Chế biến nông sản thời dịch bệnh

Mỹ Hằng |

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến nhiều ngành nghề kinh doanh chịu tác động tiêu cực, sản xuất tạm dừng hoặc cầm chừng. 

Tuy nhiên nghề chế biến nông sản thực phẩm trên địa bàn huyện Vĩnh Linh lại duy trì, phát triển. Điều này được xác định là do nhu cầu tích trữ lương thực chế biến sẵn của người dân tại địa bàn có dịch tăng gấp nhiều lần. Nhanh chóng thích ứng với nhu cầu thị trường, các hộ dân, cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã nắm bắt cơ hội nâng cao chất lượng, sản lượng, mở rộng thị trường trong điều kiện dịch bệnh khó khăn.

Dù đã quá trưa song không khí lao động tại cơ sở chế biến miến của chị Nguyễn Thị Hảo, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh vẫn tất bật. Với hệ thống máy móc hiện đại, trung bình mỗi ngày gia đình chị Hảo sản xuất khoảng 3 tạ miến thành phẩm mỗi ngày, sản phẩm làm ra được các thương lái đến tận nơi thu mua và phân phối đến các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Trừ chi phí, gia đình chị đã có thu nhập ổn định khoảng 400 triệu đồng/năm. Chị Nguyễn Thị Hảo cho biết: “Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người dân đều hạn chế đến những nơi đông người, ít ăn tại các hàng quán nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Do vậy, nhu cầu sử dụng các sản phẩm có thể dự trữ, bảo quản quanh năm như: Bún khô, bánh, miến đều tăng. Hiện nay, cơ sở của gia đình sản với số lượng lớn mỗi ngày, giải quyết việc làm cho 6 nhân công thường xuyên”.

 

Trong thời gian qua ngành nghề chế biến nông sản trên địa bàn huyện Vĩnh Linh phát triển khá mạnh. Dựa vào lợi thế từ nguồn nguyên liệu sẵn có và nhu cầu của người dân, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường.

Các sản phẩm được chế biến từ nông sản ở huyện Vĩnh Linh đã được đánh giá có chất lượng cao do được sản xuất với quy trình an toàn, đảm bảo kỹ thuật. Nhiều sản phẩm đã được hỗ trợ hoàn thiện đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hay chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chí OCOP. Tiêu biểu có sản phẩm Bánh quy tinh bột ngô, Bánh quy tinh bột nghệ của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung; Dầu lạc, Tinh bột nghệ Hùng Thịnh Thành; Sữa bắp Gia Hân; Muối cá lá Gia Hân.... Các sản phẩm chế biến này đã tham gia vào các kênh phân phối tiêu thụ, được bày bán từ chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa cho đến các siêu thị trên địa bàn tỉnh. Hiện đang từng bước mở rộng thị trường tại một số tỉnh, thành trên cả nước. Giá trị sản xuất ngành chế biến nông sản đạt khoảng 80 tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho 700 lao động, thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/tháng/người.

Nói về hướng hỗ trợ cho lĩnh vực này phát triển, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vĩnh Linh Lê Anh Minh cho biết: “Trong đề án phát triển các nghành công nghiệp địa phương từ nay đến năm 2025, định hướng đến 2030, đối với lĩnh vực chế biến nông sản, bún bánh, huyện đã đề ra cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân trong việc tổ chức sản xuất, xây dựng kế hoạch phát triển một cách chuyên nghiệp, tăng cường liên kết phát triển phương thức vận chuyển hàng hóa. Đồng thời khuyến khích chủ cơ sở sản xuất đầu tư khoa học kỹ thuật, không ngừng hoàn thiện sản phẩm cả về chất lượng và hình thức nhãn mác, bao bì để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. Qua đó, nâng cao uy tín, thương hiệu các sản phẩm nông sản của địa phương và tăng thu nhập cho người dân”.

Huyện Vĩnh Linh phấn đấu đến năm 2025, giá trị chế biến nông sản đạt trên 150 tỷ đồng, tăng bình quân trên 18%/năm (theo giá cố định năm 2010); tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 người, thu nhập bình quân từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Với mục tiêu này, huyện sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm hình thành điểm kinh doanh mua bán, thu gom, bảo quản sản phẩm nông sản tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, sơ chế, bảo quản nông sản có sử dụng nguyên liệu thế mạnh của địa phương như lúa, lạc, tiêu, ném, khoai môn. Trong đó chú trọng gia tăng tỷ lệ chế biến sâu để hình thành sản phẩm công nghiệp nông thôn chủ lực có tính chất hàng hóa, gắn liền với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Đồng thời tiếp tục duy trì và phát triển các sản phẩm của địa phương đã có như miến, bánh, bún, tinh dầu các loại... và phát triển một số sản phẩm công nghiệp mới như: Nước uống trái cây, sữa bắp, bánh kẹo các loại. Ưu tiên hỗ trợ phát triển một số sản phẩm công nghiệp được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như gạo, tiêu, sắn dây, tinh bột, tinh dầu, dầu lạc, miến... để thực hiện đề án Mỗi xã một sản phẩm- OCOP.

(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh)

TAGS

Thu nhập cao từ nghề chế biến mực một nắng

Tú Linh |

Với nghề chế biến hải sản khô, nhất là mực một nắng, mỗi năm cơ sở hấp sấy Thúy Lai của ông Dương Thế Lai ở thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Một mô hình liên kết chế biến nông sản thành công

Trần Anh Minh |

Trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, liên kết là chìa khóa giúp các cơ sở sản xuất thành công, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia và huy động được nguồn lực đầu tư để phát triển một nền sản xuất bền vững. 

Ký kết hợp tác trồng và chế biến quế hồi

Anh Vũ |

Huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vừa phối hợp Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (VINASAMEX) tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ.

Phát triển chanh leo phục vụ chế biến và xuất khẩu

Phan Việt Toàn |

Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua doanh nghiệp… tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, ổn định tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản.