Độc đáo “cơm khách” của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô

Lê Minh Hà |

Rất nhiều năm tháng lang bạt ở núi rừng Trường Sơn, lưu lại trong tôi vẫn là kí ức đẹp về những tháng ngày sống cùng đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị. Thời gạo thơm, cá ngọt, rau rừng, măng suối… trở thành đặc sản. Cùng với đó là bữa “cơm khách” mang đậm tình hiếu khách của đồng bào; hơn thế, nó là văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử của người Vân Kiều, Pa Kô.

 

Bắt đầu những mùa lễ hội, chúng tôi rong ruổi giữa núi rừng Trường Sơn để tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Đi qua những con đường, những bản làng với mái nhà sàn ẩn dưới tán quế, dưới hàng trẩu đến mùa nở hoa thật thi vị. Dù còn nhiều khó khăn nhưng từ sức sống mãnh liệt của con người, của núi rừng khiến chúng tôi ao ước, và không khỏi khắc khoải, nhớ nhung khi rời xa bản làng. Khi ở bản, chúng tôi tìm một số điểm cao để nhìn hết vẻ đẹp bao trùm lên vùng đất còn nhiều gian lao và nghèo khó.

Phong cảnh bản làng miền Tây Quảng Trị hấp dẫn du khách
Phong cảnh bản làng miền Tây Quảng Trị hấp dẫn du khách

Sống trong môi trường thuần nông, hơn 87 ngàn đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị chủ yếu canh tác bằng hình thức nông nghiệp nương rẫy và trồng rừng. Thời gian còn lại đồng bào tận dụng tìm lâm sản cho phép, những thú rừng không nằm trong danh mục cấm săn bắt và hình thức đánh cá. Những hoạt động này nhằm hỗ trợ thêm bữa ăn cho gia đình, hoặc thi thoảng một nhóm người trong thôn bản quây quần nhau lại nâng chén rượu xua đuổi cái lạnh mùa đông. Cũng từ những hoạt động mùa màng, nương rẫy, săn bắt đã hình thành lễ hội cổ truyền trong đồng bào Vân Kiều, Pa Kô nhằm biết ơn trời đất, sông suối, núi rừng đã “cho” đồng bào đời sống ấm no, hạnh phúc và bình yên.

Lễ hội Ariêu Ping của đồng bào Pa Kô tỉnh Quảng Trị
Lễ hội Ariêu Ping của đồng bào Pa Kô tỉnh Quảng Trị

Trong cái rét căm căm, anh Hồ Văn Trung, 40 tuổi, người Vân Kiều thôn R’lây (xã Ba Nang, huyện Đakrông) rủ chúng tôi vào rừng “thăm bẫy”. Men theo suối, qua đồi, lại qua… suối, cuối cùng chúng tôi mới có được thành quả là chú gà rừng. Trung hồ hởi: “Như thế cũng đủ làm mồi, về uống rượu thôi, tối thích thì đi bắt cá”. Dọc đường về nhà Trung kể rất nhiều chuyện đi săn thú, chuyện nào cũng ly kì hấp dẫn nhưng đã xảy ra cách đây rất lâu. Có những chuyện từ sau ngày giải phóng như săn bắt lợn lòi, Trung kể lại qua câu chuyện truyền miệng nhau: việc săn bắt ngày xưa hào hùng dữ lắm, bắt lợn, bắt nai rừng bằng lưới. Có khi con lợn lên tới mấy trăm cân. Việc săn bắt này cũng tạo nên bữa ăn lớn, thu hút nhiều người tới trong đó có khách phương xa nên cũng có “cơm khách” để thiết đãi bạn bè.

 

Người Vân Kiều có lễ mừng cơm mới, lễ cúng rẫy, lễ cúng thần làng; người Pa Kô có lễ Ariêu Ping (hiến sinh, bốc mộ), lễ cơm mới… Tất cả lễ hội đều là hình thức sinh hoạt cổ truyền gắn liền với cộng đồng dân cư. Các hoạt động lễ hội hầu hết diễn ra sau thời gian nông nhàn. Riêng Ariêu Ping của người Pa Kô có tính chất định kì.

Mâm cơm kháchvới đầy đủ “lễ” của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều
Mâm cơm khách với đầy đủ “lễ” của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều


Nghệ nhân ưu tú K’ray Sức, dân tộc Pa Kô ở xã Tà Rụt (huyện Đakrông) cho hay: “Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, Ariêu Ping vẫn giữ được trọn vẹn lễ hội văn hóa tâm linh mang đậm giá trị truyền thống của đồng bào Pa Kô, nó có sức ảnh hưởng, lan tỏa lớn lao đến cộng đồng tộc người, kể cả người Kinh sống cùng lãnh thổ. Những hoạt động lễ hội này thường có sự tham dự của những người trong dòng họ, bản làng (với tính chất bắt buộc) và thu hút du khách tham gia. Từ đó, có sự đón tiếp bằng những bữa “cơm khách” đậm đà hương vị và bản sắc núi rừng Trường Sơn”.

Chúng tôi đi nhiều nơi khác nhau, từng nếm trải những mùi vị “cơm khách” và cả… tình người trong đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở Trường Sơn. Và chúng tôi có ước mong một ngày nào đó trong xu thế chung của thời đại, những tầng sâu văn hóa được khai thác để đưa vào phát triển du lịch. Bởi lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị có nhiều đặc sắc, vừa mang tính cổ truyền vừa phù hợp với thời đại. Bên cạnh đó, du lịch văn hóa cũng giúp các lễ hội cổ truyền của người Vân Kiều, Pa Kô được gìn giữ, tồn tại và phát triển cùng cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Mâm cơm khách với những món ăn bản địa được bày biện đẹp, hấp dẫn mọi người
Mâm cơm khách với những món ăn bản địa được bày biện đẹp, hấp dẫn mọi người

Ông Vỗ Theng, người Vân Kiều thôn Xà Bai (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa) cho chúng tôi hay: Vào mùa lễ hội cũng như thường ngày, khách từ các nơi đến được trân quý, đón tiếp nồng hậu. Bữa cơm khách trong mùa lễ hội khác với “cơm khách” của đời sống cộng đồng cư dân hàng ngày. Cơm lễ hội thường thịnh soạn hơn, đó là những sản vật, thực phẩm sau khi được cúng tế rồi đem mời khách. Còn “cơm khách” thông thường là tấm lòng của chủ nhà đối với khách. Tùy theo điều kiện kinh tế khác nhau của mỗi gia đình mà “cơm khách” có thể bày biện thịnh soạn hoặc đơn sơ. Tuy nhiên vẫn đảm bảo được “lễ” của chủ nhà đối với khách.

 

Cơm để thiết đãi khách cũng được xem là “lễ”. Chúng tôi quan sát thấy trên mâm cơm khách thường có gà, xôi và một số sản vật rừng như măng, ngọn đoác… được bày biện dân dã nhưng kĩ càng, trang trọng. Bên cạnh thức ăn đặt một chai rượu. Chủ nhà trước khi mời khách đều uống trước một ly rượu nhỏ và bày tỏ lòng thành của mình. Khách nói lời cảm ơn chủ nhà, cũng uống một ly rượu đáp lại rồi sau đó mọi người cùng chung vui.

Ông Hồ Văn Phương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Trại Cá (xã Tà Long, huyện Đakrông) sau khi chuẩn bị bữa cơm khách để thiết đãi chúng tôi, tâm sự rằng: Miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng lễ với khách thì phải có, không có là không được, lòng không thấy thoải mái. Khách có quý chủ nhà thì khách mới đến, vì thế mình mới đáp lại một bữa cơm mộc mạc, chân thành của tình người giữa Trường Sơn.

Không chỉ nhà khách ngồi mới bày cơm khách, ở một số nơi trong vùng đồng bào Vân Kiều, Pa Kô có quan niệm “khách của nhà là khách của bản làng”. Khi khách đến, chủ nhà mời cơm, các hộ dân trong xóm cũng mang ít đặc sản, hoặc bữa cơm giản đơn đến góp cùng. Điều này cho thấy vị trí đặc biệt của du khách ở bản làng và sự thân thiện, hiếu khách của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Đưa việc học tiếng Bru - Vân Kiều, tiếng Lào trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong huấn luyện

Đình Tiến |

Thời gian qua, các đồn biên phòng đóng quân tại vùng biên giới của tỉnh đã không ngừng học tập, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từng bước xây dựng và đưa việc học tiếng Lào, tiếng dân tộc trở thành nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị.

Bảo tồn lễ hội cầu mùa của đồng bào Vân Kiều ở Bản Chùa

Anh Vũ |

Lễ cầu mùa hay còn gọi là cầu bông là một trong những phong tục truyền thống, là lễ hội lớn nhất của người dân tộc thiểu số Vân Kiều ở Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Lễ cầu mùa gắn liền với quá trình phát triển của cộng đồng người Vân Kiều ở Quảng Trị nói chung và bản Chùa nói riêng.

131 thanh niên đồng bào Vân Kiều, Pa Kô huyện Hướng Hóa lên đường nhập ngũ

Nguyễn Đình Phục |

Ngày 7/2, 131 thanh niên đồng bào Vân Kiều, Pa Kô huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) lên đường nhập ngũ tại lễ giao nhận quân năm 2023 do huyện tổ chức. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Ly Kiều Vân đến dự.

Tết của người Vân Kiều, Pa Kô xưa và nay

Nguyễn Vinh |

Những ngày này, khi mùa xuân đang về, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đang hối hả hoàn thành nốt những công việc còn lại của năm cũ để đón một cái Tết thật ấm áp, vui tươi. Năm mới, người Vân Kiều, Pa Kô ấp ủ nhiều kỳ vọng tốt lành về một mùa màng bội thu và bản làng ấm no, hạnh phúc.