Theo văn hóa của người Việt, nhà cửa sạch sẽ, tươm tất trong những ngày đầu năm sẽ đón được nhiều may mắn và phúc lộc hơn. Vì thế, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, tạo không gian ấm áp, tươi sáng trong ngôi nhà là điều không thể thiếu ở mỗi gia đình. Dù bận rộn với công việc, cuộc sống mưu sinh nhưng những ngày cận Tết, nhà nhà, người người đều tranh thủ dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Tết.
Vợ chồng chị Lê Thị Tú, khu phố Tân Vĩnh, phường Đông Lương, TP. Đông Hà ra ở riêng hơn 6 năm, cũng từng ấy thời gian chị duy trì việc cứ đến kỳ nghỉ cuối tuần sau rằm tháng Chạp là dọn nhà đón Tết. Ở gần ông bà nội, ngoại hai bên nên trong kế hoạch dọn nhà đón Tết của vợ chồng chị luôn có lịch dọn nhà của ba mẹ đẻ và ba mẹ chồng.
Năm nay, thời gian giữa tết Dương lịch với tết Nguyên đán khá gần nhau, công việc cơ quan cuối năm nhiều nên những ngày này vợ chồng chị phải “chạy sô” mới kịp dọn dẹp, trang trí cho cả 3 nhà.
Theo chị, phần quan trọng nhất trong việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chính là gian thờ gia tiên. Đối với người Việt Nam, không gian thờ tự là nơi linh thiêng, tôn kính nhất. Việc chăm chút dọn dẹp căn phòng này cũng như bàn thờ là cách để con cháu tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, những người đã khuất.
Chị Tú chia sẻ: “Tôi được hình thành thói quen dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Tết từ nhỏ. Thời đó, chị em tôi tuy quét nhà còn chưa sạch nhưng lại rất thích được phụ ba mẹ dọn nhà đón Tết. Đó là thời gian cả nhà cùng làm việc quây quần, chuyện trò vui vẻ. Chúng tôi thì háo hức vì khi ba mẹ bắt dọn dẹp, trang trí nhà cửa là đã có thể đếm từng ngày đợi Tết.
Giờ trưởng thành, công việc nhiều nên đôi khi cảm thấy áp lực, mệt mỏi với những ngày cuối năm nhưng thói quen dọn dẹp, trang trí nhà cửa chuẩn bị đón Tết tôi vẫn duy trì. Tùy theo điều kiện kinh tế của từng năm, việc mua sắm, trang trí nhà có thể thay đổi cho phù hợp nhưng không thể không có”.
Tất bật với việc kinh doanh cho đến những ngày cận Tết nên chị Thu Huyền, Phường 5, TP. Đông Hà thường chọn cách thuê người phụ quét dọn nhà cửa, dọn vườn tược vào dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay phần vì quá cận lịch, tìm không được người làm dịch vụ này, phần có 2 cô con gái đi học xa nhà đều được nghỉ sớm về quê ăn Tết nên chị quyết định để các thành viên trong gia đình cùng chung tay dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón Tết.
“Mỗi gia đình có một cách riêng để dọn dẹp, trang trí nhưng tôi nghĩ dù thế nào thì trước tiên mọi không gian trong nhà, ngoài hiên phải sạch sẽ, thoáng đãng đã. Có như vậy, lộc xuân mới theo về, năm mới hanh thông, thuận lợi”, chị Huyền bộc bạch.
Với gia đình chị, giữ gìn nhà cửa vệ sinh, gọn gàng là việc thường xuyên nhưng sau 2 năm do COVID-19, các con không về được, năm nay cả gia đình được đoàn tụ nên để có không khí đón năm mới, chị Huyền quyết định thay đổi nhiều thứ trong gia đình.
Chẳng hạn, chị thay bộ nệm, gối, chăn ga mới; sắp xếp lại chén bát, dụng cụ nhà bếp để loại bỏ những đồ sứt mẻ, cũ kỹ; làm sáng bộ bàn ghế và các đồ dùng, vật dụng ở phòng khách, phòng thờ hay tạm cất một số vật dụng ít dùng trong những ngày Tết để giải phóng không gian…
“Công việc dọn dẹp cực nhất đối với em là giặt rèm cửa. Em phải leo lên, tháo từng chiếc rèm ở cửa sổ lớn và cửa phòng để mang đi giặt. Năm nay, mẹ bận rộn nên em sẽ đảm nhận thêm việc mua hoa và trang trí phòng khách”, con gái chị Huyền chia sẻ.
Một năm trôi qua với những bộn bề, lo toan, thời điểm Tết đến là khoảng thời gian để mọi người có thể sắp xếp lại mọi thứ, trong đó có việc dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, làm đẹp hơn không gian sống của gia đình.
Càng gần Tết, người dân càng chú tâm mua sắm các vật dụng để trang trí cho ngôi nhà của mình. Dựa vào điều kiện kinh tế và khiếu thẩm mỹ, mỗi người sẽ có những cách riêng để ngôi nhà của mình thật sạch sẽ, rực rỡ để đón những điều may mắn trong năm mới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)