi ngày và học được nhiều kĩ năng quan trọng, hữu ích - điều này khó có thể đong đếm bằng những con số. Tôi mong rằng, tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đang trong quá trình học sau đại học, nghiên cứu sinh để bảo vệ luận án tiến sĩ sẽ có được sự kiên nhẫn để đạt được thành quả tốt nhất cho bản thân”, chị Ly nói.
(Nguồn: Phụ nữ mới)