Phát triển lâm nghiệp thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại

Thanh Trúc |

Tỉnh Quảng Trị có 245.996 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên hơn 126.621ha, rừng trồng hơn 119.374 ha, độ che phủ 50%. Trong những năm qua, sản xuất lâm nghiệp là một ngành kinh tế - kỹ thuật đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh, đồng thời là nguồn thu nhập, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Định hướng chiến lược của tỉnh xác định phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.


Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có về phát triển lâm nghiệp, những năm qua, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách để hỗ trợ thành phần kinh tế tư nhân trong sản xuất lâm nghiệp, huy động nhiều nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa sản xuất lâm nghiệp. Nhờ đó, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh, trong đó thành phần kinh tế tư nhân lâm nghiệp đã phát triển khá rõ nét. Cơ cấu các sản phẩm lâm nghiệp trong GRDP của tỉnh năm 2020 là 6,25%, tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp năm 2019 đạt 6,93%, giá trị sản xuất lâm nghiệp đã đạt hơn 1.103 tỉ đồng năm 2020, tốc độ tăng bình quân 8,34%/năm trong giai đoạn 2010-2020. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 50,1% năm 2017 và duy trì 50% đến năm 2021.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng kinh tế lâm nghiệp nói chung và kinh tế tư nhân về lâm nghiệp của tỉnh vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc tái đầu tư cho ngành lâm nghiệp chưa tương xứng với những giá trị đưa lại. Vẫn còn tình trạng rừng tự nhiên bị xâm hại do đầu tư phát triển sinh kế cho người dân sống gần rừng hạn chế.

Sản xuất, chế biến gỗ ở các doanh nghiệp trong tỉnh mới chỉ dừng ở mức độ chế biến sản phẩm thô - Ảnh: T.T
Sản xuất, chế biến gỗ ở các doanh nghiệp trong tỉnh mới chỉ dừng ở mức độ chế biến sản phẩm thô - Ảnh: T.T

Những năm qua, diện tích rừng trồng đã tăng lên rõ rệt, tuy nhiên năng suất còn thấp, đạt khoảng 80 - 100m3 gỗ/ha/chu kỳ 5-7 năm đối với cây nguyên liệu chính là keo, giá trị gỗ nguyên liệu và các sản phẩm lâm nghiệp chưa cao. Nhu cầu trồng rừng của người dân tương đối lớn nhưng khả năng cung ứng cây giống chất lượng cao trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Ngoài ra, các cơ sở chế biến, thu mua lâm sản mới chỉ dừng ở mức độ chế biến sản phẩm thô như ván ghép thanh, gỗ ván MDF, viên nén năng lượng, băm dăm… dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Quảng Trị được đánh giá là có tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, thế nhưng sản xuất lâm nghiệp chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, liên kết chuỗi giữa sản xuất và thị trường chưa tốt. Những hạn chế trên đã làm chậm tốc độ tăng trưởng của kinh tế lâm nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của các tổ chức và thu nhập của người dân làm nghề rừng.

Trong những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai nhiều nội dung liên quan các nhiệm vụ tại Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nội dung nghị quyết đến các cơ sở chế biến, thương mại lâm sản, các chủ rừng, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn thông qua hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật hằng năm hoặc lồng ghép phổ biến, tuyên truyền trong các cuộc họp dân.

Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực lâm nghiệp trong bối cảnh gỗ và sản phẩm gỗ đang hướng đến thị trường xuất qua các nước châu Âu. Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Hội chứng chỉ rừng tỉnh tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn trồng được 22.000 ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế FSC, trong đó diện tích của các hộ và nhóm hộ hơn 4.385 ha. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khai thác hơn 4,8 triệu tấn gỗ rừng trồng, 12.500 tấn nhựa thông, 5.000 tấn mây.

Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân xuất bán 7.450 kg động vật có nguồn gốc từ rừng được gây nuôi. Từ năm 2017 - 2021, tổng sản lượng gỗ đưa vào chế biến là hơn 6,3 triệu tấn, ước tính giá trị 6.187 tỉ đồng, trong đó, khai thác trong tỉnh hơn 4,8 triệu tấn. Sản lượng gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC là 394.100 tấn. Các tổ chức, cá nhân còn kinh doanh, chế biến gỗ xuất, nhập khẩu từ rừng tự nhiên các nước khác, ước tính giá trị hàng trăm tỉ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, chiếm khoảng 45% trong tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư lớn trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Đặc biệt là dự án đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ MDF số 2 của Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị đã nâng năng lực chế biến gỗ MDF của tỉnh lên 180.000 m3 sản phẩm/năm, góp phần thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển và đưa Quảng Trị nằm trong nhóm đứng đầu cả nước về sản xuất gỗ, sản phẩm gỗ.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về kinh phí cho các nhóm hộ trồng rừng có chứng chỉ FSC và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ để đáp ứng các yêu cầu của nhóm I đối với phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đối với người dân; chấn chỉnh, giải quyết dứt điểm các nhà máy chế biến dăm gỗ không được cấp giấy phép đầu tư mà vẫn hoạt động.

Huy động nguồn lực, ưu tiên kêu gọi, thu hút thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp chế biến gỗ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến nhằm từng bước cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiện đại, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ các tổ chức, cá nhân trồng rừng, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, góp phần phát triển bền vững kinh tế lâm nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chế biến nông sản thời dịch bệnh

Mỹ Hằng |

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến nhiều ngành nghề kinh doanh chịu tác động tiêu cực, sản xuất tạm dừng hoặc cầm chừng. 

Thu nhập cao từ nghề chế biến mực một nắng

Tú Linh |

Với nghề chế biến hải sản khô, nhất là mực một nắng, mỗi năm cơ sở hấp sấy Thúy Lai của ông Dương Thế Lai ở thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Một mô hình liên kết chế biến nông sản thành công

Trần Anh Minh |

Trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, liên kết là chìa khóa giúp các cơ sở sản xuất thành công, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia và huy động được nguồn lực đầu tư để phát triển một nền sản xuất bền vững. 

Ký kết hợp tác trồng và chế biến quế hồi

Anh Vũ |

Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vừa phối hợp Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (VINASAMEX) tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ.