Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống cây lâm nghiệp

Trần Anh Minh |

Năm 2022, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế được chọn đầu tư thực hiện vườn ươm cây giống lâm nghiệp từ dự án sản xuất thử nghiệm cấp bộ “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị cho nhà giâm hom cây lâm nghiệp quy mô bán công nghiệp tại khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt”. Đây là cơ hội để Quảng Trị nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng gỗ lớn.


Vườn ươm cây giống cải tiến đã được thực hiện từ các kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ “nghiên cứu công nghệ che sáng và tưới phun tự động cho vườn ươm cây lâm nghiệp”. Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp đã ban hành tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới “nhà giâm hom cây công nghiệp cải tiến”.

Mô hình này ứng tiến bộ kỹ thuật công nghệ như: công nghệ che sáng di động gồm nhiều tầng che phía trên và xung quanh độc lập nhau bằng lưới che sáng chuyên dụng được điều khiển đóng mở tự động, bán tự động hoặc thủ công theo yêu cầu mức độ ánh sáng của môi trường vườn ươm, khắc phục được điều kiện khí hậu khắc nghiệt khô nóng, lạnh và mưa phùn kéo dài; công nghệ tưới phun sương áp suất cao tạo độ phun tơi, đều được điều khiển tự động theo thời gian hoặc độ ẩm không khí, điều tiết được độ ẩm và nhiệt độ môi trường theo yêu cầu của nhiều loại cây lâm nghiệp có đặc tính sinh học khác nhau.

Nhân giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô - Ảnh: T.A.M
Nhân giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô - Ảnh: T.A.M

Khung nhà ươm bằng thép hộp mạ kẽm được thiết kế theo mô đun công nghiệp trên cơ sở kích thước tối ưu của luống giâm hom và đường tác nghiệp trong nhà để tăng tối đa diện tích giâm hom, thuận tiện gia công chế tạo, lắp đặt và sử dụng, tùy theo điều kiện khác nhau mà sử dụng các mô đun khác nhau.

Hệ thống luống giâm thông dụng 1 tầng được cải tiến đảm bảo thoát nước không gây úng, có kích thước phù hợp cho quá trình tác nghiệp và đảm bảo cho sản xuất cây giống theo quy mô công nghiệp. Vòm che luống giâm cũng được cải tiến để dễ tháo lắp và tiết kiệm chi phí.

Hệ thống luống giâm 2 tầng được đặt xen kẽ với luống 1 tầng tiết kiệm được 50% diện tích vẫn đảm bảo tạo được môi trường giâm hom theo yêu cầu. Hệ thống phun sương trong không gian nhà ươm tăng độ ẩm không khí trong nhà, giảm hiệu ứng nhà kính trong môi trường giâm hom khi thời tiết khô nóng.

Hệ thống thông gió tích cực khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Hệ thống bể chứa nước chìm và trạm bơm cải tiến được xây dựng trên nắp bể tự điều tiết nhiệt độ tưới nước theo điều kiện thời tiết có lợi cho sinh trưởng của cây giống và tiết kiệm điện năng, giảm chi phí xây dựng.

Công nghệ này hiện được áp dụng cho nhiều cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ giâm hom, nuôi dưỡng cây mạ từ nhân mô trên toàn quốc. Công nghệ này đặc biệt hiệu quả ở các vùng có khí hậu khắc nghiệt như miền Trung chịu ảnh hưởng mạnh của gió Tây Nam khô nóng và gió mùa Đông Bắc lạnh.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật này trong sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng cây cấy mô, khi đưa vào trồng rừng, cây keo lai có bộ rễ cọc lớn có khả năng chống chịu tốt hơn với hiện tượng gió bão. Giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô sẽ ít bị bệnh hơn và chất lượng gỗ cũng tốt hơn.

Dự án hỗ trợ cho một số vườn ươm trên địa bàn vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất cây giống từ cây mầm keo lai mô để tạo nên giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng gỗ lớn. Đây là nhu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay vì muốn mở rộng quy mô rừng trồng chất lượng cao nhưng các vườn ươm không thể cung cấp đủ lượng giống, tạo tính chủ động cho các địa phương trong trồng rừng gỗ lớn.

Diện tích mỗi vườn ươm 1.000 m2 . Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã lựa chọn HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ để thực hiện thí điểm. HTX được dự án hỗ trợ khung nhà giâm, hệ thống che điều tiết ánh sáng phía trên và xung quanh, hệ thống tưới phun sương và phun mưa, hệ thống luống giâm hom và bể chứa chìm.

Vườn ươm thực hiện trồng giống cây keo lai mầm được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô là các dòng keo lai mô như: AH1, BV16, AH6… Sử dụng phân lân vi sinh để bón cho cây con. Ngoài ra, còn có các vật tư phục vụ kèm theo như đất đóng bầu, vỏ bầu…

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phan Ngọc Đồng cho biết: “Việc tham gia thực hiện thí điểm dự án nhằm đạt mục đích xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững mô hình ươm cây giống lâm nghiệp.

Mô hình này có sự liên kết “4 nhà” là HTX, doanh nghiệp, cán bộ khoa học của dự án và Sở Nông nghiệp và PTNT, trong đó nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp có tiềm năng về phát triển vùng gỗ lớn, tiêu thụ và chế biến gỗ xẻ”.

Sản phẩm của dự án là cây giống đủ tiêu chuẩn trồng rừng với giá thành giảm từ 30% - 40% so với việc mua cây giống truyền thống phục vụ trồng rừng nguyên liệu. Xây dựng mô hình tổ chức quản lý sản xuất liên kết HTX với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tập trung vào các nội dung như: xây dựng quy chế về quản lý, sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa HTX, nhóm hộ với doanh nghiệp và các bên liên quan; phổ biến quy chế, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.

Dự án cũng triển khai đào tạo, tập huấn kỹ thuật ươm cây giống chất lượng cao, trồng rừng thâm canh gắn với thực hiện chứng chỉ trồng rừng FSC đảm bảo chất lượng trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền để hiệu quả thực hiện dự án được nhân rộng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Cam Lộ: Phát động trồng cây Chương trình “Hành động vì một Việt Nam xanh”

Anh Vũ |

Ngày 3/12, tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên -Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH Unilever tổ chức phát động trồng cây Chương trình “Hành động vì một Việt Nam xanh”, hưởng ứng chương trình trồng 1 tỉ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Cá gỏi kiến vàng: Món ăn kết hợp cá suối và tổ kiến trên cây

Diệu Hương |

Mùi thơm cùng vị ngọt của cá suối hòa quyện với vị béo ngậy của trứng và vị chua của kiến tạo nên món cá gỏi kiến vàng cực kỳ độc đáo.

Hướng Hóa triển khai thành công nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi

Nguyễn Vinh |

Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chú trọng lãnh đạo, định hướng, triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, bước đầu đem lại hiệu quả khá cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Trồng phục hồi 120 ha cây bản địa ở đầu nguồn sông Thạch Hãn

Hoàng Táo |

Tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị), Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp với Ban Quản lý dự án Đầu tư bảo vệ và phát triển rừng huyện Đakrông vừa khởi động dự án trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Thạch Hãn.