Trong các làng cổ Quảng Trị được thành lập vào giai đoạn 1307-1553 có ba hương thôn thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị) ngày nay, đó là Trúc Kinh, Kim Đâu và Trương Xá. Điều này cho thấy việc hình thành các làng quê từ xưa và cho đến hôm nay vẫn theo hướng gần như quy luật từ Bắc vào Nam và từ Đông sang Tây và Cam Lộ cũng vậy.
Làng cổ Kim Đâu đặc biệt vì một làng quê thôi mà có đến ba di tích: di tích đền thờ Bà Chúa Ngọc, tháp Chăm Kim Liên và Bàu đá Kim Đâu. Thừa hưởng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Chăm, người Việt sau này cũng coi đền thờ Bà Chúa Ngọc song trùng với việc tôn vinh bóng dáng một nhân thần cũng là nhân vật lịch sử có công mở rộng bờ cõi Đại Việt là Huyền Trân công chúa. Dù có những tranh luận về di tích lịch sử này liên quan đến việc tôn thờ Huyền Trân công chúa nhưng có lẽ Cam Lộ đã cung kính dâng “căn cước tâm linh” cho một người đã nới rộng cương vực quốc gia bắt đầu từ hai châu Ô, Lý làm sính lễ khi nhà Trần gả công chúa cho vua Chăm là Chế Mân. Và đời sau vẫn có thơ rằng: “Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm/Một gái Huyền Trân của mấy mươi...”.
Lại có một con người đặc biệt khác từ kinh kỳ về đây lại chọn Cam Lộ làm nơi tận hiến và sống trọn đời mình, từ lúc tráng niên cho đến khi nhắm mắt. Đó chính là cụ Khóa Bảo Nguyễn Hữu Đồng, một người văn võ song toàn. Lạ một điều ông quen thuộc với nhiều người Quảng Trị đến nỗi họ đều coi ông là đồng hương, mặc dù thực ra không phải thế. Tôi đã vào quê gốc của ông ở Huế gặp những hậu duệ của họ Nguyễn Hữu ở Cố đô. Họ rất vui khi một người Huế từ năm 25 tuổi đã cắp gươm hộ giá đức vua Hàm Nghi ngay sau biến cố thất thủ kinh đô 1885. Lúc ra Tân Sở, vua ban hịch Cần Vương, Khóa Bảo Nguyễn Hữu Đồng được lệnh ở lại. Lúc có biến thì cầm gươm cứu nước, khi không thể xông trận thì cầm bút giúp dân, làm nghề dạy học tại An Hưng để vừa giáo hóa con em Cam Lộ biết chữ nghĩa, đạo lý yêu nước thương nòi, vừa hun đúc chí khí đợi chờ cơ hội. Đầu thế kỷ hai mươi, ông đã dẫn đầu dân chúng về tỉnh lỵ đóng ở Thành Cổ Quảng Trị đòi chính quyền đương thời giảm sưu cao thuế nặng.
Tiếp đó khi vua Duy Tân mưu cầu đại sự đánh đuổi ngoại xâm, ngự giá ra Cửa Tùng để gặp người cùng chí hướng. Vua tôi bí mật gặp nhau tại chợ Phiên Cam Lộ và cụ Nguyễn Hữu Đồng được phong làm Tổng lãnh binh phụ trách từ Quảng Trị ra Thanh Hóa khi khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Việc lớn không thành, vua Duy Tân bị đi đày, Trần Cao Vân bị hành hình, còn Khóa Bảo Nguyễn Hữu Đồng bị giam và tra tấn tại lao xá Thành Cổ Quảng Trị. Ông mất năm 1925, hưởng thọ 61 tuổi.
Ngày nay ở An Hưng có đền thờ ông với hai câu tôn vinh: “Tướng lĩnh Cần Vương ngời nhân ảnh/ Danh nhân Quảng Trị sáng anh hùng”. Đã có đường phố, trường học trên đất Quảng Trị vinh dự mang tên ông. Xin nói thêm rằng thân sinh của ông là cụ Nguyễn Hữu Giao đã ra trước lập nghiệp trên đất Cam Lộ và chắt nội của ông là thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến tiếp nối cha ông, làm nghề dạy học cũng trên đất Cam Lộ. Một gia đình mấy đời gắn bó đất này, trên một phương diện quan trọng nào đó, có thể coi là người Cam Lộ được hay không, chắc không khó trả lời.
Năm ngoái, tôi vào TP.Hồ Chí Minh để nhận giải nhất từ cuộc thi của Báo Người Lao Động. Tình cờ khi trao giải gặp một vị trong hội đồng chung khảo là nhà báo Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo TP.Hồ Chí Minh. Nghe giới thiệu tôi là người Cam Lộ, anh nói chuyện vui vẻ và cởi mở. Tôi biết được cụ thân sinh của anh chính là nhà cách mạng Trần Trọng Tân, người làng Tân Mỹ, xã Cam Thành (Cam Lộ), sớm giác ngộ cách mạng. Mà người vận động ông theo cách mạng chính là chú họ Hồ Xuân Lưu (tức Trần Quốc Thảo), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, sống ở làng An Hưng (Cam Lộ). Năm 1950, khi mới 24 tuổi, ông Trần Trọng Tân được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Ông có một cuộc đời hoạt động sôi nổi và phong phú trên nhiều cương vị ở nhiều địa bàn khác nhau.
Năm 1969, khi đang hoạt động ở miền Nam, ông bị địch bắt giam ở Côn Đảo đến năm 1975 mới được tự do. Dù ở cương vị nào, dù trong hoàn cảnh nào, ông luôn giữ mình, bảo vệ khí tiết, phấn đấu học và tự học để không ngừng hoàn thiện, gắn lý luận với thực tiễn. Khi là Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng Ban Tư tưởng-văn hóa Trung ương hay Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn là tấm gương tự học được nhiều người khâm phục và yêu mến. Năm 2014, khi từ giã cõi đời, theo di nguyện của ông, số tiền phúng điếu 1,25 tỉ đồng đều dùng công tác xã hội và thiện nguyện, trong đó có 250 triệu đồng gởi về quê hương Quảng Trị để góp phần xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa và hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dù đi đâu, làm gì quê hương Cam Lộ luôn là một phần máu thịt trong tâm nguyện của nhà cách mạng Trần Trọng Tân.
Còn rất nhiều người Cam Lộ đáng nói và đáng nhớ, dù họ không có chức vụ gì, chỉ là những người bình thường nhưng đó là động lực của cách mạng, bởi họ là quần chúng góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến và đột phá cho quê nhà. Nói như nhà thơ lớn Chế Lan Viên cũng là người quê hương Cam Lộ: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Bởi người ta là hoa của đất. Đất ấy, người ấy, tâm hồn ấy đã nở hoa từng ngày trên quê hương...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)