Bao đời qua, người Pa Kô ở xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị) vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm của cha ông để lại. Trước tâm huyết đó của người dân, chính quyền địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện để họ bảo tồn và phát triển nghề dệt độc đáo của dân tộc mình.
Tuy nhiên, để nghề truyền thống này phát triển bền vững, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành góp phần xây dựng sản phẩm đặc trưng, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo tồn được những giá trị văn hóa đặc sắc của người Pa Kô.
Trước đây, ở A Bung có khoảng 12 hộ gia đình dệt thổ cẩm làm ra sản phẩm có màu sắc, mẫu mã chưa phong phú. Chỉ biết cách dệt thổ cẩm cơ bản nên chị Đoàn Thị Nga ở thôn A Bung luôn mong muốn làm sao dệt được những tấm vải đẹp, bắt mắt, tạo ra những bộ trang phục thẩm mỹ, góp phần phát triển nghề dệt truyền thống của người Pa Kô.
Vì vậy, hơn 20 năm trước, chị cất công lên huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tìm đến những nghệ nhân dệt thổ cẩm có tiếng để học nghề. Vốn có năng khiếu dệt vải nên chị nhanh chóng nắm bắt cách kết cườm tạo ra nhiều kiểu đẹp trên nền vải sặc sỡ. Khi đã lành nghề, chị về lại A Bung, tuyên truyền, vận động chị em trong thôn, xã cùng tham gia dệt thổ cẩm.
Chị Nga chia sẻ: “Lúc đó, đời sống kinh tế của người dân ở địa phương còn khó khăn lắm, sản phẩm thổ cẩm làm ra chủ yếu tự cung, tự cấp, chưa biết cách tìm kiếm khách hàng, không có kinh phí nhập vật liệu về làm...
Vì vậy, chị em chúng tôi chỉ tranh thủ cùng nhau dệt vải vào những lúc nông nhàn như buổi tối hoặc khi đã hoàn thành sản xuất mùa màng. Thật may mắn, từ năm 2007 - 2009, Chương trình Phát triển nông thôn Quảng Trị hỗ trợ các dụng cụ, nguyên liệu sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ thành lập Nhóm dệt thổ cẩm A Bung, quảng bá sản phẩm và lắp đặt biển quảng cáo, pa nô, áp phích... nhằm kết nối thị trường. Tôi và một số chị lành nghề dệt ở xã được tham gia nhóm dệt. Chúng tôi tận tình giúp đỡ, hướng dẫn, truyền dạy cho những chị em khác trong nhóm.Quá trình hoạt động, nhiều chị em rất thích thú, tâm huyết với nghề truyền thống. Năm 2013, UBND xã chứng thực hợp đồng hợp tác bước đầu thành lập Tổ dệt thổ cẩm A Bung với 5 thành viên (hiện nay tổng số thành viên của tổ là 35 người/25 hộ), tôi được cử làm tổ trưởng.
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình dệt thổ cẩm của chị em trong tổ gặp một số khó khăn, nhất là về vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Vì thế, tổ sản xuất cầm chừng, chỉ nhập về được ít nguyên liệu nên sản phẩm làm ra không nhiều, mức thu nhập bình quân chưa cao, chưa thực sự sống được bằng nghề này”.
Các thành viên của Tổ dệt thổ cẩm A Bung tập trung ở thôn Cu Tài 1, Cu Tài 2, A Bung và A Luông, dệt vải những lúc nhàn rỗi và tại nhà. Nguyên liệu dệt thổ cẩm chủ yếu là sợi màu đen (75%), màu đỏ (20%), một ít màu khác (5%) và cườm các loại (chủ yếu màu trắng) được mua tại chợ A Lưới. Đối với thợ lành nghề, bình quân mỗi tấm vải kiểu đơn giản dệt khoảng 3 ngày, vải có mẫu cầu kỳ thì 5 - 10 ngày.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm không nhiều, chủ yếu bán cho người dân ở địa phương và một số xã lân cận phục vụ nhu cầu sử dụng trong những ngày lễ hội, cưới hỏi và sử dụng làm đồng phục của CBCC xã A Bung vào thứ 2 hằng tuần. Giá bình quân 1 tấm (quần + áo) có đính cườm khoảng 600.000 đồng/bộ; không có cườm khoảng 450.000 đồng/ bộ, sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu lãi 400.000 đồng/bộ (loại có đính cườm), 300.000 đồng/bộ (loại không đính cườm), công bình quân 80 - 100 ngàn đồng/người/ngày.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, nghề dệt nếu có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định sẽ mang lại thu nhập thêm khá tốt cho người dân ở xã A Bung.
Bên cạnh những thuận lợi, nghề dệt thổ cẩm ở A Bung hiện gặp không ít khó khăn. Do phong tục tập quán nên chị em chỉ dệt tại nhà là chủ yếu, rất khó dệt tập trung. Nhu cầu sử dụng loại vải thổ cẩm chưa rộng rãi nên sản phẩm được dệt may ít, thu nhập không đều, không ổn định nên nhiều người không mấy mặn mà và gắn bó với nghề.
Do dệt bằng thủ công, chưa được đầu tư máy móc hiện đại nên việc dệt thổ cẩm mất nhiều thời gian, đường may chưa được tinh xảo dẫn đến mẫu mã chưa đẹp, giá thành cao hơn so với các sản phẩm cùng loại ở địa phương khác. Việc mua nguyên liệu đầu vào còn khó khăn, cộng thêm chi phí đi lại dẫn đến thiếu nguyên liệu cho sản xuất. Phần lớn các thành viên của tổ dệt là con em hộ nghèo, gia đình khó khăn nên thiếu vốn để mua vật liệu duy trì và phát triển nghề này.
Phó Chủ tịch UBND xã A Bung Hồ Văn Hiền cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm ở A Bung có đối tượng và ngành nghề phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành nghề ở nông thôn. Việc phát triển nghề góp phần tăng doanh thu cho các hộ dân nhằm cải thiện mức sống ở nông thôn. Sản phẩm dệt thổ cẩm có thể mua bán, sử dụng, tặng cho như một món quà lưu niệm…
Vì vậy, cần thiết phải mở rộng, phát triển nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn xã. Để nghề truyền thống này phát triển bền vững, chính quyền địa phương đề nghị các cấp, các ngành, chương trình, dự án quan tâm hỗ trợ thiết kế các mẫu hoa văn, sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Hỗ trợ máy móc, thiết bị hiện đại để sản phẩm tinh xảo, giảm giá thành, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm.
Khảo sát mua vật liệu đầu vào để hỗ trợ cho các thành viên của tổ dệt. Liên hệ các đại lý mua bán các mặt hàng dệt thổ cẩm trên địa bàn huyện Đakrông, huyện A Lưới và các địa phương khác để giới thiệu sản phẩm, làm đại lý đầu mối bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí để khuyến khích và phát triển nghề truyền thống của địa phương”.
(Nguồn: Phụ nữ mới)