Người thầy truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh miền núi

Minh Long |

Gắn bó với học sinh ở Hướng Hóa (Quảng Trị) khá lâu năm nên thầy Võ Chiến Thuật, giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Trường THCS Khe Sanh luôn trăn trở làm thế nào để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở đơn vị nói riêng và vùng khó của huyện nói chung. Chính vì vậy, thầy tích cực tìm kiếm các giải pháp từ gần gũi nắm bắt tâm lý, năng lực, hoàn cảnh học sinh đến thiết kế bài giảng phù hợp, xây dựng các kế hoạch hoạt động ngoại khóa... để đổi mới phương pháp giảng dạy, trở thành người truyền lửa đam mê học tiếng Anh cho nhiều thế hệ học sinh.


Với đặc thù vùng miền núi, điều kiện dạy và học tiếng Anh ở Hướng Hóa nói chung và Trường THCS Khe Sanh nói riêng còn nhiều khó khăn, phương pháp giảng dạy chủ yếu theo cách truyền thống, giáo viên truyền đạt kiến thức chính trong sách giáo khoa.

Điều kiện tiếp xúc cũng như rèn luyện, thực hành thường xuyên của học sinh còn hạn chế, vì thế tâm lý các em còn e ngại, thiếu tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Anh. Nắm bắt tâm lý đó, thầy Thuật đã chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy, đặc biệt là luôn lấy học sinh làm trung tâm, xây dựng môi trường dạy và học thân thiện.

Thầy giáo Võ Chiến Thuật (ngoài cùng bên trái) trong chuyến dẫn đoàn học sinh tham gia tour trải nghiệm tiếng Anh -Ảnh: NVCC
Thầy giáo Võ Chiến Thuật (ngoài cùng bên trái) trong chuyến dẫn đoàn học sinh tham gia tour trải nghiệm tiếng Anh -Ảnh: NVCC

Chú trọng thiết kế bài giảng phù hợp với từng đối tượng học sinh để các em có thể tiếp cận kiến thức và tham gia các hoạt động một cách dễ dàng. Đa dạng hóa nội dung và hình thức bài giảng bằng cách lồng ghép thêm kiến thức từ các nguồn báo chí, truyền hình, internet, chơi trò chơi, giải câu đố, đọc thơ, hát bằng tiếng Anh...

Qua đó, làm cho không khí tiết học thêm phần sinh động, học sinh hứng thú, dễ dàng tiếp cận và hiểu bài nhanh hơn.

Bên cạnh đó, thầy Thuật còn ân cần quan tâm, nắm bắt rõ học lực của học sinh để có định hướng bồi dưỡng, phân công bạn kèm bạn, động viên học sinh tích cực hơn trong học tập. Để giúp học sinh củng cố kiến thức một cách tốt nhất, đồng thời có thể vận dụng vào thực tiễn, tăng khả năng giao tiếp tiếng Anh, thầy chủ động triển khai nhiều phương pháp dạy học thiết thực và bổ ích, được nhà trường, phụ huynh và học sinh hưởng ứng cao.

Nổi bật là thầy đã thành lập câu lạc bộ tiếng Anh, nhóm nhạc chuyên thể hiện những ca khúc tiếng Anh; kết nối với các công ty du lịch xây dựng tour cho học sinh tham quan, trải nghiệm tại các thành phố có đông khách du lịch nước ngoài.

Thông qua các hoạt động này, nhiều học sinh của trường dần đam mê hơn với bộ môn Tiếng Anh. Một số em có thể tự tin giao tiếp với khách nước ngoài, biểu diễn các bài hát tiếng Anh trên sân khấu.

Đặc biệt số học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh các cấp, thi tiếng Anh qua mạng internet (IOE) ngày càng tăng và đoạt nhiều giải cao.

Thầy Thuật chia sẻ: “Trong điều kiện dạy và học môn Tiếng Anh ở miền núi còn nhiều khó khăn, nhất là học sinh còn e ngại giao tiếp, chưa có môi trường thực hành sử dụng kỹ năng ngôn ngữ, tôi cố gắng tìm tòi, đổi mới cách dạy nhằm tạo không khí học tập hứng thú, khơi dậy niềm đam mê học tiếng Anh cho học sinh, góp phần thu hẹp sự chênh lệch về chất lượng giáo dục của miền núi với đồng bằng và các tỉnh, thành trong cả nước”.

Nhờ những hoạt động tích cực của thầy Thuật, chất lượng bộ môn Tiếng Anh tại Trường THCS Khe Sanh được nâng lên đáng kể. Từ năm 2015 đến nay, thầy Thuật được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa tin tưởng giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh.

Qua các năm thực hiện nhiệm vụ, thầy đã giúp đội tuyển môn Tiếng Anh của huyện gặt hái được nhiều giải cao, trong đó có 3 năm liên tục đoạt giải nhất và nhiều giải khác.

Nhiều năm liền thầy được công nhận là giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp, được UBND huyện Hướng Hóa, Trường THCS Khe Sanh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện.

Hiệu trưởng Trường THCS Khe Sanh Trần Văn Hoàng cho biết: “Thầy Thuật là một giáo viên tâm huyết, luôn miệt mài vun đắp tình yêu tiếng Anh cho bao thế hệ học sinh. Thầy luôn mang đến cho học sinh những tiết học tiếng Anh sôi nổi, khơi dậy niềm hứng thú, đam mê của học sinh đối với môn học này, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh tại nhà trường. Với chuyên môn vững vàng, sự tận tâm hết lòng vì công việc, thầy luôn là tấm gương sáng được nhà trường, đồng nghiệp, phụ huynh và học trò tin tưởng, yêu quý”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Truyền dạy nghề dệt thổ cẩm trong trường học

Minh Long |

Để góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ở địa phương, Trường Tiểu học và THCS A Túc, xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thành lập Câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp dệt, may mặc trang phục truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô. CLB ra đời không chỉ góp phần giúp các em thêm yêu hơn những văn hoá đặc sắc của dân tộc mình mà còn tạo môi trường giáo dục mở vừa học chữ, vừa tìm hiểu nghề truyền thống, gắn giáo dục với hướng nghiệp, phát triển nghề dệt cho học sinh.

Học sinh vùng cao dùng nhạc rap tuyên truyền phòng chống tảo hôn

Tây Long |

Lớn lên ở vùng cao, em Nguyễn Cửu Quang Hà (sinh năm 2010) từng chứng kiến những “đám cưới trẻ con”. Biết hệ lụy mà tảo hôn gây ra, Quang Hà đã cùng cô giáo chọn một bản nhạc rap thịnh hành, viết lại lời để tuyên truyền phòng chống hủ tục này. Sau khi được chia sẻ trên trang của chương trình “Cặp lá yêu thương”, video của Hà đã tạo “bão mạng”.

Quan tâm phát triển các câu lạc bộ văn hoá truyền thống ở Hướng Hóa

Kô Kăn Sương |

Hướng Hoá (Quảng Trị) có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô. Xác định bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trong thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả, trong đó việc xây dựng, duy trì và phát triển hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) văn hoá truyền thống rất được quan tâm.

Văn hóa học đường: Hài hòa giữa truyền thống và hiện đại

Hồ Sỹ Anh |

Việc ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên là bước tiến bộ trong ứng xử văn hóa ở nhà trường. Tuy nhiên, gần đây đã xảy ra một số bất thường trong văn hóa học đường, mâu thuẫn giữa học sinh (HS) với HS, giữa HS với thầy, cô mà thực chất là mâu thuẫn giữa cách ứng xử truyền thống và hiện đại trong môi trường giáo dục.