Nhớ Tết quê hương

Nguyễn Thị Thúy Ái |

Từ bao đời nay, người dân Quảng Trị vốn rất trọng ông bà tổ tiên, mỗi dịp cúng giỗ, lễ, Tết thường sắm sửa những mâm cỗ cúng đầy đủ, ngon sạch, tươm tất và đẹp mắt để thể hiện lòng thành kính của mình với người đã khuất.

Những món ăn và dâng cúng ấy thường làm từ những sản phẩm quê nhà, từ những nguyên liệu cây nhà lá vườn. Cũng là từ đường, bột, đậu, gạo, nếp, nhưng với cách chế biến độc đáo, mang nét văn hóa riêng, nên người dân ở quê tôi có món bánh chưng, bánh tét, bánh in, bánh bột lọc đặc sản làm nên sự khác biệt, tạo sự đặc trưng cho quê mình. Điều đặc biệt là dù có đi đâu, sinh sống ở đâu thì người dân Quảng Trị vẫn mang theo nét văn hóa cúng giỗ cùng ẩm thực rất độc đáo của quê hương mình.

Quê tôi nằm trên một dải đất hẹp miền Trung, lưng dựa dải Trường Sơn, mặt nhìn ra phía biển. Cũng như nhiều miền quê miền Trung khác, quê tôi đất hẹp, người đông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bằng sự cần cù của mình bắt sỏi đá phải trở thành lúa gạo, khoai, sắn nuôi sống người dân.

Bằng sự khéo léo của mình, sau một năm làm ăn thu vén, những ngày cuối năm là những ngày các bà, các cô, các chị chọn những hạt nếp, những ký bột đường, các loại đậu để làm ra các loại bánh dâng cúng ông bà và ăn vào dịp tết.

Hình ảnh khiến nhiều người nôn nao chờ đón Tết Nguyên đán- Ảnh: ST
Hình ảnh khiến nhiều người nôn nao chờ đón Tết Nguyên đán- Ảnh: ST

Cũng giống những miền quê khác trên dải đất hình chữ S, đất nước của truyền thuyết bánh chưng bánh dày, ngày tết quê tôi không thể thiếu các loại bánh chưng, bánh tét, bánh ú, bánh ít, bánh thuẫn...

Ngoài những loại bánh in thông thường, người dân quê tôi còn làm một thứ bánh in, được gói vuông vức trong giấy màu và đặt cúng trên bàn thờ tổ tiên suốt mấy ngày tết. Bánh in được làm công phu, chắt chiu từ chất vị của gạo nếp (xay bột rồi phơi sương), hạt vừng (mè), đường tinh khiết…nên để lâu và ăn rất thơm, rất ngon; cái vị hương vị ngon ngọt, thơm của bánh rất hấp dẫn, nên không pha lẫn vào đâu được.

Anh Lê Bá Chiến Tích ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết: “ Tôi sinh ra rồi lớn lên ở Triệu Đông (Triệu Phong), năm 1983 tôi nhập ngũ vào quân đội, sau đó lấy vợ rồi lập cư ở đây luôn.

Năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng thời gian trước Tết, gia đình tôi cũng quây quần cùng nhau gói và nấu bánh chưng, bánh tét và làm bánh in, vui hơn cả là lúc con cháu cả nhà cùng ngồi canh nồi bánh trong đêm giao thừa.

Khi đất trời nhít dần gần đến phút giao thừa thiêng liêng của dân tộc, giữa thời khắc hào quang của năm mới, sau khi cha tôi sắp đặt mâm cúng và bánh trái tươm tất, dâng hương hoa tạ trời đất, lạy ông bà tổ tiên cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, gia đình tôi quây quần ăn những miếng bánh đầu tiên “sản phẩm cây nhà lá vườn” ngon sạch trong ngập tràn niềm vui, hạnh phúc. Đến Tết này cha mạ tôi đã mất mấy năm rồi, nhưng gia đình tôi vẫn kế thừa nét văn hóa và ẩm thực quê hương, cội nguồn… ”.

Ngày Tết những người con Quảng Trị xa quê đến nhà nhau thăm chúc Tết, ngoài ly rượu, ấm trà và món ngon mà người dân quê tôi không thể không mời nhau thưởng thức đó là bánh in và bánh đòn (bánh tét) truyền thống.

Dù sống tại quê hương hay mưu sinh nơi khác, bà con quê hương mình luôn đem theo truyền thống của làng quê như một cách để nhận ra nhau là “đồng hương”, để giữ hồn cốt quê nhà. Ngày Tết, đi đến nhà ai, chỉ cần nhìn lên bàn thờ gia tiên và cả những cái am thờ trước nhà mà thấy những đĩa bánh in nhiều màu sắc, những cái bánh đòn tròn trịa, lạt tre buộc đều, buột chặt, xếp góc trang nghiêm là như thấy cả quê hương Quảng Trị dù ở nơi xa cách.

Chị Hồ Thị Tuyến, quê ở xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), vào lập nghiệp ở Ia Sao, huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết thêm, gói và nấu bánh đòn (bánh tét), bánh bột lọc và làm bánh in vào mỗi dịp Tết đến xuân về từ lâu đã là một việc không thể thiếu trong gia đình chị.

Ngày nay, dù cho khi Tết đến, người tiêu dùng đã có cả một hệ thống cung ứng hàng hóa, từ chợ, cửa hàng đến siêu thị, tha hồ mua sắm nào trái cây, bánh mứt, nào các loại thức ăn chế biến sẵn, trong đó có cả bánh chưng, bánh tét nhưng việc gói và nấu 2 loại bánh này vào mỗi dịp Tết của gia đình chị vẫn không hề thay đổi. Nét văn hóa mang đậm chất làng quê vẫn hiện nguyên như tình yêu của những người con xa quê hướng về cội nguồn quê cha, đất tổ.

Cũng tâm trạng nhớ quê hương, nhớ Tết, nhớ gia đình, anh Lê Văn Tịnh, quê ở Triệu Vân, Triệu Phong, nay vào sinh sống ở Ia Grai (Gia Lai) chia sẻ: “Ở quê, từ nhỏ, tôi đã quen với việc cùng anh em háo hức chờ tới ngày gần Tết để được đi cắt lá dong, lá chuối, được xay nếp, dồi bột, chẻ lạt, gói bánh.

Năm nào nhà tôi cũng dùng một chiếc thùng nhôm lớn để nấu bánh. Vui nhất là khi mấy anh em trong nhà tụm lại bên thùng bánh túc tắc sôi mà uống bình trà hoặc chung xị rượu để cùng ôn chuyện cũ và chia sẻ những ước vọng mới.

Bây giờ mặc dù xa quê, Tết không về đoàn tụ với gia đình được, nhưng vợ chồng tôi vẫn chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu như: gạo nếp, đậu đỗ, bột xay…để làm các loại bánh mang đậm truyền thống quê hương, giáo dục con con cái nhớ về ông bà tiên tổ và truyền thống, văn hóa quê nhà”.

Nguyên liệu để làm bánh đòn, bánh bột lọc thì dễ kiếm mà cũng dễ làm, nhưng để làm được những cái bánh in đẹp, thơm ngon tinh khiết để thờ cúng ông bà thì công tác chuẩn bị rất công phu.

Bánh in được làm từ những hạt nếp quê, gọi là nếp ngự, được chọn lựa kỹ càng, ngâm, rang, xay rồi lấy sương (phơi sương) trước khi đem trộn cùng với đường đã sên kỹ rồi dùng chai lăn cà kỹ tạo nên một khối bột mềm vừa đủ để kết dính mà không cứng khô khi làm thành bánh. Đậu hoặc mè được rang rồi trộn với đường để làm thành nhân.

Bằng những chiếc khuôn gỗ vuông vức hình chữ nhật, bánh được in và phơi cho hơi khô và đem gói. Giai đoạn gói bánh thật là thú vị. Mới nhìn thì đơn giản nhưng phải bằng bàn tay khéo léo thì mới có những chiếc bánh vuông thành sắc cạnh xếp lên bàn thờ.

Vì được làm kỹ từ mỗi công đoạn nên bánh có thể để lâu đến sau Tết nhiều ngày và trở thành một món ăn mang ra đồng đầu năm để mọi người có thể cùng chia sẻ với nhau những dư âm ngày Tết.

Xa quê đã gần 40 năm, nhưng tôi luôn cảm nhận đầy đủ hương vị của quê hương mỗi khi Tết đến xuân về. Tôi ước gì có thể quay ngược lại thời gian ngày tôi còn là một đứa bé thơ để mỗi lần sắp Tết lại cùng cha mạ đi rang xay bột rồi theo mạ thức dậy phơi sương hay ngồi nhìn cha tỉ mỉ làm ra những chiếc bánh in vuông vức rồi đem gói trong những tờ giấy bóng kính nhiều màu sắc rất đẹp.

Hương vị Tết quê, đặc biệt là không khí đầm ấm gia đình những ngày gần Tết quay quần làm các kiểu bánh vẫn đậm đà và một nỗi nhớ, một niềm khắc khoải và những hình ảnh quê hương vẫn luôn sống động mỗi khi trời trở gió chuyển mùa, báo một cái Tết sắp đến.

Tết quê. Thanh âm cuộc sống vang lên trong tâm hồn những người con xa quê hương ngày cuối năm, và ai cũng có thể lắng nghe một cách đầy đủ cung bậc cảm xúc của quê hương, của người thân yêu chưa về gặp lại.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Từ “Tết trồng cây” đến phát triển lâm nghiệp bền vững, hiệu quả

Đan Tâm |

Với diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 245.996 ha, trong đó rừng tự nhiên 126.622 ha; rừng trồng 119.374 ha, tỉnh Quảng Trị là địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển một nền lâm nghiệp hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh có những lợi thế đáng kể về vị trí địa lý - kinh tế nên rất thuận lợi trong việc vận chuyển và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ, góp phần giảm chi phí vận chuyển. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng với mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung.

Nhà vườn trồng mai tất bật chuẩn bị vụ Tết

PV |

Thời gian này, các nhà vườn trồng mai ở làng mai vàng Phước Định (ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) lại tất bật cho vụ mai Tết.

Tết nhân văn, Tết sẻ chia

PV |

Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của Việt Nam, cũng là ngày lễ lâu đời nhất, quan trọng nhất và mang đậm bản sắc dân tộc. Là ngày lễ đầu tiên trong năm, Tết Nguyên đán bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với niềm tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Tết cũng là dịp để nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới và sum họp gia đình với nhiều phong tục, nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Làng nghề nuôi cá chép đỏ nhộn nhịp trước ngày Tết ông Công, ông Táo

PV |

Những ngày này, người dân làng nuôi cá chép đỏ ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) lại nhộn nhịp chuẩn bị thu hoạch cá phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong ngày Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp hàng năm).