Tết của người Vân Kiều, Pa Kô xưa và nay

Nguyễn Vinh |

Những ngày này, khi mùa xuân đang về, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đang hối hả hoàn thành nốt những công việc còn lại của năm cũ để đón một cái Tết thật ấm áp, vui tươi. Năm mới, người Vân Kiều, Pa Kô ấp ủ nhiều kỳ vọng tốt lành về một mùa màng bội thu và bản làng ấm no, hạnh phúc.

 

Ngày Tết của người Vân Kiều, Pa Kô

Nghệ nhân ưu tú Kray Sức, dân tộc Pa Kô, ở xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ, Tết cổ truyền của đồng bào Pa Kô gọi là Bún Aza. Đây là một nghi lễ sau khi thu hoạch mùa màng, người Pa Kô tổ chức cúng tất niên (Kârlân cumo-ưnno Aza) để tiễn năm cũ, đón năm mới.

Người Pa Kô không có tục xông đất đầu năm như người Kinh. Trong ngày Tết, người Pa Kô rất coi trọng ngày tất niên thể hiện hiếu nghĩa với bố mẹ, anh chị em trong mối quan hệ về Khơi- Cu Za (nội- ngoại).

Trước lễ cúng, bên phía nhà ngoại chủ động chuẩn bị trước những thứ muốn mang sang nhà nội gồm 10- 20 ống cơm lam, một mâm xôi, một con gà luộc, một bầu rượu nấu, tấm zeng (vải thổ cẩm), gia đình khá giả còn mang gùi gạo nếp, đậy nắp gùi bằng tấm zeng dài hơn và nhiều hơn. Bên nhà nội đáp lại bằng tiền, cá hoặc thịt có giá trị tương đương.

Gia đình ông Hoàng Ba Ná, dân tộc Vân Kiều chuẩn bị hoa cho ngày Tết - Ảnh: N.V
Gia đình ông Hoàng Ba Ná, dân tộc Vân Kiều chuẩn bị hoa cho ngày Tết - Ảnh: N.V

Điều đặc biệt trong nghi thức lễ tất niên, nếu ai đi sớm nhất trước mặt trời lên là rất quý, khi đó gia đình bên kia đón nhận một cách thân mật, hai bên ngồi lại chúc nhau toàn lời hay ý đẹp như banh prěh- cheh chon (mạnh khoẻ- sinh sôi), bui cântê - êcântŏh (vui vẻ - đông hội), xucxiên - yhiên o (giàu có - bình an), moong turúng - đúngpơơh (nhà to - phòng khách rộng), pơơh cârna- hapânnố (đường rộng - đi xa), muh pât arâm aló - muh pó acŏqs achiu (một da một thịt - vui buồn có nhau)…

Bún Aza của người Pa Kô có hai loại, Bún Aza-Kăn (tết nữ), Bún Aza-Kŏŏnh (tết nam). Aza-Kŏŏnh là cấp độ cao nhất của người Pa Kô, tùy theo khả năng kinh tế của các gia đình và dòng họ, nhưng đã là Aza-Kŏŏnh tất nhiên quy mô lớn hơn, nghi thức lễ rộng, nhiều và sâu hơn, lượng khách tham dự ngang tầm Lễ hội Ariêu piing (lễ bốc mả)…

Nghệ nhân ưu tú Kray Sức cho biết thêm, phong tục đón Tết cổ truyền của người Pa Kô và người Vân Kiều tương đồng nhau, chỉ có khác nhau ở chỗ người Pa Kô trong lễ tất niên thì hai bên nội ngoại thăm nhau có tặng vật phẩm và có giá trị tương đương.

Cùng chia sẻ với câu chuyện đón Tết cổ truyền, em Hồ Thị Thoa, 17 tuổi, dân tộc Vân Kiều, ở xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa) cho biết, nét độc đáo trong tết của đồng bào Vân Kiều ngoài các loại thực phẩm thông thường như thịt, cá thì có thêm loại bánh giầy đen, còn gọi là Ayơh. Ayơh là loại bánh có màu đen, hình dạng kiểu như bánh giầy, được rắc vừng lên bề mặt và chỉ khách quý mới được mời.

Ngoài Ayơh, người Vân Kiều còn làm thêm bánh đòn (bánh tét), bánh tai trâu, bánh lam để ăn vào dịp Tết. Theo quan niệm từ trước đến nay của người Vân Kiều, bánh chưng có thể ít, nhưng bánh đòn thì phải nhiều. Ngày Tết cứ vui vẻ như vậy, kéo dài trong 4 ngày: 2 ngày cuối năm và 2 ngày đầu năm. Những ngày này, xóm giềng thăm chúc tết lẫn nhau, sau đó mới đi sang các làng khác, xã khác để chúc Tết đầu năm.

Cần được phục dựng, lưu truyền

Ông Hoàng Ba Ná (82 tuổi), dân tộc Vân Kiều tâm sự, mỗi lần Tết đến, xuân về ông được con cháu mua sắm áo quần mới, ăn uống ngon hơn nhưng vẫn nhớ cái Tết xưa. Nhớ nhất là khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, nhớ tiếng khèn, tiếng cồng chiêng và cả những làn điệu mang đậm bản sắc của người Vân Kiều.

Chia sẻ về sự khác nhau giữa Tết xưa và nay, nghệ nhân ưu tú Kray Sức cho biết, từ 50 năm trở lại đây, cuộc sống giữa miền xuôi và miền ngược giao thoa sâu rộng, người Pa Kô tiếp nhận cách tổ chức tết Nguyên đán của người Kinh nên ít nhiều một số phong tục có phần bị thay đổi, mai một dần.

Trong đó, riêng về trang phục truyền thống ngày tết hiện chỉ còn những bậc cao niên mới mặc, còn người trẻ thì rất ít mặc. Ngày xưa thường sử dụng các làn điệu Calơi, Chachâp và Tăng-y trong ngày Tết nhưng nay các làn điệu cổ xưa ít đi, thay vào đó là các làn điệu mới ra đời.

Do đó, để bảo tồn bản sắc văn hóa, phong tục (trừ những hủ tục) của người Pa Kô nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị nói chung rất cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ. Trong đó, sớm có kế hoạch quy hoạch, dự án phát triển văn hóa, coi công tác bảo tồn Bún AZa và các lễ hội khác của người Vân Kiều, Pa Kô tương xứng như thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo.

Khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của người Vân Kiều, Pa Kô để kịp thời ngăn chặn nguy cơ mai một, sai lệch hoặc thất truyền.

Có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa và văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số trong tỉnh; lồng ghép các chương trình đầu tư vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa, qua đó giúp đồng bào Vân Kiều, Pa Kô nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Huyền chia sẻ, ngày Tết người dân Hướng Hóa nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vui lắm. Để giúp người Vân Kiều, Pa Kô giữ được bản sắc văn hóa, ngày 28/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hướng Hóa đã ban hành Nghị quyết số 02 về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện.

Theo đó, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhằm phục dựng lễ hội cho người Vân Kiều và Pa Kô. Một trong những lễ hội tiêu biểu nhất của người Vân Kiều là lễ hội “Mừng lúa mới”. Đây là dịp để bà con báo cáo thần linh rằng đã thu hoạch xong vụ mùa và xin tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, đem đến vụ mùa bội thu, bản làng yên ấm.

Mới đây, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa mở 3 lớp dạy chơi cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô cho gần 300 học viên là người Vân Kiều, Pa Kô. Hai dân tộc này có nét văn hóa tương đồng, cùng chung sống trên dãy Trường Sơn, sử dụng chung các loại nhạc cụ trong đời sống thường ngày và lễ hội. Mỗi lần tổ chức lễ hội hay truyền dạy các loại nhạc cụ truyền thống, người Vân Kiều, Pa Kô vui lắm vì được hòa mình trong không gian lễ, Tết của dân tộc mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nhớ Tết quê hương

Nguyễn Thị Thúy Ái |

Từ bao đời nay, người dân Quảng Trị vốn rất trọng ông bà tổ tiên, mỗi dịp cúng giỗ, lễ, Tết thường sắm sửa những mâm cỗ cúng đầy đủ, ngon sạch, tươm tất và đẹp mắt để thể hiện lòng thành kính của mình với người đã khuất.

Trang hoàng nhà cửa đón Tết

Mai Lâm |

Theo văn hóa của người Việt, nhà cửa sạch sẽ, tươm tất trong những ngày đầu năm sẽ đón được nhiều may mắn và phúc lộc hơn. Vì thế, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, tạo không gian ấm áp, tươi sáng trong ngôi nhà là điều không thể thiếu ở mỗi gia đình. Dù bận rộn với công việc, cuộc sống mưu sinh nhưng những ngày cận Tết, nhà nhà, người người đều tranh thủ dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Tết.

Nhớ Tết xưa

Hoàng Toàn |

Những ngày cuối năm gấp gáp vội vã. Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống quá nhiều thay đổi Tết giờ khác xưa nhiều quá. Tôi lại bồi hồi nhớ về Tết xưa bình yên, giản dị, đầm ấm.

Tập trung kiểm soát dịch bệnh khu vực biên giới trong dịp tết Nguyên đán

Minh Đức |

Trong năm 2022, tình hình COVID-19 tạm thời được kiểm soát. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, các biến thể mới có khả năng xuất hiện làm dịch bệnh phức tạp trở lại.