Người phụ nữ Vân Kiều tâm huyết bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Minh Long |

Sinh ra trong gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm nên chị Hồ Thị Khay, người dân tộc Vân Kiều ở khóm Ka Túp, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có cơ hội tiếp xúc với nghề này từ lúc còn nhỏ. 

Với niềm đam mê đặc biệt, chị đã kiên trì học và thực hành một cách thành thạo, tạo nên những sản phẩm thổ cẩm đặc sắc. Hiện nay, mặc dù nghề dệt thổ cẩm có nguy cơ bị mai một, số người còn biết dệt đếm trên đầu ngón tay thì chị Khay vẫn giữ được nghề này.

Ngày trước, ở quê Khay nhiều người biết dệt thổ cẩm, trong đó có bà ngoại và mẹ chị. Sau những giờ lên nương rẫy sản xuất vất vả, đêm về, bà ngoại và mẹ lại ngồi bên khung cửi dệt vải, những lúc như thế Khay luôn bám sát lưng mẹ, chăm chú xem dệt. Âm thanh kẽo kẹt của khung cửi cùng những cuộn chỉ đa sắc màu đã cuốn hút, đem đến cho Khay niềm yêu thích khó tả. Chính vì thế, khi mới lên 6 tuổi, Khay xin ngoại và mẹ truyền dạy cách dệt.

Việc học nghề dệt thủ công rất khó, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Khay bắt đầu từ việc học căng chỉ, luồn chỉ, đạp chân, đưa thoi…, tập trung cao độ để mọi động tác dệt luôn nhịp nhàng, chuẩn xác. Đôi bàn tay Khay học được sự tỉ mẫn và kiên trì, bền bỉ với khung cửi. Dệt càng khó bao nhiêu, Khay quyết tâm học và rèn luyện bấy nhiêu.

Sự kiên trì ấy cuối cùng cũng mang đến thành công. Năm 16 tuổi, Khay đã biết dệt thành thạo tất cả các sản phẩm như khăn, áo và váy của người Vân Kiều.

Chị Khay trình diễn nghề dệt thổ cẩm tại Hội chợ Thương mại huyện Hướng Hóa năm 2023 - Ảnh: M.L
Chị Khay trình diễn nghề dệt thổ cẩm tại Hội chợ Thương mại huyện Hướng Hóa năm 2023 - Ảnh: M.L
Khi đã biết dệt, Khay lại tiếp tục học cách cắt và may áo, váy hoàn toàn bằng thủ công. Sau này, bà ngoại và mẹ già yếu, tất cả trang phục truyền thống của thành viên trong gia đình đều do Khay tự tay dệt và cắt may.

Khi đi lấy chồng, Khay vẫn mang theo nghề dệt. Hàng ngày, bận bịu với công việc nương rẫy, con nhỏ, đêm về chị tranh thủ ngồi vào khung dệt. Vừa dệt theo các mẫu hoa văn mình đã biết, chị vừa nghiên cứu học hỏi các mẫu hoa văn mới.

Nhờ vậy, kỹ năng dệt của chị ngày càng tiến bộ, tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp với những hoa văn độc đáo.

Chị Khay chia sẻ: “Dệt thổ cẩm có rất nhiều công đoạn, công đoạn nào cũng công phu. Khó nhất vẫn là việc chọn chỉ, luồn chỉ sao cho vừa khớp với cấu tạo của khung, vừa tạo ra được nhiều hoa văn đa dạng. Chỉ cần người dệt kiên trì, khéo tay và có sự sáng tạo thì sẽ làm được”.

Với sự giao thoa văn hóa các vùng miền ngày càng mạnh mẽ, trang phục truyền thống của người Vân Kiều ở địa phương ngày càng ít đi. Hiện nay, người dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa sử dụng trang phục người Kinh ngày càng nhiều.

Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm của người Vân Kiều có nguy cơ bị mai một. Một số ít gia đình vẫn còn lưu giữ khung cửi nhưng chỉ cất vào kho như một vật kỷ niệm. Đó chính là điều mà chị Khay luôn trăn trở.

Vẫn biết là sẽ rất khó khăn nhưng chị vẫn âm thầm giữ gìn nghề dệt truyền thống. Hiện nay, trong vùng rất hiếm thợ còn biết đóng khung dệt, sợi dệt truyền thống cũng không còn, chị Khay đã cùng chồng tìm tòi, nghiên cứu tự đóng khung cửi và sang Lào vừa tìm người để học tập kinh nghiệm, kỹ năng dệt vừa tìm mua sợi dệt.

Vừa qua, nhân dịp Hội chợ Thương mại huyện Hướng Hóa năm 2023 kỷ niệm 55 Ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa (1968 - 2023), chị đăng ký tham gia, đưa các sản phẩm mình dệt được cùng với khung cửi, sợi dệt về tại hội chợ vừa trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của người Vân Kiều, vừa trình diễn dệt vải để giới thiệu đến du khách gần xa khách về nghề dệt thổ cẩm của người Vân Kiều.

Chị Khay cho biết thêm: “Hiện nay, người Vân Kiều biết dệt thổ cẩm còn quá ít. Do đó, trong khả năng của mình, tôi tiếp tục học hỏi để dệt những mẫu hoa văn phức tạp, cầu kỳ hơn và mong muốn giới thiệu đến mọi người về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Vân Kiều thông qua những trang phục truyền thống do chính tay mình dệt, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của người Vân Kiều ở địa phương. Tôi mong có cơ hội truyền dạy cho những ai tâm huyết, yêu nghề này”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hành trình chinh phục vinh quang của cô gái Vân Kiều

Hoài Diễm Chi |

Hồ Thị Loan (sinh năm 1991), ở khóm A Rồng, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông (Quảng Trị), là vận động viên (VĐV) môn bơi. 

Cần quan tâm phát triển nghề dệt thổ cẩm ở A Bung

Kô Kăn Sương |

Bao đời qua, người Pa Kô ở xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị) vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm của cha ông để lại. Trước tâm huyết đó của người dân, chính quyền địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện để họ bảo tồn và phát triển nghề dệt độc đáo của dân tộc mình. 

Bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống

PV |

Bao đời nay, cùng với các lễ hội truyền thống, dệt thổ cẩm cũng là niềm tự hào đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Cần lối mở cho nghề dệt thổ cẩm ở A Bung

Đức Việt |

Những tấm thổ cẩm đủ sắc màu đẹp mắt được dệt nên bởi đôi bàn tay tinh tế của người phụ nữ Pa Kô ở xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị), từ lâu là niềm tự hào của người dân nơi đây. Nhiều khách hàng sở hữu tấm thổ cẩm A Bung cũng rất ấn tượng với sản phẩm truyền thống này. Tuy vậy, đến nay những người gắn bó với thổ cẩm A Bung vẫn chưa thể sống được với nghề, dù đã có nhiều nỗ lực từ chính quyền địa phương và người dân.