Từ “Tết trồng cây” đến phát triển lâm nghiệp bền vững, hiệu quả

Đan Tâm |

Với diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 245.996 ha, trong đó rừng tự nhiên 126.622 ha; rừng trồng 119.374 ha, tỉnh Quảng Trị là địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển một nền lâm nghiệp hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh có những lợi thế đáng kể về vị trí địa lý - kinh tế nên rất thuận lợi trong việc vận chuyển và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ, góp phần giảm chi phí vận chuyển. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng với mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung.


Sau ngày quê hương giải phóng, Quảng Trị là một trong những địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của chiến tranh, đặc biệt là phần lớn diện tích rừng, đất rừng trên địa bàn bị tàn phá nghiêm trọng, chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc, ô nhiễm bom mìn và vật liệu nổ.

Giai đoạn này, cùng với ổn định đời sống, sinh hoạt, người dân Quảng Trị đã chú trọng việc trồng cây gây rừng, đặc biệt là thời điểm phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” vào mùa xuân hằng năm.
Tập kết gỗ nguyên liệu từ rừng trồng ở Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ -Ảnh: Đ.T
Tập kết gỗ nguyên liệu từ rừng trồng ở Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ -Ảnh: Đ.T

Thời điểm năm 1989, khi tỉnh Quảng Trị được lập lại, bên cạnh duy trì thường xuyên, hiệu quả “Tết trồng cây” vào đầu xuân mới với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, 4 lâm trường (Bến Hải, Triệu Hải, Hướng Hóa, Đường 9) và các ban quản lý dự án cơ sở được hình thành để thực hiện Chương trình 327 (trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc), Chương trình 773 (trồng rừng vùng cát), Dự án 661, Định canh định cư, ... kết hợp với các nguồn vốn viện trợ quốc tế như các Dự án PAM 2780, 4304. Nhờ vậy, trong thời kỳ này, tỉnh Quảng Trị đã có trên 93.000 ha đất có rừng, trong đó rừng trồng tập trung 11.960 ha, độ che phủ rừng đạt 20,4%, mỗi năm toàn tỉnh trồng khoảng 200 ha - 300 ha rừng.

5 năm sau đó, nhờ sự vào cuộc tích cực của đông đảo người dân thông qua “Tết trồng cây”, hoạt động tích cực, hiệu quả của các đơn vị, các dự án lâm nghiệp, diện tích trồng rừng hằng năm tăng lên từ 2.000 - 3.000 ha.

Trong giai đoạn từ năm 1996 - 2000, ngoài việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc khu vực vùng đồi núi, tỉnh đã quan tâm cải tạo môi sinh, môi trường, góp phần hạn chế tình trạng cát bay, cát nhảy vùng cát ven biển các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh... cải thiện tình hình sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Đến nay, diện tích rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh có khoảng 95.000 ha, trong đó diện tích rừng trồng cây keo các loại trên 81.000 ha. Sản lượng gỗ khai thác bình quân từ 900.000m3 - 1.000.000m3 /năm.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã trồng được trên 51.000 ha rừng tập trung; trong đó trồng rừng sản xuất cung cấp gỗ nguyên liệu gần 50.000 ha, trồng khoảng 15.000.000 cây phân tán các loại.

Nâng độ che phủ rừng đạt trên 50%. Chỉ tiêu của tỉnh là trồng mới hằng năm 5.000 ha rừng tập trung. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 48 nhà máy kinh doanh chế biến lâm sản được cấp phép đầu tư hoạt động, gồm 2 nhà máy MDF, 16 nhà máy ghép thanh, 19 nhà máy dăm, 3 nhà máy ván lạng, 3 nhà máy ghép thanh và dăm, 1 nhà máy viên nén năng lượng, 2 nhà máy ghép thanh và viên nén, 1 nhà máy dăm và ván lạng, 1 nhà máy chế biến lâm sản ngoài gỗ.

Tổng công suất được cấp phép trên 2.500.000 tấn/năm; công suất đang hoạt động trên 1.300.000 tấn/năm; có 36 cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, trong đó có các cơ sở đã được đầu tư công nghệ nuôi cấy mô là Trung tâm Ứng dụng khoa học- công nghệ; Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ… với các máy móc, trang thiết bị hiện đại.

Để thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 177/KH-UBND ngày 2/11/2021 thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó đề ra mục tiêu “phấn đấu đưa năng suất bình quân rừng trồng hằng năm đạt 23m3 -25m3 /năm; phát triển vùng nguyên liệu tập trung để ổn định hằng năm cung cấp từ 1.000.000m3 - 1.200.000m3 gỗ/năm gỗ nguyên liệu có chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp chế biến vào năm 2030.

Nhiều chính sách, chương trình, dự án phát triển rừng trồng được tỉnh triển khai hiệu quả, được sự hưởng ứng tích cực của các ngành chức năng, liên quan và người dân. Nhờ đó, chất lượng rừng trồng ngày càng được nâng cao.

Tỉ lệ tăng trưởng rừng trồng bình quân đạt khoảng 20m3 /ha/năm. Năng suất bình quân của rừng trong khi khai thác chính (sau 6 - 7 năm đầu tư) đạt khoảng 120m3 /ha.

Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững với diện tích đến nay đạt trên 17.700 ha.

Diện tích rừng được cấp chứng chỉ của tỉnh chiếm khoảng 12 % so với cả nước. Rừng từng bước được nâng cao chất lượng để đạt sản lượng gỗ thương phẩm khoảng 80% trữ lượng, trong đó khoảng 40% gỗ lớn.

Tỉnh cũng đã khuyến khích các địa phương, chủ rừng chuyển đổi dần phương thức trồng rừng từ cung cấp nguyên liệu dăm gỗ sang kinh doanh rừng gỗ lớn với chu kỳ trên 10 năm, để nâng cao tỉ lệ gỗ xẻ có đường kính bằng hoặc lớn hơn 15 cm, đạt 50 - 60%/ha.

Việc từng bước phát triển, nâng cao chất lượng các loại rừng đã góp phần duy trì bền vững độ che phủ, cải thiện môi trường sinh thái, cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất, chế biến gỗ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động trên địa bàn.

Đặc biệt, với lợi thế về tiềm năng đất đai và nguồn nhân lực, ngành nông nghiệp đã chú trọng phát triển trồng rừng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp, mở rộng diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh được cấp chứng chỉ FSC. Quảng Trị là tỉnh đi đầu trong cả nước thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng cho cả 2 đối tượng là doanh nghiệp và hộ gia đình.

Việc cấp chứng chỉ rừng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, ổn định đầu ra cho các sản phẩm từ rừng, góp phần giải quyết nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Năng suất rừng tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước năm 2010 nhờ việc chú trọng đến nguồn gốc, chất lượng giống và áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ.

Với diện tích rừng trồng sản xuất hiện có và năng suất ngày một nâng cao, cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định.

Cùng với đó, các nhà máy chế biến gỗ, gỗ dăm trên địa bàn sản xuất và cung cấp sản phẩm gỗ MDF, gỗ ván ghép thanh, viên nén năng lượng, mộc mỹ nghệ gia dụng cho thị trường trong nước và xuất khẩu; xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và cảng Cửa Việt mỗi năm trên 800.000m3 gỗ dăm, đưa Quảng Trị vào nhóm đứng đầu của cả nước về sản xuất gỗ MDF và tỉnh có nguồn gỗ nguyên liệu phong phú trong khu vực, cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ keo lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.

Đây là tiềm năng và lợi thế rất lớn cho ngành sản xuất, chế biến gỗ Quảng Trị phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách địa phương, đồng thời góp phần chủ đạo trong thúc đẩy giá trị gia tăng ngành nông nghiệp, gia tăng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến.

Có thể khẳng định, với những lợi thế sẵn có, cùng với các chính sách của trung ương, địa phương tập trung cho đầu tư phát triển rừng bền vững và kết quả đạt được ban đầu, mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung đang dần trở thành hiện thực.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tỉnh Quảng Trị được chọn thí điểm bán tín chỉ các-bon rừng

B.A |

Theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ các-bon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ vừa mới ban hành, thì Quảng Trị là 1 trong 6 tỉnh được lựa chọn để thí điểm.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống cây lâm nghiệp

Trần Anh Minh |

Năm 2022, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế được chọn đầu tư thực hiện vườn ươm cây giống lâm nghiệp từ dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị cho nhà giâm hom cây lâm nghiệp quy mô bán công nghiệp tại khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt”. Đây là cơ hội để Quảng Trị nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng gỗ lớn.

Phát triển lâm nghiệp thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại

Thanh Trúc |

Tỉnh Quảng Trị có 245.996 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên hơn 126.621ha, rừng trồng hơn 119.374 ha, độ che phủ 50%. Trong những năm qua, sản xuất lâm nghiệp là một ngành kinh tế - kỹ thuật đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh, đồng thời là nguồn thu nhập, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Định hướng chiến lược của tỉnh xác định phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển lâm nghiệp thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại

Thanh Trúc |

Tỉnh Quảng Trị có 245.996 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên hơn 126.621ha, rừng trồng hơn 119.374 ha, độ che phủ 50%. Trong những năm qua, sản xuất lâm nghiệp là một ngành kinh tế - kỹ thuật đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh, đồng thời là nguồn thu nhập, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Định hướng chiến lược của tỉnh xác định phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.