Truyền dạy nghề dệt thổ cẩm trong trường học

Minh Long |

Để góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ở địa phương, Trường Tiểu học và THCS A Túc, xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thành lập Câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp dệt, may mặc trang phục truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô. CLB ra đời không chỉ góp phần giúp các em thêm yêu hơn những văn hoá đặc sắc của dân tộc mình mà còn tạo môi trường giáo dục mở vừa học chữ, vừa tìm hiểu nghề truyền thống, gắn giáo dục với hướng nghiệp, phát triển nghề dệt cho học sinh.


Trường Tiểu học và THCS A Túc, huyện Hướng Hóa có 576 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, trong đó 93,4% là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong khuôn khổ nội dung chương trình học hằng năm, nhà trường linh động thiết kế các nội dung, chương trình về bảo tồn văn hóa dân tộc một cách phù hợp. Các hoạt động về giữ gìn bản sắc văn hóa ở trường được tổ chức phong phú, đa dạng và ngày càng đem lại hiệu quả cao.

Nhận thấy dệt thổ cập là một nghề truyền thống tốt đẹp chưa được triển khai tại trường học, nhà trường đã chủ động phối hợp với Tổ chức Plan xây dựng đề án hỗ trợ CLB khởi nghiệp dệt, may mặc trang phục truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Việc dạy nghề dệt thổ cẩm cho học sinh và giáo viên của nhà trường là việc làm cần thiết và cấp bách bởi giúp cho giáo viên người địa phương được học, củng cố và nâng cao các kỹ năng của dệt thổ cẩm.

Các thành viên CLB khởi nghiệp dệt, may mặc trang phục truyền thống của đồng bào Vân Kiều - Pa Kô của Trường Tiểu học và THCS học dệt thổ cẩm -Ảnh: M.L
Các thành viên CLB khởi nghiệp dệt, may mặc trang phục truyền thống của đồng bào Vân Kiều - Pa Kô của Trường Tiểu học và THCS học dệt thổ cẩm -Ảnh: M.L

Giáo viên là người địa phương nên thuận lợi phát huy được bản sắc văn hoá và thời gian tiếp cận nhanh. Việc triển khai dạy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô nhằm lưu giữ nét truyền thống văn hoá từ lâu đời, tạo việc làm, trong đó quan tâm đào tạo nghề cho học sinh để các em có thể phát triển nghề, tạo thu nhập trong tương lai.

Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, giữa tháng 5/2024, Trường Tiểu học và THCS A Túc tổ chức ra mắt CLB khởi nghiệp dệt, may mặc trang phục truyền thống với 27 thành viên nữ là giáo viên và học sinh. Việc thành lập CLB nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo học sinh, phụ huynh và Nhân dân địa phương.

Em Hồ Thị Hâu, học sinh lớp 9, Trường Tiểu học và THCS A Túc - thành viên CLB chia sẻ: “Khi được tham gia CLB dệt thổ cẩm tại trường, em cảm thấy rất vui vì em được tìm hiểu về nghề truyền thống của dân tộc mình. CLB trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản về nghề dệt cho em, giúp em có định hướng về nghề nghiệp trong tương lai, đặc biệt là có cơ hội bồi đắp thêm tình yêu văn hóa truyền thống”.

Để CLB hoạt động có hiệu quả, Ban Giám hiệu nhà trường, Tổ chức Plan, Ban chủ nhiệm CLB khảo sát, tìm hiểu thực trạng nghề dệt thổ cẩm, xây dựng kế hoạch hoạt động và thành lập tổ học dệt thổ cẩm tại trường. Thời gian học nghề linh hoạt vào buổi tối, ngày nghỉ của giáo viên và học sinh.

Theo kế hoạch, Tổ chức Plan hỗ trợ thiết kế mẫu sản phẩm cho các thành viên CLB học và thực hành như: túi xách, ba lô, khăn quàng cổ, giày, khăn trải bàn, vỏ gối, võng, cà vạt, móc khoá, ví cẩm tay... nhằm làm cho mẫu sản phẩm từ vải thổ cẩm trở nên đa dạng hơn phục vụ thị hiếu, nhu cầu khách hàng.

Tổ chức Plan cũng hỗ trợ nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị tạo ra những sản phẩm truyền thống cách tân hiện đại nhưng lại giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả cạnh tranh trên thị trường như: máy khâu, máy vắt sổ, sợi chỉ, sợi len, cườm và phụ kiện, dây dù, kéo cắt chỉ thừa, kéo cắt vải... Hỗ trợ tập huấn, dạy nghề, tìm kiếm thị trường.

Hỗ trợ hoạt động quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm cụ thể như: pa nô tại sân trường và tranh về hoạt động dệt thổ cẩm, người mặc trang phục thổ cẩm, trưng bày các sản phẩm vải thổ cẩm, thành phẩm (quần, áo, chân váy, áo dài,...), máy móc, khung dệt... tại phòng truyền thống nhà trường; quảng bá các hoạt động, sản phẩm của CLB qua zalo, facebook...

Cô giáo Hồ Thị Hậu, Chủ nhiệm CLB cho biết: “CLB ra mắt là bước khởi đầu để từng bước khôi phục và lan tỏa nghề dệt truyền thống. Thời gian tới, đặc biệt là trong hè năm nay các em sẽ được các nghệ nhân tại địa phương truyền dạy các bước cơ bản như lên khung, xếp sợi, tạo hình và dệt sản phẩm cụ thể, thực hành và trải nghiệm nghề dệt tại trường học. Hy vọng, CLB sẽ là sân chơi bổ ích giúp học sinh phát triển những phẩm chất, tư duy, tình cảm, đạo đức tốt đẹp và rèn luyện những kỹ năng cần thiết”.

Nghề dệt thổ cẩm đã có từ rất lâu đời, là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS ở Hướng Hoá. Tuy nhiên, hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đang đối diện với nguy cơ mai một. Ngoài việc khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, dạy nghề, mở lớp dạy nghề, thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm... thì việc hướng nghiệp nghề truyền thống trong trường học là rất cần thiết.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Túc Trần Xuân Linh cho biết: “Dạy nghề dệt thổ cẩm trong trường học là một hướng đi mới. CLB đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo việc làm thêm cho các lao động tại địa phương nhằm cải thiện mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo; khuyến khích được việc giữ gìn nghề truyền thống, tạo môi trường giáo dục mở vừa học chữ, vừa tìm hiểu nghề truyền thống, gắn giáo dục với hướng nghiệp, phát triển nghề dệt cho học sinh đam mê, góp phần không để nghề dệt truyền thống bị mai một”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Doanh nghiệp may mặc “đón sóng” đơn hàng mới

Mai Lâm |

Sau thời gian khủng hoảng, sản xuất cầm chừng vào năm 2023, bắt đầu từ tháng 3/2024, nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đón nhận những đơn hàng mới. 

Doanh nghiệp may mặc chủ động đào tạo nghề cho người lao động

Mai Lâm |

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn áp dụng trong thời gian gần đây là tuyển dụng lao động gắn với đào tạo tại chỗ. Sự chủ động này của doanh nghiệp đã giúp nhiều lao động phổ thông nhanh chóng có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.

Người phụ nữ Vân Kiều tâm huyết bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Minh Long |

Sinh ra trong gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm nên chị Hồ Thị Khay, người dân tộc Vân Kiều ở khóm Ka Túp, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có cơ hội tiếp xúc với nghề này từ lúc còn nhỏ. 

Hơn 58,3 tỉ đồng đầu tư dự án dệt may tại Cụm công nghiệp Diên Sanh

Minh Long |

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư đối với Công ty TNHH Dệt may VTJ TOMS triển khai dự án “Xưởng may hoàn tất” với tổng vốn đầu tư hơn 58,3 tỉ đồng tại Cụm công nghiệp Diên Sanh, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng.