Bảo tồn lễ hội cầu mùa của đồng bào Vân Kiều ở Bản Chùa

Anh Vũ |

Lễ cầu mùa hay còn gọi là cầu bông là một trong những phong tục truyền thống, là lễ hội lớn nhất của người dân tộc thiểu số Vân Kiều ở Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Lễ cầu mùa gắn liền với quá trình phát triển của cộng đồng người Vân Kiều ở Quảng Trị nói chung và bản Chùa nói riêng.


Nghi lễ nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của người dân, cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn thịnh vượng; đồng thời, cầu mong cho cả bản xua đi những dịch bệnh, thiên tai, có một cuộc sống no ấm, bình yên và hạnh phúc.

Từ bao đời nay, thu nhập chủ yếu của đồng bào Vân Kiều ở Bản Chùa dựa vào sản xuất nương rẫy theo phương thức “phát, đốt, cốt, trỉa”. Những năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi thì cuộc sống dân bản được ấm no, hạnh phúc, nhưng nếu không may xảy ra thiên tai, mất mùa thì cuộc sống hết sức khó khăn. Do tâm lý “nhờ trời” như vậy nên lễ cầu mùa được bà con ở đây đặc biệt coi trọng.

Người dân Bản Chùa chăm chỉ sản xuất, sống thuận hòa - Ảnh: A.V
Người dân Bản Chùa chăm chỉ sản xuất, sống thuận hòa - Ảnh: A.V

Lễ cầu mùa được bà con Bản Chùa tiến hành hằng năm, tuy nhiên do tình hình kinh tế, thu nhập của bà con còn khó khăn nên cứ 2 - 3 năm, có khi từ 4 - 5 năm mới tổ chức có quy mô một lần. Lúc này bên cạnh phần lễ còn có phần hội để người dân trong bản vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ...

Lễ cầu mùa ở Bản Chùa được tổ chức vào mùa xuân. Trước thời gian diễn ra lễ hội khoảng 1 tháng, trưởng bản triệu tập cuộc họp bao gồm: già làng, đại diện các họ tộc trong bản để bàn về thời gian cụ thể diễn ra lễ hội, kinh phí, phân công nhiệm vụ cho công tác chuẩn bị. Kinh phí cho lễ hội hoàn toàn do người dân trong bản đóng góp, ít hay nhiều tùy theo lễ cúng của năm đó.

Lễ cầu mùa được tổ chức tại khu đất cấm tại bến Cây Lội trước “rừng ma” của bản, người Vân Kiều thường quen gọi là “Là Pe” - nơi thờ cúng các vị thần, các bậc tiền nhân hay ma xứ của bản làng. Mỗi năm, cả bản làng chỉ đến đây được 2 lần vào lúc lễ cầu mùa và lễ cúng mừng năm mới dịp tết Nguyên Đán. Những ngày khác trong năm, người dân trong bản xâm phạm “Là Pe” nếu bị bắt gặp sẽ bị phạt có thể là trâu, bò, dê…

Đồ cúng lễ cầu mùa gồm nhiều thứ như: thịt thú rừng, gà, lợn, trâu, rượu, trầu... Đúng ngày tổ chức lễ, khoảng 5 giờ chiều già làng trong trang phục của thầy cúng là người đầu tiên được phép đặt chân vào vùng cấm “Là Pe”, sau đó mọi người mới được phép vào. Già làng trịnh trọng đặt mâm lễ lên “Là Pe”; mâm lễ gồm có hai con gà (một trống, một mái), xôi hay còn gọi là cơm lam, lợn, cau trầu, rượu, hương, đèn…

Việc thờ cúng của người Vân Kiều được quy định rất chặt chẽ. Chỉ có những người đàn ông dưới sự điều hành của già làng mới được phép thực hiện các thủ tục như chuẩn bị đồ lễ, quét dọn miếu thờ, khu vực “rừng ma”...

Sau khi đồ lễ được đặt lên bàn thờ “Là Pe”, hương được thắp lên, già làng là người trực tiếp làm lễ cúng. Trước sự chứng kiến của toàn thể dân bản, trưởng bản ngồi trước “Là Pe” lầm rầm khấn vái, đọc những câu thần chú của riêng người Vân Kiều để báo cáo với các vị thần đất đai, sông núi, các bậc tiền bối và cả “con ma xứ” nơi người Bản Chùa sinh sống. Mục đích là cầu xin thời tiết thuận lợi, đất đai tươi tốt, vụ mùa mới bội thu, bản làng bình yên và dân bản khoẻ mạnh, ấm no.

Ông Hồ Ing, một bậc cao niên ở Bản Chùa cho biết: “Lễ cầu mùa được bà con tổ chức để tạ ơn thần linh, cầu mong một năm thời tiết thuận lợi, các loại cây trồng trên nương, trên rẫy đều phát triển tốt, mùa màng bội thu, mang lại thu nhập cao cho bà con trong bản. Người dân trong bản ai cũng đoàn kết, vươn lên làm ăn để cùng nhau xây dựng bản làng ngày càng phát triển”.

Để bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống này, huyện Cam Lộ có chủ trương giúp dân bản bảo tồn, gìn giữ giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và du lịch; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ du khách với phương châm “Giữ văn hóa để phát triển du lịch, phát triển du lịch để giữ gìn bản sắc văn hóa”.

Theo đó, UBND huyện giao Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với xã Cam Tuyền và Bản Chùa tổ chức, hỗ trợ thêm lễ vật, các điều kiện cơ sở vật chất giúp bà con bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống này, đồng thời hướng đến xây dựng trở thành lễ hội có quy mô hằng năm nhằm gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và du lịch.

“Lễ hội cầu mùa là nét văn hóa đặc sắc riêng có của Bản Chùa. Trước đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà lễ hội này ngày càng được tổ chức đơn giản và có chiều hướng bị mai một dần, chủ yếu là phần lễ mà chưa có phần hội.

Vì vậy năm nay, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, xã Cam Tuyền phối hợp với Bản Chùa phục dựng, tổ chức lại các hoạt động tại lễ cầu mùa theo nghi thức truyền thống của dân bản. Để lễ hội này được bảo tồn và duy trì đều đặn hằng năm, UBND huyện sẽ tạo điều kiện hỗ trợ một phần nguồn lực cho địa phương tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của bà con mình.

Đây cũng là một trong những việc làm nhằm thực hiện chủ trương bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Đảng và Nhà nước”, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Nguyễn Thanh Bắc cho biết.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hiệu quả từ việc trồng cây đót của người dân vùng cao

Nam Phương |

Nhận thấy những giá trị kinh tế mà cây đót mang lại, nên thay vì phải vất vả lên rừng lấy đót mang về bán cho các thương lái như trước đây, một số người dân tại xã Thanh, huyện miền núi Hướng Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây đót. Việc đưa một loại cây rừng, vốn chỉ mọc trong tự nhiên trở thành một loại cây trồng lâu năm được xem là hướng đi mới, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi miền Tây Quảng Trị.

Chuyên gia lên tiếng khuyến cáo người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe khi trời liên tục nồm ẩm

Thanh Mai |

Người dân hạn chế đi ra ngoài nhất là người già và trẻ em, cần thường xuyên theo dõi về chất lượng không khí.

Bệnh viện đa khoa tỉnh đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân

Nguyễn Hoài Nam |

Những năm qua, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị tích cực đổi mới phương thức hoạt động, cải tiến chất lượng bệnh viện, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ngày càng khang trang, hiện đại, nguồn nhân lực được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng… Nhờ đó, bệnh viện đã nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Người dân nô nức về hội Phật Tích

PV |

Ngày 25/1 (tức mùng 4 Tết) đã diễn ra Lễ hội Khán hoa mẫu đơn (hay còn gọi là hội Phật Tích) tại chùa Phật Tích (xã Phật Tích - huyện Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh). Sau nhiều năm không tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ hội thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến lễ Phật, du Xuân, trảy hội.